Nhật Bản và ASEAN hoạch định chiến lược chung về sản xuất ô tô

Nhật Bản và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang xây dựng một chiến lược chung về sản xuất và kinh doanh ô tô trong khối Đông Nam Á để đối phó với sự cạnh tranh ngày càng tăng của Trung Quốc trên thị trường, tờ Nikkei Asia đưa tin vào sáng 20/5…

Nhật Bản và ASEAN hoạch định chiến lược chung về sản xuất ô tô

Theo Nikkei Asia, Nhật Bản và các quốc gia ASEAN đã quyết định hợp tác xây dựng chiến lược chung về sản xuất và kinh doanh ô tô trước lo ngại về sự hiện diện ngày càng lớn của xe điện Trung Quốc trên thị trường toàn cầu nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

Các bộ trưởng cấp cao của Nhật Bản và ASEAN dự kiến sẽ có cuộc họp mặt vào tháng 9 tới để thảo luận và đưa ra đề xuất về chiến lược này cho giai đoạn 2025 - 2035.Trong đó, chiến lược chung sẽ bao gồm sự hợp tác trong đào tạo nhân sự, giảm thiểu carbon trong sản xuất, thu mua tài nguyên khoáng sản, đầu tư vào các lĩnh vực thế hệ tiếp theo như nhiên liệu sinh họcvà chiến dịch thông tin cho khách hàng toàn cầu về mức độ thân thiện với môi trường của phương tiện sản xuất tại ASEAN.

Cụ thể, công nhân tại các nhà máy và nhà cung cấp linh kiện sẽ được đào tạo chuyên sâu về công nghệ kỹ thuật số. Ngoài ra, công nghệ hiện đại của Nhật Bản sẽ được sử dụng để đo lượng khí thải carbon dioxide từ các nhà máy và thúc đẩy chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.

Để đầu tư vào các lĩnh vực thế hệ tiếp theo, Nhật Bản và ASEAN sẽ xem xét việc mua sắm chung các vật liệu quý hiếm được sử dụng trong pin xe điện và khám phá nghiên cứu trong các lĩnh vực như tái chế pin. Nổi bật nhất trong số các dự án đang được xem xét là dự án phát triển nhiên liệu sinh học làm từ dầu ăn đã qua sử dụng.

Báo cáo của Nikkei cũng tiết lộ thêm, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã đảm bảo được ngân sách và dự định sẽ đầu tư 140 tỷ yên (1,21 tỷ USD) cho giai đoạn đầu của kế hoạch.

Nhật Bản và ASEAN sẽ cùng nhau quảng bá những nỗ lực về môi trường tới phần còn lại của thế giới và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu ô tô. Hai bên cũng sẽ cùng nhau đưa ra dự báo cho thị trường ô tô toàn cầu trong giai đoạn 10 năm tới, kể cả ở các nước đang phát triển.

ASEAN là nơi đặt nhà máy của một số nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, bao gồm Toyota Motor và Honda Motor. Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản lắp ráp hơn 3 triệu xe mỗi năm tại đây, chiếm khoảng 80% tổng sản lượng tại ASEAN, với nhiều xe được xuất khẩu sang Trung Đông và các nơi khác.

Cho đến nay, các thương hiệu ô tô Nhật Bản đều tự mình tiến hành các hoạt động kinh doanh tại ASEAN. Nhưng với việc nhiều công ty Trung Quốc như BYD và SAIC Motor đang đẩy mạnh sự hiện diện và tầm ảnh hưởng trong khu vực, chính phủ Nhật Bản đã quyết định “ra mặt” để hỗ trợ các doanh nghiệp của mình thông qua chiến lược chung hợp tác với các nước thành viên trong khối ASEAN. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đang định vị mình là một đối tác đáng tin cậy, hứa hẹn sẽ có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực như phát triển công nghệ và đào tạo nhân sự mang lại lợi ích cho phía ASEAN.

Sự tăng trưởng nhanh chóng và lớn mạnh của các doanh nghiệp Trung Quốc đã đặt ra thách thức ngày càng lớn đối với các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản.

“Nhu cầu ô tô nói chung đã giảm ở Đông Nam Á do lãi suất tăng và các yếu tố kinh tế biến động. Nhưng các khoản trợ cấp cho xe điện lại rất hào phóng và những công ty Trung Quốc đã nhanh chóng nhận ra được cơn gió thuận chiều này”, giám đốc điều hành của một hãng sản xuất ô tô Nhật Bản chia sẻ với Nikkei Asia.

Diễn biến này được thấy rõ nhất ở thị trường Thái Lan, khi chính phủ cung cấp các khoản trợ cấp và giảm thuế riêng cho các nhà sản xuất xe điện. Và với việc các công ty Trung Quốc như BYD nắm lấy thời cơ và tận dụng chương trình này, 85% xe điện được bán ra ở Thái Lan vào năm ngoái đến từ các nhà sản xuất Trung Quốc.

Tuần trước, Honda Motor đã cam kết tăng gấp đôi đầu tư vào điện khí hóa và công nghệ phần mềm lên 65 tỷ USD cho đến năm tài chính 2030. Động thái này được đưa ra khi hãng xe hơi hàng đầu Nhật Bản đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng lớn từ một loạt các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, bao gồm cả BYD.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị 4 giải pháp để đạt mục tiêu giải ngân trên 95% tổng vốn đầu tư công

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết việc giải ngân vốn đầu tư công vừa qua gặp nhiều khó khăn, nổi bật là vấn đề vật liệu thông thường phục vụ cho thi công các công trình lớn. Thứ trưởng cũng nêu ra các nhóm giải pháp để đạt mục tiêu giải ngân trên 95% tổng vốn...

Đón làn sóng đầu tư mới

Đón làn sóng đầu tư mới

Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại toàn cầu và những thay đổi trong chuỗi cung ứng...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Cần làm rõ tổng mức đầu tư, không tô hồng bức tranh tài chính

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng cần phải tính toán chính xác chi phí xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, không tô hồng bức tranh tài chính, đặc biệt trong giai đoạn vận hành khai thác để đảm bảo dự án đạt hiệu quả kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng cao...