Sức hút từ siêu đô thị TP.HCM sau sáp nhập

Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, thị trường bất động sản TP.HCM mở rộng đang chứng kiến đà phục hồi mạnh mẽ…

Thị trường bất động sản TP.HCM sau sáp nhập có sự sôi động
Thị trường bất động sản TP.HCM sau sáp nhập có sự sôi động

Việc Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu chính thức sáp nhập vào TP.HCM đã mở ra động lực cho thị trường bất động sản, thúc đẩy quá trình quy hoạch, đầu tư và phát triển đồng bộ hơn giữa các khu vực.

Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, thị trường bất động sản TP.HCM đang chứng kiến những chuyển biến tích cực với kỳ vọng bước vào chu kỳ tăng trưởng mới. Nhận định về thị trường bất động sản TP.HCM sau sáp nhập, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam Batdongsan.com.vn, cho biết mức độ quan tâm bất động sản TP.HCM mới (bao gồm cả Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu) tăng 6% so với quý trước, phản ánh kỳ vọng tích cực vào quy hoạch đô thị đa cực.

Cụ thể, từng địa phương đang định hình vai trò riêng, TP.HCM là trung tâm tài chính – dịch vụ cao cấp; Bình Dương là hạt nhân công nghiệp – công nghệ cao; còn Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành đầu mối logistics và cảng biển quốc tế. Mô hình phát triển đa cực này không chỉ tạo động lực tăng trưởng cho từng địa phương, mà còn mở ra triển vọng hình thành một đại đô thị quy mô lớn nhất Việt Nam.

anh-1-2.jpg
Nguồn: Batdongsan.com.vn

Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cũng cho biết, trong quý 2/2025, loại hình chung cư tiếp tục khẳng định vị thế dẫn dắt thị trường khi ghi nhận tỷ trọng mức độ quan tâm lên tới 29%, vượt qua đất nền (28%) và nhà riêng (22%).

Sự vươn lên này cho thấy hành vi người mua đang dịch chuyển rõ rệt từ xu hướng đầu cơ sang nhu cầu ở thực và đầu tư khai thác dòng tiền ổn định.

Có thể thấy rằng, thị trường căn hộ đã phục hồi rõ rệt từ tháng 6/2025. So với tháng 4/2025, mức độ quan tâm chung cư tại TP.HCM mới tăng 11%, TP.HCM cũ tăng 9%. Đồng thời, lượng tin đăng bán chung cư tại TP.HCM mới và cũ cũng ghi nhận mức tăng 12%, cho thấy nguồn cung đang hồi phục theo nhu cầu.

Sau sáp nhập, TP.HCM cũng đón làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các nhà đầu tư phía Bắc. Ông Nguyễn Thái Bình, Tổng Giám đốc Đông Tây Land chia sẻ, các nhà đầu tư phía Bắc ngày càng quan tâm nhiều hơn đến thị trường bất động sản phía Nam, đặc biệt tại TP.HCM và các địa phương sáp nhập là Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo Tổng Giám đốc Đông Tây Land, có thể chia nhà đầu tư thành ba nhóm chính. Nhóm thứ nhất là nhóm có tiềm lực tài chính mạnh, có nhu cầu đầu tư lâu dài, tập trung vào bất động sản trung tâm như Quận 1, Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức, nơi có khả năng “trú ẩn” tài sản và khai thác cho thuê tốt.

Nhóm thứ hai hướng đến các bất động sản ven hạ tầng trọng điểm như metro, vành đai, sân bay. Nhóm thứ ba là các nhà đầu tư trung thành với các chủ đầu tư lớn từ miền Bắc vào Nam, thường “đi theo” các dự án mở bán của Vingroup, Masterise, Ecopark... tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Đánh giá về việc sáp nhập, theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), việc sáp nhập đơn vị hành chính không chỉ mở rộng địa giới mà còn mở ra bước ngoặt phát triển mới cho TP.HCM.

Sau sáp nhập TP.HCM trở thành siêu đô thị, tạo dư địa phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực. Dân số hiện tại của TP.HCM đã vượt mốc 14 triệu người và dự kiến có thể đạt 18 triệu dân vào năm 2030. Cùng với đó, quy mô kinh tế sau sáp nhập cũng tăng trưởng vượt bậc. Sau khi sáp nhập, khu vực này dự kiến sẽ đóng góp khoảng 1/4 GDP, 1/3 tổng thu ngân sách và hơn 1/5 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.

Sau sáp nhập, thị trường bất động sản TP.HCM được kỳ vọng sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng mới với sự hình thành của hàng loạt dự án chất lượng, quy mô lớn. Cơ cấu sản phẩm sẽ đa dạng hóa và được điều chỉnh phù hợp hơn với nhu cầu thị trường đang định hình lại và tăng trưởng mạnh. Đây được xem là giai đoạn tạo ra nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, để TP.HCM mới vươn mình đúng tầm cỡ, thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ cần có nhiều điều cần thực hiện. Tại một toạ đàm gần đây, TS. KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho hay, để TP.HCM trở thành một siêu đô thị toàn cầu cần làm tốt 5 điểm.

Thứ nhất, cần có cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, khả năng kết nối trong và ngoài thành phố tốt.

Thứ hai là nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Đây phải là yếu tố quan trọng.

Thứ ba là khả năng thu hút, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này liên quan đến cơ chế chính sách của địa phương trong việc phát triển nguồn lực.

Thứ tư là môi trường sống hấp dẫn. Hiện nay, người dân đã vượt lên nhu cầu ăn ngon, mặc đẹp mà còn cần phải sống xanh, sống sạch. Vì vậy, cải thiện môi trường sống là rất quan trọng.

Thứ năm là vai trò trung tâm trong các mạng lưới toàn cầu.

“Đây là 5 trụ cột rất quan trọng để hướng TP.HCM mới đến một đô thị toàn cầu đúng nghĩa. Chúng ta có quyền hy vọng TP.HCM mới trong tương lai là một siêu đô thị với cấu trúc đa cực, đa trung tâm, đa trụ cột.

Ngoài ra, giao thông công cộng nội đô của TP.HCM mới thời gian tới cũng sẽ được nghiên cứu và phát triển đồng bộ, do vậy, TP.HCM đủ sức hấp dẫn là một khu đô thị toàn cầu”, ông Quảng phân tích.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Bất động sản Hải Phòng được ví như “TP.HCM 15 năm trước”

Bất động sản Hải Phòng được ví như “TP.HCM 15 năm trước”

Hạ tầng phát triển đồng bộ, công nghiệp bùng nổ, cộng thêm tiềm năng giá còn thấp đã giúp thị trường bất động sản Hải Phòng duy trì sức hút mạnh mẽ suốt từ đầu 2023 đến nay. Đây được xem là một trong những thị trường hiếm hoi có sức bật đồng đều trên nhiều phân khúc...