Thị trường bất động sản đang hồi phục, nhu cầu nhân lực môi giới tăng cao, kéo theo cơn sốt đào tạo hành nghề. Tuy nhiên, không ít khóa đào tạo chui vẫn hiện hữu trên thị trường, gây lo ngại về chất lượng và tính minh bạch của lực lượng môi giới.
MÔI GIỚI TRỞ LẠI THỊ TRƯỜNG
Thị trường bất động sản Việt Nam đã chính thức bước vào chu kỳ mới, với nhiều tín hiệu khởi sắc từ đầu năm 2025. Trong làn sóng phục hồi này, lực lượng môi giới bất động sản cũng đang ghi nhận sự trở lại mạnh mẽ.
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2025, số lượng doanh nghiệp bất động sản quay lại thị trường đã tăng tới 76% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp thành lập mới cũng ghi nhận tăng 15%, với trung bình mỗi tháng có khoảng 430 doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.
Không chỉ gia tăng về số lượng, các doanh nghiệp bất động sản cũng đẩy mạnh mở rộng quy mô, đặc biệt trong mảng môi giới, nhằm đón đầu các dự án chuẩn bị ra mắt.
Từ đó, kéo theo nhu cầu lớn về nhân lực môi giới, giúp số lượng người quay trở lại hành nghề hoặc mới tham gia thị trường tăng mạnh, ước tính lên đến hàng chục nghìn người.
Đáng chú ý, nhiều cá nhân hành nghề môi giới đã chủ động thích ứng với yêu cầu mới của thị trường. Họ nghiêm túc tham gia các khóa đào tạo chính quy, tích cực học tập và chuẩn bị cho kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề theo đúng quy định của pháp luật. Đây là nhóm môi giới có tinh thần cầu thị, hướng tới tính chuyên nghiệp và hoạt động đúng pháp luật.
Hiện nay nhu cầu chứng chỉ môi giới bất động sản rất cao. Theo khảo sát từ Viện Nghiên cứu Đánh giá Thị trường Bất động sản Việt Nam (VARS IRE) có 93% người môi giới bất động sản được khảo sát bày tỏ mong muốn tham gia kỳ thi sát hạch, thể hiện mức độ quan tâm rất cao đến việc tuân thủ quy định pháp luật và nhu cầu được chuẩn hóa kiến thức hành nghề.
Đây cũng là tín hiệu tích cực, đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc tổ chức kỳ thi một cách bài bản, linh hoạt, đồng thời cần xem xét khả năng tổ chức theo hình thức trực tuyến để đáp ứng xu hướng số hóa và nhu cầu rộng rãi của lực lượng môi giới hiện nay.
Tuy nhiên, thị trường vẫn tồn tại một thực trạng đáng lo ngại: tình trạng “đào tạo chui”, môi giới hoạt động không có chứng chỉ, không qua đào tạo chuẩn hóa vẫn đang diễn ra phổ biến.
XUẤT HIỆN TÌNH TRẠNG ĐÀO TẠO CHUI
Báo cáo mới đây của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, thực tế không ít người tự nhận là môi giới bất động sản dù chưa từng tham gia bất kỳ chương trình đào tạo chính thống nào, thậm chí tham gia các khóa học “chui”, thiếu nội dung, không được cơ quan chức năng công nhận.
Đáng báo động hơn, một số đơn vị đào tạo dù nắm rõ các quy định pháp luật vẫn cố tình tổ chức hoạt động sai phép để trục lợi. Họ lợi dụng sự thiếu hiểu biết của học viên để dẫn dắt họ tham gia các khóa học đào tạo không đạt chuẩn, làm gia tăng rủi ro cho thị trường và ảnh hưởng đến uy tín của nghề môi giới bất động sản.
Theo đó, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 04/2024/TT-BXD, quy định rất rõ ràng và chặt chẽ về chương trình đào tạo khung cho môi giới bất động sản và quản lý sàn giao dịch.
Thông tư quy định mỗi chương trình đào tạo phải có tối thiểu 74 tiết học, với thời lượng mỗi tiết là 45 phút, bao gồm đầy đủ 32 tiết kiến thức cơ sở, 24 tiết kiến thức chuyên môn, 16 tiết thực hành tại sàn giao dịch, và 2 tiết kiểm tra cuối khóa. Điều này có nghĩa, mỗi học phần phải kéo dài ít nhất hơn 50 giờ học tập.
VARS cho rằng, một số đơn vị đào tạo hiện nay lại đang diễn ra tình trạng "đào tạo chui", vi phạm nghiêm trọng các quy định trên. Cụ thể, chương trình đào tạo môi giới bất động sản tại một cơ sở chỉ được tổ chức trong vỏn vẹn 2 buổi, mỗi buổi chỉ kéo dài 2 tiếng 30 phút, tính cả thời gian nghỉ giải lao. Tổng thời lượng chương trình chỉ đạt khoảng 5 giờ (tương đương hơn 6 tiết học).
“Với lịch học như vậy, chắc chắn không thể đảm bảo đủ 8 chuyên đề cơ sở, 2 chuyên đề chuyên môn và 16 tiết thực hành theo yêu cầu pháp luật. Thậm chí có nơi chỉ cần học 1 buổi duy nhất để lấy chứng nhận quản lý sàn giao dịch, hoàn toàn không đáp ứng quy định 74 tiết học của Thông tư 04. Đây rõ ràng là một hành vi thách thức pháp luật một cách công khai và đáng bị lên án mạnh mẽ”, báo cáo của VARS nhấn mạnh.
Nghiêm trọng hơn, dù thời lượng học bị cắt xén, các cơ sở này vẫn thu học phí đầy đủ, dao động từ 2 - 2,5 triệu đồng/khóa học. Với chất lượng đào tạo như vậy, học viên không những bị thiệt hại về tài chính mà còn không được trang bị kiến thức hành nghề cơ bản, dễ trở thành nguồn nhân lực yếu kém, gây hệ lụy cho thị trường.
Đáng chú ý, các khóa học như trên lại rất “hút khách". Còn các khóa học được tổ chức bởi các đơn vị chuyên nghiệp, uy tín với nội dung giảng dạy chất lượng và sát với thực tế, lại kém thu hút, thậm chí, bị học viên “chê” do yêu cầu khắt khe trong việc học và thi.
Hệ quả là xuất hiện ngày càng nhiều môi giới hoạt động không chuyên nghiệp, dễ dẫn tới rủi ro cho khách hàng như: tư vấn sai pháp lý, môi giới đất không đủ điều kiện giao dịch, tiếp thị dự án “ma”, “thổi giá” gây sốt ảo thị trường,... Đây không chỉ là câu chuyện của một vài cơ sở đào tạo thiếu trách nhiệm, mà là mối đe dọa trực tiếp đến tính minh bạch và bền vững của cả thị trường bất động sản.
Do đó, chuyên gia VARS cho rằng, các cơ quan chức năng cần lập tức vào cuộc thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi đào tạo sai trái này để chấm dứt tình trạng "thu tiền thật, đào tạo giả", bảo vệ quyền lợi của học viên và uy tín của thị trường đào tạo bất động sản nói chung.
Cụ thể, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần công khai danh sách các đơn vị đủ điều kiện đào tạo bồi dưỡng kiến thức cấp chứng chỉ hành nghề theo đúng Thông tư 04.
Bên cạnh đó, cần thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở đào tạo, xử lý nghiêm hành vi tổ chức “đào tạo chui”.
Cuối cùng là đẩy nhanh tổ chức các kỳ thi sát hạch, không để khoảng trống khiến môi giới “nửa vời” tồn tại kéo dài.