Nhà giá rẻ “dậy sóng”: Vì sao bỏ quên “chùm khế ngọt”?

Sự chuyển dịch xu hướng đầu tư vào phân khúc nhà ở bình dân là tín hiệu lạc quan cho thị trường bất động sản năm 2017. Những căn hộ chỉ 500- 700 triệu đồng sẽ dồi dào hơn, đáp ứng nhu cầu nhà ở thực s
Nhà giá rẻ “dậy sóng”: Vì sao bỏ quên “chùm khế ngọt”?

Các doanh nghiệp lớn đầu tư rầm rộ căn hộ giá bình dân như thổi “luồng sinh khí” cho thị trường bất động sản năm tới

Làn sóng các doanh nghiệp bất động sản lớn “đổ bộ” vào phát triển dự án nhà ở giá rẻ đang hình thành, như Vingroup, Coteccons, Capital House, Eurowindow, Mường Thanh, Xuân Mai… Dự báo thị trường sẽ gia tăng nguồn cung tới hàng trăm nghìn căn hộ trong vài năm tới.

Bi hài nhà rẻ “vênh” trăm triệu

Thực tế, nguồn cung nhà ở giá bình dân tại đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM luôn luôn khan hiếm, nhất là ở gần nội đô thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Việc mua nhà ở xã hội – vốn dành ưu tiên cho đối tượng chính sách, người thu nhập thấp – thường phải xét duyệt hồ sơ rất gian nan, xảy ra không ít chuyện bi hài.

Tháng 7/2016, dư luận xôn xao về việc ông Lục Minh Kim, bố đẻ của tổng giám đốc CTCP BIC Việt Nam được mua nhà tại dự án nhà ở xã hội Rice City (KĐT Tây Nam Linh Đàm, Hà Nội) do công ty này làm chủ đầu tư. Đợt xét duyệt mua nhà chỉ có 700 trường hợp đủ điều kiện mua. Trong khi, ông Kim hiện sống trong biệt thự Bắc Linh Đàm của con mình mà giá trị bất động sản tới 20-30 tỷ đồng. Sau lùm xùm này, ông Kim đã rút đơn xin mua nhà ở xã hội Rice City.

Câu chuyện ầm ĩ khép lại, song trên thị trường tự do, bất chấp quy định cấm thì các căn nhà ở xã hội được âm thầm “sang tay” vì mức giá rẻ hơn nhiều nhà ở thương mại. Và người mua sẵn sàng trả chênh vài trăm triệu để mua được một suất nhà giá rẻ như vậy.

Với nhà ở thương mại giá rẻ, từ lâu, các dự án của đại gia Lê Thanh Thản, chủ sở hữu tập đoàn Mường Thanh luôn gây “sốt” thị trường. Từ các dự án như chung cư Đại Thanh, Xa La – Hà Đông, VP6 Linh Đàm… đến tổ hợp HH Linh Đàm gồm 12 toà cao ốc dầy như nêm đầu tư sau này đều bán rất đắt hàng. Lý do chính vì các căn hộ diện tích nhỏ từ 40-80m2, giao thông thuận lợi, đặc biệt là giá bán chỉ từ 12-13 triệu đồng/m2, tổng giá trị căn hộ từ 450 triệu đồng trở lên.

Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm có vị trí đẹp cạnh hồ, ở gần trung tâm và giá bán chỉ từ 15-16 triệu đồng/m2, căn hộ rẻ nhất chỉ chừng 600 triệu đồng. Do đó, dù quy mô tới 7.200 căn hộ song dự án này vẫn “cháy hàng” vì phù hợp với túi tiền người thu nhập thấp.

Thậm chí, người mua còn phải trả thêm tiền chênh cho “cò” hàng trăm triệu đồng, có căn đẹp chênh tới 350 triệu đồng tại dự án của Mường Thanh. Kỳ lạ thay, người mua - kẻ bán vẫn tấp nập, sôi động tại các sàn bất động sản chuyên bán căn hộ giá rẻ như vậy, ngay cả vào thời điểm thị trường ảm đạm nhất.

