Nghĩa Army - Tay chơi phố cổ...

Giữa phố cổ Hà Nội, trên căn gác nhỏ phố Lãn Ông vẫn còn vương mùi thuốc bắc, đó là nơi ở của một người có bộ sưu tập loa đài, ampli quân sự độc đáo nhất Việt Nam.
Nghĩa Army - Tay chơi phố cổ...

Trên trần nhà và tường treo đầy bạt, dù của bộ đội, những chiếc balo và các kỷ vật thời chiến tranh, nơi mùi lính như phảng phất đâu đây, và dư âm của cuộc chiến tranh đọng lại, những câu chuyện của thời gian khổ… Đây là nơi anh Lê Tuấn Nghĩa trưng bày bộ sưu tập của mình và tiếp đón những người đồng cảm tới chia sẻ.

Tay chơi phố cổ

Lê Tuấn Nghĩa là con trai phố cổ Hà Nội, điều này có ảnh hưởng khá lớn đến cuộc sống của anh. Như nhà văn Nguyễn Việt Hà đã viết về trai phố cổ: “Bọn họ thong thả ăn, tinh tế mặc, chầm chậm sống. Có bọn họ, Hà Nội hôm nay mới có nổi dăm bảy hàng phở ngon, vài ba quán café thị dân sâu lắng. Bọn họ chẳng chịu là gì, sống nghệ sỹ nửa mùa, rồi trả ơn Hà Nội bằng cách quyết liệt tự nuôi cho mình những thói quen bao đời của Hà Nội”.

Nhà Nghĩa nằm ở phố Lãn Ông, nơi bán nhiều loại thuốc bắc từ bao đời nay của người Hà Nội. Bố Nghĩa xưa kia cũng là một người “chơi” ảnh, ở nhà còn có cả buồng tối để phục vụ đam mê nhiếp ảnh của ông. Mẹ Nghĩa từng là hoa khôi của trường Khai Thành đã từng được cử đi trong đoàn tiếp đón Vua Bảo Đại nhân dịp ông ra thăm Hà Nội.

Sống trong cái nếp Hà Nội gốc 5, 6 đời, Nghĩa cũng tiếp nhận vẻ đẹp của mẹ, và sự lãng tử của bố, để trở thành một Nghĩa có một niềm đam mê. Nói vậy, là bởi, không phải ai sống trên đời cũng tìm thấy sự đam mê của mình. Họ chơi vơi chới với, khi không có một đam mê, một sở thích riêng, và dám sống hết mình với nó. Có thể nói: Người có đam mê, là một người sống không nhạt.

Nghĩa được bố cho đi học vẽ mười mấy năm, hồi học lớp 3 đã được giải thưởng và bằng khen của Liên Xô và được thưởng 10 đồng (Đến giờ anh còn giữ tờ 10 đồng đó). Sau này Nghĩa chán vẽ, anh vác máy ảnh đi lang thang lang bạt khắp nơi, rồi cũng có lúc ngưng chơi máy ảnh, có thể nói gã đàn ông phố cổ này cái gì cũng đã từng trải qua chán chê rồi mới chịu dừng.

Yêu mỹ cảm của nhạc và đồ quân sự

Nghĩa Army - Tay chơi phố cổ... ảnh 2

Nghĩa bắt đầu khoanh vùng sở thích của mình khi nhận ra mình mê đắm những bản nhạc vàng, nhạc tiền chiến, nhạc đồng quê, Jazz, Blue... Anh bắt đầu sưu tập những bộ đầu đĩa, loa, âm ly cổ, băng nhạc. Từ khi chưa có tiền, công tử hà thành xin gia đình, cho đến lúc đi làm được bao nhiêu tiền, Nghĩa dốc hết vào các bộ sưu tập của mình. Có những đầu băng cối dân dụng hồi đó không đáng bao nhiêu tiền, rồi đầu Akai loại X200D, bộ âm thanh bóng đèn David Bogen…

Đĩa thì vừa mua vừa xin, chỉ mấy chục đồng một cuốn. Các băng nhạc của Nghĩa sưu tập có bìa được trình bày khá đẹp với các ngôi sao ca nhạc thời đó. Giờ trải qua mấy chục năm, nhìn ảnh các ngôi sao trẻ trung hồi đó mà thấy sự ngậm ngùi của thời gian.

