Trong đó, nhiều thủ tục về dán nhãn năng lượng cũng được điều chỉnh theo hướng gỡ khó cho doanh nghiệp.
Việc đơn giản hóa thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng được thực hiện như sau: Bỏ “bản sao của hợp đồng với các nhà cung cấp hàng hóa ở nước ngoài (đối với các nhà nhập khẩu) và tờ khai hàng hóa nhập khẩu”; “hồ sơ, tài liệu, quy trình quản lý chất lượng của doanh nghiệp”; “hồ sơ, chứng chỉ quản lý chất lượng liên quan”; sửa “kết quả thử nghiệm do Tổ chức thử nghiệm được chỉ định cấp có thời hạn không quá 6 tháng kể từ ngày cấp” thành “kết quả thử nghiệm do Tổ chức thử nghiệm được chỉ định cấp còn thời hạn”.
Thủ tục hành chính “đánh giá và chứng nhận dán nhãn năng lượng” được thực hiện theo hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Việc chỉ định Tổ chức thử nghiệm quy định tại Thông tư số 07/2012/TT-BCT, thực hiện cụ thể: Sửa đổi “bản sao” được quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 6 thành “bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu; “giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm theo Thông tư 08/2009/TT-BKHCN ngày 8/4/2009 Hướng dẫn về yêu cầu, trình tự, thủ tục đăng ký lĩnh vực hoạt động đánh giá sự phù hợp” tại điểm b Khoản 2 Điều 6 được sửa đổi thành “giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm”.
Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày 16/12, ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) thừa nhận, việc thực hiện lộ trình dán nhãn năng lượng gặp một số khó khăn về cơ sở hạ tầng thử nghiệm, thiếu hụt thiết bị thử nghiệm hiệu suất năng lượng, nguồn nhân lực và kinh phí triển khai.
“Cơ sở hạ tầng thử nghiệm hiệu suất năng lượng cho động cơ điện đến hết tháng 6/2016 mới chỉ định được 7 phòng thử nghiệm trong nước và 2 phòng thử nghiệm nước ngoài. Trong khi đó, hiện trên toàn quốc chỉ có 1 phòng thử nghiệm hiệu suất năng lượng cho động cơ điện đặt tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 1 (Quatest 1) tại Hà Nội, gây khó khăn cho các doanh nghiệp tại miền Trung và miền Nam khi phải vận chuyển các động cơ có kích thước, khối lượng lớn tới cơ sở thử nghiệm của Quatest 1 để thực hiện thử nghiệm”, ông Đỗ Đức Quân cho biết.
Đối với thiết bị lò hơi công nghiệp, do tính chất đặc thù của thiết bị lò hơi là chỉ thử nghiệm được hiệu suất năng lượng sau khi đã lắp đặt, hiệu chỉnh và đưa vào vận hành nên tổng thời gian làm thủ tục sẽ phụ thuộc vào công tác vận chuyển, lắp đặt và thử nghiệm vốn khá lâu. Do đó, nếu yêu cầu đơn vị nhập khẩu lò hơi phải cung cấp phiếu thử nghiệm hiệu suất năng lượng tại thời điểm trước khi thông quan thì sẽ không khả thi.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ này đang thực hiện giải pháp trong thời gian chưa có đủ phòng thử nghiệm hiệu suất năng lượng cho động cơ điện, Bộ Công Thương xem xét công nhận, thừa nhận và sử dụng kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng do phòng thử nghiệm nước ngoài đáp ứng quy định và tiêu chuẩn Việt Nam về phòng thử nghiệm. Doanh nghiệp có thể sử dụng kết quả này làm căn cứ để phục vụ kiểm tra chứng nhận hiệu suất năng lượng.