Nhưng thời gian qua, nhiều cư dân chung cư giá rẻ, nhà thu nhập thấp than phiền về chất lượng dự án xuống cấp nhanh, xập xệ, nguy cơ cháy nổ, hoả hoạn diễn ra nhiều hơn…

Một môi giới lâu năm, rất mát tay lý giải: “Đa phần khách hàng của tôi có thu nhập 8-10 triệu đồng/tháng nên chỉ tìm mua nhà giá 500-700 triệu đồng, cố lắm dưới 1 tỷ đồng. Vì nguồn cung ít nên bán vẫn chạy. Còn nhà rẻ thì khó đòi hỏi chất lượng cao được”. Theo môi giới này, nhu cầu nhà giá rẻ vẫn còn lớn, là thị phần màu mỡ ví như “chùm khế ngọt” cần được doanh nghiệp quan tâm, vun trồng nhiều hơn.

Các đại gia “đổ bộ”…

Năm 2016, thị trường bất động sản có ấm lên ở một vài khu vực, dự án cụ thể mà các chủ đầu tư có tên tuổi, trường vốn, giá hợp lý… Bài toán cung - cầu sản phẩm bị lệch pha vẫn bế tắc. Nhưng nhân tố mới bất ngờ xuất hiện làm thị trường khấp khởi mừng.

Đầu tháng 12, tập đoàn Vingroup công bố kế hoạch đầu tư chuỗi dự án VinCity tại 7 địa bàn trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Nha Trang, Thanh Hoá… Theo đó, trong 5 năm tới, tập đoàn sẽ đầu tư các sản phẩm căn hộ diện tích nhỏ 35-40m2, giá bình dân chỉ từ 700 triệu đồng. Số lượng căn hộ “khủng” tới 200 - 300 nghìn căn. Không chỉ là tin vui cho nhiều người dân muốn sở hữu nhà ở, mà đây thực sự là tín hiệu lạc quan về cuộc chuyển dịch cơ cấu sản phẩm bất động sản hướng tới tiệm cận nhu cầu thực sự của thị trường.

Ngoài Vingroup, mới đây, nhà thầu xây dựng lớn – Coteccons cũng cho biết kế hoạch lấn sân xây nhà giá rẻ. Chia sẻ với nhà đầu tư, ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Coteccons nhấn mạnh: “Phân khúc nào cũng có khách hàng riêng, làm nhà ở giá rẻ không khó vì nếu với tầm tiền từ 700 triệu đồng/căn như mô hình của Vingroup thì chúng tôi sẽ nghiên cứu xây nhà chừng 40m2 là có thể bán tốt”.

Sự lạc quan về thời nhà ở giá rẻ “lên ngôi” cũng được nhìn thấy ở một số chủ đầu tư lớn khác như Eurowindow, Capital House, Him Lam, Hưng Thịnh… Trong đó, có 3 dự án chung cư được đầu tư ở Long Biên, Hà Nội với mức giá chỉ từ 15-16 triệu đồng/m2, nằm kế bên khu nhà ở thu nhập thấp Đặng Giá (Gia Lâm, Hà Nội) do Viglacera đầu tư cũng đã thành công vì nhà giá rẻ, có đầy đủ tiện ích sống như dự án cao cấp. Mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát, đánh giá cao dự án và chỉ đạo nghiên cứu để nhân rộng mô hình này.

Theo nhận định của CBRE Việt Nam, nguồn cung căn hộ bình dân đã tăng nhanh qua các năm và vẫn còn khả năng tăng trưởng hơn nữa do giá bán phù hợp nhu cầu. Vấn đề khó là giá đất ngày càng tăng cao sẽ khiến doanh nghiệp phải lựa chọn sản phẩm, tính toán giá bán cao hơn để đảm bảo đạt lợi nhuận kỳ vọng… CBRE Việt Nam đánh giá, năm 2017, phân khúc nhà ở giá rẻ tuy nguồn cung không ồ ạt như nhà ở cao cấp, nhưng sẽ tạo sóng do nhu cầu thực cao.

Khi các chủ đầu tư chủ động điều chỉnh cơ cấu sản phẩm phù hợp nhu cầu, đón bắt cơ hội nhà giá rẻ thì chính họ sẽ dẫn dắt thị trường.

Ngọc Quang

>> Cận cảnh công trường Sunshine Garden: Sự im lặng đáng sợ?

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…