Anh bảo hồi xưa chơi đâu có hội có hè, có câu lạc bộ online, offline như các bạn trẻ bây giờ. Cứ lủi thủi mà chơi một mình thôi. Bố mẹ, và sau này là gia đình riêng cũng tôn trọng cái sở thích đó của Nghĩa, cho nên chẳng có gì cản trở cả, nhất là khi sau này với chức danh Giám đốc của một công ty Hội chợ Quốc tế, anh có điều kiện để đi khắp nơi, thỏa mãn đam mê của mình.

Từ âm nhạc cùng đồ chơi nhạc dân dụng, Nghĩa chuyển sang chơi đồ “quân sự”.

Nghĩa đã tìm đến những chiến trường xưa, từ Vinh, Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên, Sài Gòn… để tìm những vật dụng chiến tranh. Cho đến giờ, Nghĩa quý nhất vẫn là bộ amply quân sự cổ mà anh đã tốn không biết bao nhiêu tiền và công sức mới mua được. Nhìn bộ amply không có cái thứ hai này thật dã chiến, trên thân máy còn ghi dòng chữ USARMY/ WEBSTER CHICAGO CORP.

Đây là một sản phẩm được sản xuất bởi Tập đoàn Webster Chicago từ những năm 1940 cho đến năm 1950. Doanh nghiệp này chuyên sản xuất thiết bị ghi âm, băng ghi âm, máy quay đĩa, bộ khuếch đại, hệ thống liên lạc và các thiết bị âm thanh. Chúng không chỉ có giá trị cổ xưa mà còn mang giá trị của lịch sử, của một thời đại đã đi qua trong chiến tranh.

Có những món đồ tình cờ gặp trên đường, Nghĩa mê mẩn lắm, thuyết phục mà người ta chẳng bán. Có lần Nghĩa gặp một bà bán trứng vịt lộn ở Quảng Ngãi đang mang theo một bình đựng có ba lớp tách riêng biệt mà anh nhận ra đây là bình đồ quân dụng của Mỹ mang sang phục vụ lính. Nghĩa “gạ” mua cho bà bình mới, lại trả thêm tiền, nhưng kiểu gì bà cũng lắc đầu. Cho đến giờ, anh vẫn chưa tìm được cái bình thứ hai như vậy.

Giờ tính ra, những món đồ sưu tập được của Nghĩa đã lên tới mấy trăm loại. Nghĩa không “chơi” dao, súng… anh bảo “Chơi mấy cái đó rách việc lắm, tôi chỉ loay hoay với mấy cái túi vải, balo, dù, hoặc đồ cá nhân của người lính thôi”!

Những đồ vật có linh hồn

Nghĩa Army - Tay chơi phố cổ... ảnh 4

Nghĩa đã thay đổi mình, từ một người sưu tập cá nhân cho riêng mình và bạn bè quen biết thưởng thức, anh quyết định mở một quán café mang tên Lính ở phố cổ. Những đồ vật lâu ngày trong bóng tối, trong sự âm thầm thưởng thức giờ đã được trưng ra ngoài để mọi người cùng tới chia sẻ.

Ở phía bên này, Nghĩa trưng bày bộ đồ lính Mỹ trông có vẻ “hầm hố” hơn như máy pha café, máy ảnh Polarcid, vỏ lựu đạn, vỏ bom, máy phá mìn, làm nhiễu thông tin, la bàn, điện thoại, thẻ bài. Đặc biệt là cuốn sách dạy cách sinh tồn “Survival evasion and escape” của Mỹ. Đây là cuốn sách do Không quân Hoa Kỳ soạn thảo các chương trình cung cấp cho các nhân viên quân sự, quốc phòng với các phương pháp trốn tránh, kỹ năng sinh tồn và nghệ thuật ứng xử quân sự.

Thích nhất là các bác lính già tìm đến và họ đứng lặng để ngắm những đồ vật của một thời đã qua. Nào chiếc balo của người lính cụ Hồ, với chiếc mũ cối đính sao vàng đằng trước, nào chiếc bát men trắng thời chiến tranh, tới những lá thư tình của anh lính trẻ. Tất cả đồ sưu tập của Nghĩa đều là đồ thật, đồ… “xịn” bởi anh không bằng lòng với các đồ… “chế”.

