Sau thời gian dài dường như “im ắng”, COVID-19 đang có dấu hiệu quay trở lại với những biểu hiện khác biệt so với các làn sóng dịch trước.
Mới đây, Cục Quản lý khám chữa bệnh vừa có công văn gửi các đơn vị về việc tăng cường công tác khám, phát hiện, điều trị ca bệnh Covid-19. Theo đó, Bộ Y tế cho hay, hiện nay trên thế giới đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng tại một số quốc gia như Brazil, Anh, Thái Lan...
Riêng tại Thái Lan, Trung tâm thông tin Covid-19 của Chính phủ nước này thông báo số ca mắc Covid-19 đã tăng vọt với tổng cộng hơn 71.000 ca nhiễm và 19 ca tử vong từ ngày 1/1 đến ngày 14/5.
Từ đầu năm đến nay, nước ta ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc tại 27 tỉnh, thành phố và không có ca tử vong. Số địa phương ghi nhận nhiều ca bệnh gồm TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bình Dương... Nước ta không ghi nhận các ổ dịch tập trung, nhưng có sự gia tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, trung bình với 20 ca mắc/tuần.
Không còn ồ ạt và gây áp lực lớn như những làn sóng trước, Covid-19 hiện nay đang âm thầm tồn tại trong cộng đồng với quy mô nhỏ, rải rác và khó phát hiện nếu không có giám sát dịch tễ thường xuyên.
Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, sự gia tăng gần đây của các ca mắc Covid-19 là hiện tượng có thể dự đoán được, nhất là trong bối cảnh mùa hè đến gần.
"Mùa hè là thời điểm các virus đường hô hấp có xu hướng gia tăng, giống như cúm. Thêm vào đó, nhu cầu du lịch và các hoạt động tụ tập đông người cũng tăng mạnh, kéo theo nguy cơ lây lan cao hơn", bác sĩ Khiêm nói.
Tuy nhiên, bác sĩ Khiêm khẳng định khả năng hình thành một đợt dịch lớn là không cao. Ở thời điểm hiện tại, số ca mắc chỉ phản ánh sự quay trở lại của virus, chưa có dấu hiệu bùng phát thành dịch trên diện rộng. Với người khỏe mạnh, đã tiêm vaccine đầy đủ, nếu mắc COVID-19 thì triệu chứng thường nhẹ, tương tự cúm mùa.
Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Phó Trưởng phòng Cấp cứu truyền nhiễm, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay các bệnh do virus, đặc biệt là lây truyền qua đường hô hấp, thường diễn tiến theo từng "làn sóng" lên xuống.
Khi virus lan rộng trong cộng đồng, số ca mắc tăng vọt. Sau một thời gian, khi nhiều người đã nhiễm bệnh và có miễn dịch, số ca sẽ giảm. Nhưng khi miễn dịch suy yếu hoặc virus biến đổi, một "làn sóng" mới lại có thể xuất hiện.
Nếu được giám sát dịch tễ một cách chặt chẽ, đầy đủ và liên tục, ví dụ, thông qua xét nghiệm Covid-19 định kỳ tại tất cả bệnh viện tuyến trung ương và địa phương, chúng ta sẽ có cái nhìn toàn cảnh, chính xác hơn về sự biến động của dịch bệnh.
Tuy nhiên, kể từ khi Covid-19 được hạ xuống nhóm B (tức là không còn được xếp vào nhóm đặc biệt nguy hiểm), việc giám sát không còn chặt chẽ như trước. Do đó, theo bác sĩ Thái, số ca mắc hiện nay chỉ phản ánh một phần thực tế.
"Covid-19 hiện nay là bệnh lưu hành, tức luôn tồn tại rải rác trong cộng đồng, có thể có người mắc bất kỳ lúc nào, từ nhẹ đến nặng. Đây không còn là một đợt bùng phát hay đại dịch mới", bác sĩ Thái nói.
Để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng, giảm nguy cơ đồng nhiễm, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên tiêm phòng đầy đủ với các vaccine cúm sẵn có, thêm rằng biện pháp không đặc hiệu như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế tụ tập nơi đông người vẫn còn nguyên giá trị.