Bên lề Hội thảo Khoa học “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế” ngày 26/5, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam chia sẻ với Tạp chí Thương gia về những kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản vào “bộ tứ chiến lược” của Bộ Chính trị ban hành, đặc biệt là tác động tích cực từ Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.
Thưa ông, Nghị quyết 68 được Bộ Chính trị ban hành đã thực sự tháo gỡ những vướng mắc của khu vực kinh tế tư nhân. Ông có thể cho biết rằng, với các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản thì doanh nghiệp kỳ vọng gì từ những cơ chế có trong Nghị quyết?
Trong bối cảnh hiện nay, việc tiếp cận đất đai và giải quyết vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản là cực kỳ quan trọng. Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ của Đảng, Chính phủ và Nhà nước đối với kinh tế tư nhân, coi đây là động lực chủ đạo cho sự phát triển đất nước. Chúng tôi, với tư cách là doanh nghiệp, rất trân trọng sự thay đổi tư duy này.
Trước đây, kinh tế tư nhân còn gặp nhiều định kiến, chưa thực sự được tin tưởng và giao phó những vai trò quan trọng. Tuy nhiên, để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, có ba yếu tố then chốt cần được cải thiện: vốn, thị trường, cơ sở hạ tầng và thể chế.
Về vốn, đây là vấn đề sống còn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn hiện đang rất khó khăn, nhất là khi doanh nghiệp chưa được giao đất chính thức. Hệ thống cấp vốn hiện tại chưa linh hoạt, chưa dựa trên tầm quan trọng, tính khả thi của dự án đối với xã hội và sự phát triển kinh tế khu vực. Đây cũng là lý do chính khiến chúng ta cần có Luật Đất đai sửa đổi 2024, nhằm giải quyết những bất cập và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh vốn, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất cần cơ sở vật chất như đất đai, văn phòng, cùng với cơ sở dữ liệu và thông tin minh bạch. Hiện tại, việc tiếp cận thông tin, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, còn rất khó khăn do thông tin thường được các cơ quan quản lý nắm giữ và chưa được chia sẻ một cách dễ dàng, thuận tiện cho việc nghiên cứu và ra quyết định đầu tư kinh doanh.
Cuối cùng, vấn đề thể chế vẫn còn quá phức tạp và chồng chéo. Tình trạng này đã dẫn đến việc hàng ngàn dự án bất động sản đang bị đình trệ vì vướng mắc pháp lý. Sự mâu thuẫn và chồng chéo trong các quy định thể chế đang cản trở đáng kể sự phát triển của thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Vấn đề thực thi thể chế cũng là một trở ngại lớn. Các cơ quan chính quyền, đặc biệt là cấp địa phương, thường ngại thay đổi hoặc điều chỉnh thể chế vì lo sợ sai phạm. Điều này dẫn đến việc họ không dám mạnh dạn và quyết liệt, thậm chí ngay cả khi Chính phủ đã sửa đổi thể chế.
Chúng tôi nhận thấy Chính phủ hiện tại đang rất nỗ lực, kiến tạo và có trách nhiệm. Tại cuộc họp ngày 23/5 vừa qua mà tôi tham dự, Chính phủ đã đưa ra nhiều chỉ đạo quan trọng. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh sự minh bạch, công bằng đối với thị trường bất động sản và các doanh nghiệp phát triển bất động sản. Chính phủ cũng yêu cầu cắt gọn các quy trình chồng chéo, mâu thuẫn. Chẳng hạn, nếu đã có quy hoạch và thông tin đầy đủ, việc cấp chứng nhận đầu tư không nên kéo dài hàng năm trời. Đồng thời, Chính phủ cũng khẳng định không phó mặc việc giao đất và giải phóng mặt bằng cho doanh nghiệp, mà sẽ đồng hành, hỗ trợ, đặc biệt là phát huy vai trò của chính quyền địa phương.
Chúng tôi cho rằng, để thực sự thúc đẩy và tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển, các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền địa phương, cần xác định doanh nghiệp là nền tảng phát triển kinh tế chung của đất nước và địa phương.
Thưa ông, Nghị quyết 68 khẳng định Nhà nước sẽ ủng hộ doanh nghiệp tư nhân tham gia các công trình trọng điểm quốc gia, điển hình như dự án đường sắt tốc độ cao với hơn 20 nhà ga và các dự án bất động sản đi kèm. Vậy, theo ông, doanh nghiệp bất động sản có thể tham gia vào những công trình này như thế nào để thúc đẩy nhanh quá trình triển khai dự án?
