Trao đổi với Thương Gia, Luật sư Đỗ Mạnh Trường - Giám đốc Công ty Luật Liên Việt – Legal Link, đồng thời là Chủ tịch Công ty Bất động sản KingLand đã có những nhận định chuyên sâu và chia sẻ thẳng thắn về vấn đề này.
Kể từ khi Luật pháp cho phép người nước ngoài và Việt kiều được quyền sở hữu nhà tại Việt Nam, dưới góc độ là "người trong nghề", ông đánh giá như thế nào về tiềm năng cũng như cơ hội của quyết định này?
Từ 01/7//2015 khi Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực thi hành, cho phép người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam đã trở thành đòn bẩy tích cực giúp thúc đẩy số lượng giao dịch bất động sản của nhóm khách hàng ngoại. Có thể lấy ví dụ điển hình như tại các Dự án bất động sản gần đây của Vinhomes mà KingLand là đại lý phân phối như D'.Capitale Trần Duy Hưng, Vinhomes West Point đã bán hết quota 30% số lượng căn hộ được bán cho người nước ngoài chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt thị trường, nhu cầu lớn nhất vẫn là các khách hàng Hàn Quốc…
Hiện nay, các sản phẩm bất động sản của Vinhomes vẫn được các khách hàng nước ngoài quan tâm đặc biệt từ khi có thông tin dự án cho đến thời điểm mở bán, việc cạnh tranh để sở hữu một căn hộ mang thương hiệu Vinhomes có thể nói không dễ dàng, nếu họ không nhanh chân thì sẽ mất cơ hội bởi các quy định hạn chế số lượng căn hộ bán cho người nước ngoài nêu trên.
Những ví dụ nêu trên phần nào đã phản ánh một cách rất chân thực tiềm năng của thị trường bất động sản nói chung, và những sản phẩm bất động sản mang thương hiệu Vinhomes nói riêng, đây sẽ tiếp tục là cú hích cho sự phát triển của thị trường bất động sản trong tương lai.
Ngoài vai trò Chủ tịch của Công ty BĐS ông còn là Luật sư với hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành Luật, chắc hẳn ông đã làm việc với rất nhiều khách hàng là người nước ngoài có nhu cầu sở hữu nhà tại Việt Nam. Vậy trong quá trình tư vấn cho khách hàng Người nước ngoài, ông nhận thấy còn tồn tại những vấn đề gì bất cập?
Hệ thống Pháp luật Việt Nam nói chung và Luật đất đai, Nhà ở, Bất động sản nói riêng đang dần dần hoàn thiện, có những điều chỉnh thay đổi phù hợp với điều kiện thực tế. Tuy nhiên, từ góc độ quy định của pháp luật và thực tiễn kinh doanh, có thể thấy người nước ngoài khi mua nhà tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều "điểm vướng".
Đầu tiên có thể kể đến Quyền sở hữu có thời hạn là một trở ngại lớn đối với người nước ngoài. Luật Nhà ở 2014 quy định: "Cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm và có thể được gia hạn 01 lần với thời hạn tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày nhận giấy chứng nhận". Tuy nhiên, pháp luật lại không cấm việc một cá nhân nước ngoài sau khi đã bán nhà ở cho tổ chức, cá nhân trong nước (do hết thời hạn sở hữu), có được mua lại chính nhà ở đó để được sử dụng thêm 50 năm nữa hay không.
Như vậy, quy định về thời hạn sở hữu cho người nước ngoài, số lần được gia hạn là rất hình thức, tuy nhiên đó vẫn tạo ra sự khác biệt về quyền sở hữu của người nước ngoài so với người Việt Nam, mặc dù để sở hữu nhà ở tại Việt Nam họ vẫn phải mua với giá như của người Việt, thậm chí có thể có những dự án họ còn phải mua với giá cao hơn người Việt.
Một vướng mắc nữa chính là sự “vênh” giữa Luật Nhà ở 2014 và Luật đất đai năm 2013, theo đó Luật Nhà ở 2014 cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở riêng lẻ trong các dự án tại Việt Nam, tuy nhiên Luật Đất đai năm 2013 lại không quy định người nước ngoài thuộc đối tượng được quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Đó là những trở ngại về mặt pháp lý có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của họ khi quyết định bỏ ra một số tiền lớn để mua nhà ở tại Việt Nam.
“Nếu giải quyết được tất cả những bất cập không đáng có này, tôi tin rằng thị trường bất động sản Việt Nam sẽ trở thành môi trường đầu tư đặc biệt hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, tạo ra làn sóng mua nhà của người nước ngoài, từ đó kích thích nền kinh tế phát triển.
Luật sư Đỗ Mạnh Trường - Giám đốc Công ty Luật Liên Việt – Legal Link,
Chủ tịch Công ty Bất động sản KingLand
Vậy đứng dưới vai trò là một nhà kinh doanh BĐS và một Luật sư với nhiều năm kinh nghiệm, ông có lời khuyên nào dành cho Người nước ngoài khi mua nhà tại Việt Nam?
Để đầu tư vào bất động sản tại Việt Nam "thuận buồm xuôi gió", người nước ngoài cần phải lưu tâm một số vấn đề: Thứ nhất, họ phải tìm hiểu các quy định pháp luật về để đảm bảo các điều kiện được mua nhà tại Việt Nam; Thứ hai, đảm bảo các quy định về giao dịch chuyển tiền từ nước ngoài vào Việt Nam để thanh toán tiền mua nhà; Thứ ba, cần hiểu rõ tình trạng pháp lý của tài sản có ý định mua; Thứ tư, không nên "một mình một ngựa" khi mua nhà tại Việt Nam mà cần có sự tư vấn của một đơn vị Môi giới chuyên nghiệp hỗ trợ khi tham gia các giao dịch.
Các đơn vị Môi giới chuyên nghiệp có thể cung cấp cấp cho họ các thông tin pháp lý về dự án nhà ở, thông tin về tình hình thị trường bất động sản, các thông tin chi tiết đối với sản phẩm họ định mua: thông tin kỹ thuật, giá cả, tiện ích…, cũng như hỗ trợ trong việc giao dịch với chủ đầu tư để thỏa thuận và ký kết Hợp đồng mua bán. Đặc biệt khi thực hiện giao dịch nhà đất, đối với người nước ngoài không am hiểu nhiều về quy định pháp luật và thị trường bất động sản nên lựa chọn những Sàn Giao dịch Bất động sản uy tín để đảm bảo an toàn.
Cuối cùng, cần liên hệ với một Luật sư có kinh nghiệm tư vấn pháp lý để được tư vấn đầy đủ các quyền và nghĩa vụ tài chính, hỗ trợ soạn thảo hợp đồng, thương lượng các điều khoản với Chủ đầu tư, hoặc nếu có nhu cầu cho thuê cũng cần một hợp đồng chặt chẽ, đúng luật.
Xin cảm ơn ông!
>> Thị trường bất động sản: Động lực tăng trưởng cho 2019?