Người phụ nữ gieo duyên lành trên xứ lá phong

Đêm nào cũng kết thúc công việc vào 3 giờ sáng. Giờ viên chức bắt đầu làm việc thì chị đang vùi mình trong giấc ngủ. Ăn cơm cùng chồng con dường như là chuyện xa xỉ… Tất cả vì công việc liên quan đến
Người phụ nữ gieo duyên lành trên xứ lá phong

Câu chuyện về chị Hồng Vân (Vân Trần Buchan), Việt kiều định cư tại Barrie, Ontario, Canada, người mẹ đỡ đầu của nhiều du học sinh Việt Nam trên xứ lá phong.

Mối duyên với quê hương

Chị từng đoạt danh hiệu hoa hậu một cuộc thi nhan sắc lần đầu tiên tổ chức của cộng đồng người Việt tại Toronto. Cô hoa hậu của đôi chục năm trước không bao giờ nghĩ được mình lại có công việc gắn bó với quê hương đến vậy. Nói về mối “duyên kỳ ngộ” này, chị tâm sự: “Một lần, tôi đến Georgian College để làm thủ tục nhập học cho người cháu từ Việt Nam sang. Người giáo vụ tiếp tôi hôm đó bày tỏ muốn tìm một phụ nữ Việt có những hoạt động tích cực trong cộng đồng người Việt. Nghe bà kể về người phụ nữ ấy, tôi nhận ngay ra tôi chính là người bà ấy cần tìm, nhưng tôi không nói ngay vì chưa biết lý do vì sao bà giáo vụ ấy lại muốn tìm mình. Thời gian sau, rất vô tình, người cháu của tôi đã tiết lộ với bà giáo vụ rằng người bà cần tìm chính là bác nó. Thế là bà ấy liên lạc với tôi ngay và đề nghị tôi giúp đỡ một số việc liên quan đến sinh viên Việt Nam trong trường. Sau sự kiện tổ chức Tết cho cộng đồng người Việt ở Barrie, nhà trường chính thức mời tôi vào làm việc trong vai trò hỗ trợ du học sinh cũng như giới thiệu quảng bá trường Georgian đến các học sinh, các trung tâm tư vấn du học và một số trường đại học, cao đẳng, phổ thông ở Việt Nam”.

Chị đã từng trải qua không ít nghề để kiếm sống, từ kế toán doanh nghiệp đến chủ quán cà phê, nhà hàng…nay trong vai trò mới, vừa là cầu nối giữa nhà trường với học sinh Việt Nam, vừa là nơi các em gửi gắm niềm tin và tình cảm chân thành, chị bỗng thấy như được kéo về gần với quê hương. Cả nhà chị, từ anh chị em ruột đến chồng và bốn người con (ba con đẻ và một con nuôi) đều rất vui vì “nhà bỗng nhiên có thêm nhiều thành viên mới”. Chồng chị, anh Thành, luôn lặng lẽ làm tất cả những gì có thể để chị yên tâm làm việc. Sáng ra, anh thức dậy khi chị còn cuộn trong chăn ấm, anh tự pha cà phê, tự lo ăn sáng và chuẩn bị cả đồ ăn trưa cho vợ, con rồi mới đến chỗ làm. Vui nhất là các em sinh viên, qua những bỡ ngỡ đầu tiên ở sân bay Toronto, được chú Thành hoặc cô Vân đón, đưa về nhà rồi sau đó sắp xếp nơi ăn chốn ngủ…

Rất nhiều tình huống xảy ra mà nếu không có sự giúp đỡ của cô Vân thì các em sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Từ vấn đề về giấy tờ hải quan, ngôn ngữ, văn hóa, luật pháp và an ninh nước bạn đến nơi ăn chốn ở. Đã có một em sinh viên chỉ biết tên và điện thoại của cô Vân qua một trung tâm du học ở Việt Nam. Xuống sân bay Toronto, em chưa biết tiếng Anh và không mang đầy đủ giấy tờ cần thiết nên bị hải quan ách lại. May mà có số điện thoại của cô Vân để gọi, nhờ sự giúp đỡ. Đêm đó chị vội ra sân bay đón em ấy rồi đứng ra bảo lãnh cho em nhập cảnh. Mọi việc tốt đẹp sau 4 tiếng làm việc. Chị đưa em sinh viên về nhà mình tá túc và 3 tuần sau mới sắp được cho em nơi ở mới…

"Có thời gian cao điểm của các đợt nhập học mới, các em học sinh ở nhà chị lên đến gần 15 người, lo cho nhóm này xong thì nhóm khác đã tới, suốt cả thời gian dài. “May mà chồng con thông cảm chứ không thì…”. Chị cười mãn nguyện.

Thời gian qua đi, các em sinh viên không chỉ gọi cô Vân là cô giáo mà còn coi cô như một người mẹ Việt trên miền lá phong tuyết trắng. Nhà chị cũng trở thành trung tâm của cộng đồng du học sinh Việt Nam tại thành phố Barrie. Nơi đây không chỉ là “trạm đón tiếp” ban đầu mà còn là nơi diễn ra những sự kiện văn hóa, từ lễ hội Halloween với những bộ trang phục kỳ dị đến lễ đón mừng Giáng sinh, mừng năm mới với không gian rực rỡ sắc màu. Tết Nguyên Đán hàng năm luôn là sự kiện được mong đợi hơn cả. Cô, trò cùng hí húi gói bánh chưng, làm nem và các món ăn truyền thống khác. “Vui nhất là trong tất cả các cuộc vui có sự tham gia của các em sinh viên, cả gia đình tôi, các anh chị em ruột cùng các cháu đều có mặt. Nếu không phải là khung cảnh tuyết trắng bên ngoài cửa kính, chúng tôi sẽ không hề có cảm giác xa quê, vì ai cũng thấy ấm lòng. Thật là mối nhân duyên đã cho gia đình tôi gặp và gắn bó với các em để cho vợ chồng tôi, đặc biệt là các con tôi đã sinh ra, lớn lên ở đây được hiểu thêm về tình quê hương đằm thắm”. Chị xúc động bày tỏ.