Dự án đường sắt tốc độ cao là một mô hình mới, nhưng không phải tất cả các cấu phần đều đòi hỏi trình độ quá cao. Tôi tin rằng doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực để tham gia một tỷ trọng đáng kể trong dự án này.
Thay vì chỉ dựa vào kinh nghiệm từ các đối tác nước ngoài, chúng ta cần mạnh dạn tin tưởng vào doanh nghiệp trong nước. Nếu có những phần chúng ta chưa làm được, chúng ta có thể học hỏi hoặc mời chuyên gia, cố vấn để hỗ trợ. Việc e ngại, chỉ tập trung vào các nhà thầu ngoại sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam không có cơ hội tích lũy kinh nghiệm, không thể lớn mạnh và phát triển từ nội lực.
Điều này rất quan trọng, bởi hiện nay nền kinh tế của chúng ta vẫn đang phụ thuộc nhiều vào vốn FDI. Nếu không tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước, chúng ta sẽ mãi mãi không thể phát huy hết động lực phát triển nội tại. Đây là một điểm mà Chính phủ và Nhà nước cần đặc biệt lưu ý trong các chính sách điều hành.
Thưa ông, Vingroup đã đề xuất thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao. Tuy nhiên, họ chưa có kinh nghiệm trong các dự án tương tự. Vậy, cơ chế nào có thể đảm bảo Nhà nước giám sát và kiểm tra chất lượng các công trình trọng điểm quốc gia nếu Vingroup triển khai?
Vingroup là một ví dụ điển hình về doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có khát vọng và khả năng vươn lên. Từ xuất phát điểm trong lĩnh vực bất động sản, họ đã trưởng thành vượt bậc, với những dự án nhỏ đến việc phát triển các đại đô thị và khu du lịch quy mô lớn, khẳng định chất lượng và tầm vóc của mình. Nhà nước đã tin tưởng giao phó, và Vingroup đã chứng minh được năng lực của mình trong lĩnh vực đô thị, bất động sản và hạ tầng.
Không chỉ dừng lại ở đó, Vingroup còn mạnh dạn bước chân vào lĩnh vực mới như sản xuất ô tô điện. Sự thành công của VinFast trên thị trường trong nước và quốc tế, thậm chí tại những thị trường tiên tiến như Mỹ, đã cho thấy khả năng của họ khi dám chấp nhận thử thách.
Chúng tôi tin rằng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thừa động lực, khát khao và mong muốn vươn lên. Với một đơn vị đã trưởng thành qua nhiều lĩnh vực và có khát vọng cống hiến cho đất nước, đặc biệt là với các công trình mới, chúng ta cần có những cơ chế hỗ trợ từ kỹ thuật đến việc kết nối với kinh nghiệm quốc tế.
Song song với đó, chúng ta nên mời các chuyên gia quốc tế tham gia vào những cấu phần dự án đòi hỏi kỹ thuật cao. Đồng thời, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp nội địa đảm nhiệm những phần phù hợp với khả năng của họ. Cách tiếp cận này giúp chúng ta vừa tham gia, vừa học hỏi, vừa phát triển, và cuối cùng là hoàn thành mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra.
Thưa ông, Thủ tướng đã khẳng định chúng ta có đủ vốn và cơ chế chính sách để thực hiện mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai như kỳ vọng. Theo ông, cần giải pháp cốt lõi nào để đạt được mục tiêu này?
Để đạt được mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội, chúng ta cần mạnh dạn loại bỏ sự phức tạp và chồng chéo trong các quy định. Đúng tinh thần Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, thứ nhất, phải cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính đang gây rào cản và khiến doanh nghiệp e ngại tham gia.
Thứ hai, cần xử lý các quy định đầu ra chưa phù hợp để người dân dễ dàng tiếp cận nhà ở xã hội hơn. Khi đầu ra thông thoáng và hấp dẫn, doanh nghiệp sẽ hứng thú tham gia sản xuất vì sản phẩm làm ra có thị trường.
Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng chúng ta cần chuyển sang cơ chế hậu kiểm, đúng như tinh thần của Đảng. Ví dụ, chỉ cần đặt ra tiêu chuẩn rõ ràng cho người mua nhà ở xã hội. Ai đủ điều kiện thì nộp đơn; nếu cố tình mua khi không đủ điều kiện, sẽ bị tịch thu nhà hoặc xử lý theo pháp luật. Điều này sẽ giúp loại bỏ nhiều khâu thẩm định phức tạp, rườm rà, đẩy nhanh quá trình triển khai dự án.
Xin cảm ơn ông!