Nhiều doanh nghiệp “lao đao” vì tỷ giá

Nhiều doanh nghiệp cho biết họ đang gặp khó khăn khi nguồn nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu lớn nhưng tỷ giá lại leo thang, trong khi đó giá thành phẩm bán ra không tăng theo tương xứng.
Nhiều doanh nghiệp “lao đao” vì tỷ giá

Nhiều doanh nghiệp lỗ nặng

Tình trạng tỷ giá USD tăng cao gần đây đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành công nghiệp thép. Nguyên liệu đầu vào được nhập khẩu từ nước ngoài, thị trường tiêu thụ chủ yếu lại ở trong nước khiến nhiều công ty thép chịu lỗ trong quý III vừa rồi.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) lần đầu tiên báo lỗ sau nhiều năm khi lợi nhuận ròng quý vừa rồi âm 1.786 tỷ đồng. Trong đó, tỷ suất lợi nhuận gộp của Hòa Phát đã giảm mạnh từ 23% trong quý II xuống còn 3% trong quý III.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng thu về lợi nhuận âm 887 tỷ đồng, trong khi quý II lợi nhuận sau thuế vẫn đạt 265 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (NKG) cũng chịu lỗ 418,7 tỷ đồng vì giá vốn tăng.

Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) tại báo cáo tài chính hợp nhất quý III cũng đã ghi nhận kết quả kinh doanh sau thuế lỗ 567,3 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) cũng chịu lỗ 25 tỷ đồng khi lượng tiêu thụ lẫn giá bán đều giảm so với cùng kỳ. 

Tại buổi đối thoại chuyên đề “Điều hành tỷ giá USD/VND: Ổn định kinh tế vĩ mô” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam VnEconomy tổ chức, ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cho biết, sự chênh lệch tỷ hiện nay ảnh hưởng rất nhiều đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp thép.

“Với những đơn vị của Tổng Công ty mà có lượng nhập khẩu lớn, thì chênh lệch tỷ giá này có thể tác động đến hiệu quả lên tới 7-8 chục tỷ đồng trong năm 2022 này, những đơn vị ở những quy mô vừa và nhỏ hơn có thể đến vài ba chục tỷ đồng.” ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá nhập khẩu một số nguyên liệu sản xuất thép như quặng sắt và thép phế liệu hiện có xu hướng giảm. Tuy nhiên giá than mỡ luyện cốc lại đang tăng mạnh so với đầu tháng 10. Thị trường cuộn cán nóng HRC cũng được đánh giá đang có nhiều biến động, có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt.

Chi phí đầu vào tăng, tuy nhiên giá thành sản phẩm lại có xu hướng giảm trong ba quý vừa rồi do sự thu hẹp của thị trường tiêu thụ. Lượng thép bán ra tính từ thời điểm đầu năm giảm 6%, trong đó xuất khẩu giảm 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Các công ty thép cũng chịu áp lực cạnh tranh với thị trường thép nhập khẩu. Tất cả những điều được kể đến cùng với nhu cầu trong nước suy giảm đã khiến nhiều công ty trong ngành thép thu về lợi nhuận âm quý vừa rồi.

Ảnh hưởng tỷ giá lên xuất khẩu

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đang đứng trước nguy cơ suy thoái trước sự thay đổi về chính sách đất đai và tiền tệ, cùng với đó, chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công đang ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm ngành xây dựng nói chung và ngành thép nói riêng.

Việc tăng lãi suất để bình ổn tỷ giá có thể coi là biện pháp hợp lý trong khoảng thời gian nền kinh tế thế giới có nhiều biến động. Tuy nhiên, các biện pháp thắt chặt tiền tệ đang dẫn đến phát triển kinh tế bị chững lại.

Các doanh nghiệp thép bị áp lực bởi nhập khẩu nguyên liệu và sức cạnh tranh cao trong thị trường nội địa, thì các doanh nghiệp phân bón có sản lượng xuất siêu lớn nhưng vẫn bị ảnh hưởng do biến động tỷ giá.

Xuất siêu nhưng vẫn lo 

Theo Tổng cục Hải quan thống kê 9 tháng đầu năm, phân bón xuất khẩu được gần 1,39 triệu trận mang về doanh thu mang về doanh thu khoảng 886 triệu USD. Tuy nhiên cũng như các doanh nghiệp thép, các doanh nghiệp phân bón cũng gặp nhiều khó khăn mặc dù đạt xuất siêu. 

Tại buổi đối thoại này, ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng: “Mặc dù phân bón thu về nguồn ngoại tệ lớn, tuy nhiên khi tỷ giá biến động các doanh nghiệp phân bón vẫn gặp phải nhiều vấn đề”. 

Từ đầu năm đến nay, giá phân bón tăng kỷ lục ảnh hưởng rất lớn đến nền nông nghiệp Việt Nam. Nguyên nhân khiến giá phân bón tăng cao, do giá xăng dầu tăng, chi phí sản xuất, nhân công, logistics cũng tương tự.

Đặc biệt, nhiều nguyên liệu để sản xuất phân bón Việt nam chưa tự chủ động sản xuất được, cần phải nhập khẩu từ nước ngoài. Phân bón DAP, MAP chúng ta mới chỉ chủ động được một phần, có nhiều loại phải nhập khẩu 100% từ nước ngoài như Kali, đạm sunphat. 

Ông Ngọc nói tiếp: “Phân bón là một ngành sản xuất phụ thuộc vào một số nguyên vật liệu phải nhập khẩu. Vì thế, giá đầu vào cho sản xuất phân bón cũng tăng lên. Khi giá đầu vào sản xuất phân bón tăng, đồng nghĩa với giá thành của phân bón tăng theo. Điều này tác động trực tiếp đến giá thành của sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên trong bối cảnh là giá bán các sản phẩm nông nghiệp lại không được tăng cao tương xứng, dẫn đến thu nhập của chính người dân bị ảnh hưởng”.

Trong khi mục đích của nông thôn mới là giúp cho người dân tăng thêm thu nhập, thì chính vấn đề chênh lệch nguyên liệu mua vào - giá cả đầu ra này lại ảnh hưởng trực tiếp tới nông dân và nền kinh tế nước nhà.

Tỷ giá tăng khiến nguyên liệu nhập khẩu đầu vào của nhiều doanh nghiệp tăng, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp trở nên nhiều hơn. Nhưng lãi suất cho vay quá cao khi lợi nhuận có xu hướng giảm đi, khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ càng khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.

Đồng thời, các ngân hàng cho biết đã đạt mức tăng trưởng tín dụng. Kể cả khi tăng hạn mức tín dụng, với tình trạng tăng trưởng nguồn vốn thấp, ngân hàng cũng không đủ vốn để cho vay.

Không chỉ các doanh nghiệp thép hay phân bón gặp phải vấn đề khi tỷ giá tăng cao, còn nhiều doanh nghiệp các ngạch hàng khác họ cũng đang chật vật để vượt qua giai đoạn này. Vì thế, sự can thiệp của nhà nước là điều thực sự cần thiết để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đứng vững và đi lên.

Xem thêm

Tỷ giá USD ngày 21/11: Dần hồi phục

Tỷ giá USD ngày 21/11: Dần hồi phục

Sáng nay, đồng USD hôm tăng 0,28 điểm so với phiên giao dịch trước. Thời gian tới, lãi suất có thể sẽ tăng cao hơn nhận định của các nhà đầu tư.

Có thể bạn quan tâm