Năm 2022 là một "đại hạn" đối với Chủ tịch HĐQT Hải Phát - Đỗ Quý Hải và công ty khi việc kinh doanh liên tục gặp khó khăn phải bán tài sản, cổ phiếu liên tục nằm trong "tầm ngắm".
Trong thời điểm khó khăn này thì người nhà các lãnh đạo của Hải Phát lại có thêm động thái là liên tục thoái vốn khỏi công ty. Như ông Lê Tiến Hùng, anh trai ông Lê Việt Dũng – Thành viên HĐQT của Hải Phát vừa có báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM và Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước.
Từ 30/12 - 27/1, ông Lê Tiến Hùng đã bán thành công 472.000 trong số 472.056 cổ phiếu HPX đã đăng ký, giảm sở hữu tại Hải Phát về còn 56 cổ phần.
Trong khi đó, cũng từ ngày 8/12/2022 đến 6/1/2023, bà Nguyễn Thị Lệ Dung, mẹ của ông Phạm Minh Tuấn – Phó Chủ tịch HĐQT Hải Phát cũng đã tiến hành bán 1.216.600 cổ phiếu trong số 1.216.677 cổ phiếu HPX đang nắm giữ. Giao dịch được thực hiện bằng phương pháp khớp lệnh và như vậy bà Dung chỉ còn 77 cổ phần.
Đáng chú ý, vào phiên 11/1 vừa qua, ông Hải tiếp tục đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp 3.627.000 cổ phiếu HPX. Như vậy, ông Hải chỉ còn sở hữu hơn 54,24 triệu cổ phần, tương đương 17,84% vốn điều lệ công ty.
Giao dịch này nâng tổng số cổ phiếu HPX bị bán giải chấp của ông Hải cùng các thành viên khác trong gia đình lên xấp xỉ 70,33 triệu đơn vị, tương ứng hơn 23%.
Được biết, chính bản thân ông Lê Quý Hải cũng chủ động bán ra lượng lớn cổ phiếu HPX.
Cụ thể, từ ngày 27/12 và 28/12/2022, ông Hải đã bán thành công 10 triệu cổ phiếu HPX bằng phương pháp khớp lệnh. Ngay sau đó, ông Hải tiếp tục đăng ký bán thêm 8 triệu cổ phiếu HPX với mục đích cơ cấu danh mục đầu tư.
Về tình hình kinh doanh, dù tình hình cổ phiếu bết bát nhưng trong quý 4/2022, doanh thu thuần của Hải Phát Invest vẫn đạt 327 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do giá vốn cao hơn doanh thu (kinh doanh dưới giá vốn), lợi nhuận gộp âm 34 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của Hải Phát Invest đạt 1.634 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước. Nhưng lợi nhuận trước thuế của Hải Phát Invest vẫn giảm 45%, đạt 226 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 142 tỷ đồng, giảm 56% so với năm 2021.
Năm 2022, Hải Phát đặt mục tiêu doanh thu 2.700 tỷ đồng và lợi nhuận 450 tỷ đồng, như vậy, Hải Phát mới hoàn thành được 60% mục tiêu doanh thu và 31% mục tiêu lợi nhuận.
Về tài sản, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của HPX là 9.293 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm. Nhưng tổng giá trị hàng tồn kho và các khoản phải thu đạt 7.238 tỷ đồng, chiếm 78% tổng tài sản.
Về nguồn vốn, nợ phải trả của HPX đạt 5.640 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt 3.653 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Như vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Hải Phát là 1,54 lần.
Trên thị trường chứng khoán, sau đợt giảm mạnh vào tháng 11 và tháng 12, giá cổ phiếu HPX được giữ ổn định trong khoảng 4.500 đồng/CP đến 5.300 đồng/CP từ cuối tháng 12/2022 đến nay. Chốt phiên sáng ngày 1/2/2022, HPX tăng 6,83% lên mức 5.630 đồng/CP.