Lòng tốt chỉ biết cho đi

Do hoàn cảnh đặc biệt, Vân đến Canada từ khi mới 12 tuổi. Chị may mắn được một vị giáo sư đồng thời là nhà văn, biên tập viên có tên tuổi đón về nuôi nấng. Cô bé đã sống trong gia đình ông bố tốt bụng cùng với những người anh em khác. Nói về ông bố nuôi người Canada, chị không kiềm chế được sự xúc động: “Ông không có công sinh thành nhưng có công nuôi dạy chúng tôi nên người. Ông rất thương con trẻ và vì thế, ông nguyện không lập gia đình để dành trọn đời mình cho hàng chục đứa con từ các quốc gia khác mà ông đón về nuôi dưỡng hoặc hỗ trợ tài chính từ xa, giúp các em được đến trường. Hiện nay ông vẫn thường gửi tiền để nuôi một số em nhỏ ở miền núi phía Bắc Việt Nam và những quốc gia khác – những đứa trẻ mà thậm chí ông chưa một lần gặp mặt. Bố mẹ đẻ của tôi ở quê nhà luôn dành cho ông sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc”.

Sống trong một “gia đình quốc tế” đầy ắp tình thương đó, chị sớm có được những nhận thức sâu sắc về cuộc sống, con người, về sự sẻ chia, cảm thông và lấy việc giúp đỡ người khác là hạnh phúc của mình. “Người cho và người nhận, cả hai đều cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ như nhau. Vậy thì ở một góc độ nào đó, không ai phải nợ ai. Tôi cứ giúp đỡ các em một cách vô tư mà không mong ai đó phải trả nợ mình. Cuộc sống của người cha đã nuôi tôi, gương mặt tươi rói, nụ cười phúc hậu, mãn nguyện của ông giữa “đàn con quốc tế” dường như đã hóa giải cho tôi tất cả những rủi ro, bất trắc của số phận. Giờ đây, được gắn bó với công việc, với các em học sinh từ quê nhà sang học tập… tôi cũng thấy mình thật may mắn”. Chị kết thúc câu chuyện bằng một nụ cười tỏa sáng, ấm áp.

Giờ tôi mới thật sự cảm nhận, hoa hậu không chỉ bởi có nhan sắc mà hoa hậu còn là vẻ đẹp tâm hồn, tấm lòng thanh bạch, nơi hội tụ của tình yêu và nhiều lắm những giá trị nhân văn.

Phương Anh

Có thể bạn quan tâm

Khám phá những lễ hội mùa đông đẹp nhất thế giới

Khám phá những lễ hội mùa đông đẹp nhất thế giới

Mùa đông là thời điểm tuyệt vời để khám phá các lễ hội độc đáo trên khắp thế giới. Từ hội chợ Giáng sinh ở London cho đến lễ hội ánh sáng Amsterdam, mỗi sự kiện đều hứa hẹn mang đến trải nghiệm khó quên…

Nhật ký Gapado: Tha thứ!

Nhật ký Gapado: Tha thứ!

Mang danh một nhà văn, tôi phải đến những nơi này, để hiểu thấu được từng nỗi đau của dân tộc tôi và của các dân tộc trên thế giới đã từng trải qua chiến tranh...

Nhật ký Gapado: Đảo mèo hạnh phúc

Nhật ký Gapado: Đảo mèo hạnh phúc

Vẫn tâm trạng háo hức của kẻ đang khám phá vùng đất mới. Sáng thường ngủ dậy muộn nên bữa sáng cũng gần với bữa trưa, xong xuôi tôi ngồi vào bàn viết để ngắm nhìn bầu trời trong xanh trước mặt và đám cây cỏ...

Nhật ký Gapado: Chào xứ Hàn bằng… đặc sản “mùi”

Nhật ký Gapado: Chào xứ Hàn bằng… đặc sản “mùi”

Ra khỏi nhà, khi bước chân đầu tiên của tôi đặt chân lên con đường đất dường như gặp lại tuổi thơ của mình và tôi đã nhìn thấy một cô bé 5 tuổi trong cánh đồng hoa bướm, cô bé đó như đang đuổi bắt một con bướm. Tim tôi đã ngân lên những nốt nhạc...

Khám phá xứ sở thần tiên ở phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ

Khám phá xứ sở thần tiên ở phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ

Từ những bậc thang travertine trắng xóa đến những hồ nước khoáng kỳ diệu, Pamukkale không chỉ là một kỳ quan thiên nhiên mà còn là nơi giao thoa giữa lịch sử, văn hóa và vẻ đẹp huyền bí của Thổ Nhĩ Kỳ…

Khát vọng du lịch sinh thái, xanh hóa đảo Cát Bà

Khát vọng du lịch sinh thái, xanh hóa đảo Cát Bà

Tiềm năng phát triển du lịch "xanh" tại Cát Bà là rất lớn, việc phát triển các sản phẩm du lịch gần gũi với thiên nhiên không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao nhận thức của cộng đồng về du lịch bền vững...