Những dấu hiệu khi mắc biến thể Covid-19 mới xuất hiện tại TP.HCM

Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng phòng, chống Covid-19 như đeo khẩu trang nơi ở đông, thường xuyên rửa tay, tăng cường vận động và chăm sóc sức khỏe thông qua rèn luyện thể lực...

TP.HCM đang ghi nhận sự gia tăng trở lại của Covid-19 do sự xuất hiện của biến thể mới

Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm TP.HCM, số ca Covid-19 tăng từ tuần 16 đến tuần 20 (14/4-18/5), với trung bình 11 ca mỗi tuần, so với 1-2 ca mỗi tuần trong 15 tuần đầu năm. Riêng tuần 20, thành phố ghi nhận 26 ca, tăng 16 ca so với mức trung bình 4 tuần trước đó.

Tính đến nay, TP.HCM ghi nhận 79 ca Covid-19 trong năm 2025, giảm 75,5% so với cùng kỳ năm 2024, với 43 ca nội trú và 36 ca ngoại trú, không có trường hợp nặng cần hỗ trợ hô hấp.

Trước sự gia tăng ca nhiễm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) đã tiến hành giải trình tự gene các mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân nhập viện trong tuần 3 tháng 5/2025.

Kết quả cho thấy 83% mẫu mang biến chủng NB.1.8.1 – một biến thể phụ của XDV.1, được hình thành từ sự tái tổ hợp giữa JN.1 và XDE.

Biến chủng này, được phát hiện vào đầu năm 2025, hiện đã xuất hiện tại 22 quốc gia, bao gồm Australia, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ.

Hiện tại, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa xếp NB.1.8.1 vào các nhóm biến chủng nguy cơ. Đây là là một biến thể phụ mới của virus SARS-CoV-2, thuộc dòng Omicron JN.1.

Đột biến đáng chú ý tại vùng RBD protein gai: T478I, A435S, V445H làm tăng khả năng bám dính vào tế bào người. Biến chủng này có thể lây nhanh hơn XEC, dẫn đến lây lan nhanh chóng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, sự xuất hiện biến thể mới NB.1.8.1 có thể là nguyên nhân gia tăng số ca bệnh Covid-19 tại thành phố trong những tuần gần đây, tương tự như ở một số nước trên thế giới trong thời gian qua. Đây là hiện tượng thông thường khi xuất hiện một biến chủng mới.

Biến chủng mới chưa đủ nguy hiểm để làm mất hiệu lực vaccine, nhưng có thể làm suy giảm nhẹ miễn dịch.

NB.1.8.1 gây ra các triệu chứng tương đồng với nhiều biến thể Omicron trước đó, bao gồm đau họng, mệt mỏi, ho nhẹ, sốt, nghẹt mũi và đau nhức cơ. Tuy nhiên, các chuyên gia đã ghi nhận thêm một số dấu hiệu khác như tăng thân nhiệt dai dẳng, chán ăn, đau đầu và rối loạn tiêu hóa nhẹ.

So với XEC, NB.1.8.1 được cho là có triệu chứng đa dạng hơn, đặc biệt là tình trạng sốt nhẹ, nhưng kéo dài được ghi nhận ở nhiều bệnh nhân gần đây. Điều này làm dấy lên cảnh báo một số người nhiễm có thể bỏ qua các dấu hiệu sớm, từ đó góp phần âm thầm lây lan virus trong cộng đồng.

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt-Nga (Bộ Quốc phòng), biến chủng này có tốc độ lây lan nhanh nhưng không gây bệnh nặng. Hiện chưa ghi nhận có ca tử vong hoặc nhập viện nặng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, với tốc độ lây mạnh của biến chủng mới có thể gây áp lực hệ thống y tế nếu số ca tăng nhanh trên diện rộng, bác sĩ Hoàng khuyến cáo, mọi người không quá lo lắng, hoang mang nhưng cần cảnh giác chuẩn bị biện pháp ứng phó.

Các biện pháp phòng, chống COVID-19. Ảnh: Bộ Y tế

Tại Hà Nội, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần qua (tính từ ngày 16/5 đến ngày 23/5), toàn thành phố ghi nhận 155 trường hợp mắc Covid-19, tăng vọt so với các tuần trước đó.

Cộng dồn từ đầu năm 2025 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 192 trường hợp mắc Covid-10, chưa có tử vong. Số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2024, tuy nhiên theo CDC Hà Nội, số ca mắc có xu hướng tăng trong 2 tuần gần đây nên dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận ca bệnh trong thời gian tới.

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 640 ca COVID-19 tại 39 tỉnh, thành, không có trường hợp tử vong.

Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Quảng Ninh là địa phương có số ca mắc cao. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca giảm 83%, nhưng những tuần gần đây ghi nhận xu hướng tăng nhẹ.

Thời gian tới là giai đoạn cao điểm du lịch hè 2025 với nhu cầu đi lại tăng cao, để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó tập trung cao điểm vào các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 và dịch bệnh có nguy cơ xảy ra trong mùa mưa bão, ngập lụt, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền địa phương và ban ngành, đoàn thể các cấp phối hợp ngành y tế triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh.

Các tỉnh tổ chức đợt chiến dịch cao điểm tháng 6-7/2025 triển khai công tác phòng, chống bệnh.

Bộ Y tế cũng đề nghị các sở y tế đẩy mạnh thực hiện các hoạt động truyền thông về phòng, chống dịch bệnh năm 2025, lưu ý truyền thông theo nhóm nguy cơ tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức, nhiều thứ tiếng phù hợp với từng địa phương.

Các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời; đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.

Có thể bạn quan tâm