Số lượng doanh nghiệp niêm yết có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên trên sàn chứng khoán những năm gần đây đã tăng lên đáng kể thông qua các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A). Tuy nhiên, gần 10 năm qua, thị trường chứng khoán thiếu những tên tuổi mới là các doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn thành lập.
Trong giai đoạn 2003-2008, thị trường chứng khoán từng có một làn sóng các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp (doanh nghiệp FDI) lên sàn sau khi Nghị định số 38/2003/NĐ-CP ra đời. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp FDI lên sàn những năm sau đó lại ngày càng thưa thớt, một số cái tên thậm chí còn bị huỷ niêm yết.
Trên thực tế, vẫn có những doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mong muốn niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, song đến nay vẫn chưa được IPO. Vậy nguyên nhân của vấn đề này đến từ đâu? Cần làm gì để mở đường cho các doanh nghiệp FDI lên sàn chứng khoán?...
Mới đây, Thương Gia đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam xung quanh câu chuyện thúc đẩy doanh nghiệp FDI niêm yết trên sàn chứng khoán.
Lịch sử phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận vài doanh nghiệp FDI đã niêm yết cổ phiếu. Tuy nhiên số lượng không nhiều và giao dịch lẻ tẻ. Vậy theo ông, những cổ phiếu này vì sao chưa đủ sức hấp dẫn với nhà đầu tư?
Kể từ sau khi Công ty Cổ phần Siam Brothers Việt Nam (mã chứng khoán: SBV) được niêm yết vào 2017 cho đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa đón nhận thêm “tân binh” nào là doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, thanh khoản ở nhóm cổ phiếu này đa phần vẫn ở mức thấp, đồng nghĩa với việc đây không phải là “khẩu vị” của các chứng sĩ Việt.
Tôi cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến các nhà đầu tư không mặn mà với những cổ phiếu FDI do xuất phát từ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này không quá hấp dẫn so với các tổ chức khác đang niêm yết trên thị trường.
Nếu trước đó có đến 11 doanh nghiệp FDI thì tính đến thời điểm hiện tại chỉ còn 8 doanh nghiệp trụ vững. Trong đó, 3 doanh nghiệp sớm hủy niêm yết do thua lỗ (2 doanh nghiệp chuyển sang UPCoM và 1 doanh nghiệp “một đi không trở lại” là Full Power).
Kết thúc quý kinh doanh đầu năm 2024, chỉ có 5/10 doanh nghiệp có mức tăng trưởng tích cực, nhưng kết quả kinh doanh cũng không quá vượt trội so với các nhóm cổ phiếu khác.
Đồng thời, sức khỏe tài chính không ổn định cũng là vấn đề của nhóm cổ phiếu này. Cùng với đó, các rủi ro phát sinh từ hoạt động rút vốn, chuyển giá, thiếu minh bạch và quy mô vốn hóa nhỏ… cũng là nguyên nhân khiến cho các nhà đầu tư chưa thật sự quan tâm đến nhóm cổ phiếu này.
Trong những năm qua, vẫn có những doanh nghiệp FDI “đánh tiếng” muốn niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam như: Seoul Metal Việt Nam, Ngũ Kim Fortress Việt Nam, Tập đoàn CT&D của Đài Loan, Tập đoàn AEON... Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thêm một thông tin mới gì về hoạt động này. Xin ông lý giải nguyên nhân vì sao các doanh nghiệp này vẫn “bặt vô âm tín”?
Việc thiếu cơ chế pháp lý là vấn đề trở ngại cho con đường niêm yết trên sàn chứng khoán các doanh nghiệp FDI. Đồng thời, các rủi ro xoay quanh hoạt động và huy động vốn của các doanh nghiệp FDI cũng có thể gây cản trở cho việc xem xét các doanh nghiệp FDI niêm yết như các hoạt động rút vốn, chuyển giá, thiếu minh bạch trong thông tin tài chính.
Với bối cảnh nêu trên, theo ông, làm thế nào để “khơi thông” đường niêm yết trên sàn chứng khoán cho các doanh nghiệp FDI?
Về bản chất các doanh nghiệp FDI cũng cần thỏa các điều kiện niêm yết trên các sàn giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay. Đồng thời, các hoạt động huy động vốn này chỉ mục đích phục vụ cho hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và các hoạt động dịch chuyển dòng vốn ra khỏi Việt Nam cần được giám sát chặt chẽ.
Nhu cầu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam của các doanh nghiệp FDI là khá lớn trong bối cảnh quy mô của thị trường đã tăng trưởng mạnh trong thời gian qua.
Vì vậy, tôi cho rằng cơ quan quản lý cần có các quy định cụ thể và thông tư hướng dẫn cho việc niêm yết của các doanh nghiệp niêm yết. Song song với đó là nhu cầu cấp thiết về cơ chế giám sát các hoạt động luân chuyển tiền từ các doanh nghiệp FDI và yêu cầu các báo cáo kiểm toán định kỳ như các doanh nghiệp vốn hóa lớn.