Sự sắp đặt các đồ vật sao cho có ý nghĩa, đó cũng chính là tình cảm của Nghĩa gửi gắm vào đó. Ai đã quên hình ảnh anh bộ đội với “một ba lô, cây súng trên vai, ngày nắng cháy, quen với gian lao”. Ai đã quên hình ảnh người lính trở về, mang theo một cô búp bê cho con gái ở nhà, món quà của hòa bình. Rồi từng đồ vật trong ba lô của người chiến sỹ như hộp thuốc cá nhân, kim tiêm, bi đông nước, mặt nạ phòng độc, chiếc lược làm từ xác máy bay, giấy tờ quân nhân, và cả cuốn sách “bắt giặc lái Mỹ và đánh máy bay địch đến cứu” của Cục Tuyên Huấn, Cục Dân Quân, ống nhòm, huân huy chương, đạn dược.

Trong cuốn sổ lưu niệm, có một bác cựu chiến binh còn tỏ ý tiếc vì ở đây thiếu mất đôi đép cao su, bác còn chỉ cho chỗ mua dép cao su cho Nghĩa. Có người mang đồ từ xưa đến tặng Nghĩa như bếp, la bàn, mặt nạ… để góp phần cho bộ sưu tập của anh thêm phong phú. Những hành động này trở thành động lực để Nghĩa tích cực tìm thêm nhiều đồ của người chiến sỹ cách mạng Việt Nam.

Với Nghĩa, đã là sở thích, là đam mê, chơi, cứ chơi, mặc ai nói hay dở, anh vẫn giữ nguyên tình yêu của mình với những bộ sưu tập. Cái được nhất vẫn là niềm vui của một người sưu tập mỗi lần tìm được đồ mình thích là sung sướng, nâng niu, ngắm nghía, lau chùi, tìm hiểu. Sau nữa, bộ sưu tập này đã đem đến cho Nghĩa những cuộc giao lưu, là điểm để các cựu chiến binh nhớ lại quá khứ, còn lớp trẻ có cơ hội tìm hiểu thêm tinh thần của người Việt Nam trong thời chiến tranh để biết yêu hòa bình hơn.

Đồ của quân đội hai phía giúp cho chính bản thân anh hiểu thêm phần nào về chiến tranh. Người lính Mỹ được trang bị đến tận chân răng, đồ quân dụng phong phú, hầm hố, tinh vi và tiện lợi, đặc biệt là họ có sự hưởng thụ rất cao. Còn bộ đội ta cho dù quân trang quân bị có sơ sài, đơn giản nhưng tinh thần chiến đấu vì độc lập tự do lại rất cao, chính vì thế mà chúng ta đã chiến thắng, đây mới là điều quan trọng.

Nghĩa bảo, “Tôi đã có những khoảng thời gian khó chịu, trải qua nó rồi, tôi biết, nếu mất tinh thần, người ta có thể phát điên!”. Điều này lý giải vì sao Nghĩa đã từng có thời gian vào chùa vài tháng, chẳng ai “bắt” hay khuyên anh phải vào chùa cả, mà tự anh thích thì vào. Còn bây giờ, Nghĩa đã khá hài lòng khi thấy bộ sưu tập của mình có ích với mọi người. Ai cũng có thể thư giãn, trao đổi, hàn huyên với chủ nhân của những bộ sưu tập này trong tiếng nhạc nhè nhẹ từ những chiếc đài cổ. Khi nào trời mưa gió mát mẻ, không hẹn mà nên, mấy người bạn lại tụ tập lên nhà anh để uống trà, nghe nhạc, thời gian thật chậm trong không gian xưa…

Bài: Codet Hanoi
Ảnh: Dino Trung

Có thể bạn quan tâm

Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền trao thưởng cho các hộ nông dân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất giỏi tại Buôn Eana

20 năm kết nghĩa giữa Phân bón Bình Điền và buôn Eana: Vẹn một chữ tình!

Chương trình kết nghĩa giữa Phân bón Bình Điền và buôn Eana không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ vật chất, mà còn tạo ra một mối quan hệ gắn bó giữa cán bộ công nhân viên của công ty và người dân, cùng nhau vượt qua nhiều thử thách, xây dựng một cộng đồng vững mạnh, đoàn kết và phát triển…

Vì sao quế được xem là một trong những gia vị tốt nhất thế giới?

Vì sao quế được xem là một trong những gia vị tốt nhất thế giới?

Không chỉ có hương vị độc đáo và tinh tế, quế còn mang lại hàng loạt lợi ích sức khỏe như hỗ trợ giảm viêm, hạ đường huyết và cải thiện sức khỏe tim mạch. Từ xưa đến nay, loại gia vị luôn được đánh giá là một trong những lựa chọn hàng đầu cho các chế độ ăn uống lành mạnh…