Cú lội ngược dòng ngoạn mục của VEFAC và màn bứt tốc từ Vingroup, Vietcombank, MB... đang vẽ lại bản đồ lợi nhuận quý 1/2025 trên thị trường chứng khoán. Khi những cái tên quen thuộc chưa kịp bứt phá, một doanh nghiệp lại gây choáng với cú ghi nhận doanh thu nghìn tỷ từ thương vụ chuyển nhượng lịch sử. Từ ngân hàng đến bất động sản, đâu là gương mặt thực sự tạo dấu ấn trong bức tranh lợi nhuận đầu năm?
Công ty Cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC, mã chứng khoán: VEF) đã tạo nên cú sốc lớn khi công bố doanh thu quý 1/2025 lên tới 44.560 tỷ đồng, con số này cao gấp hơn 166.000 lần so với cùng kỳ năm ngoái (chỉ 268 triệu đồng). Điểm đáng chú ý là gần như toàn bộ doanh thu này đến từ việc ghi nhận khoản chuyển nhượng một phần dự án Vinhomes Global Gate, trong khi các hoạt động cốt lõi như tổ chức hội chợ, triển lãm chỉ đóng góp vẻn vẹn 250 triệu đồng.
Không chỉ doanh thu chính, doanh thu tài chính của VEFAC cũng bật tăng mạnh mẽ, đạt 1.857 tỷ đồng, gấp gần 15 lần so với cùng kỳ. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế quý này của công ty đạt hơn 18.600 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận sau thuế cũng lên tới 14.873 tỷ đồng, gấp 162 lần so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này đã khiến chỉ số EPS của VEFAC vọt lên 89.275 đồng, một con số gây kinh ngạc nếu so với mức 550 đồng của cùng kỳ.
Tuy nhiên, song song với mức lãi khủng, tổng tài sản của VEFAC lại giảm mạnh 61,8%, từ hơn 105.000 tỷ đồng xuống còn hơn 40.000 tỷ đồng do việc chuyển nhượng tài sản. Dù vậy, nợ phải trả cũng giảm sâu từ 101.089 tỷ đồng còn 21.245 tỷ đồng, giúp vốn chủ sở hữu tăng vọt lên gần 18.900 tỷ đồng, gấp 4,7 lần so với cuối quý 1/2024, nhờ lợi nhuận đột biến trong kỳ.
Trong khi ,VEFAC nổi lên như một “ngựa ô” bất ngờ, thì Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB) đại diện tiêu biểu của ngành ngân hàng vẫn bền bỉ duy trì vị thế vững chắc. Dù thu nhập lãi thuần quý 1 giảm nhẹ gần 3%, xuống còn 13.687 tỷ đồng, nhưng việc mạnh tay cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro hơn 50% xuống chỉ còn hơn 700 tỷ đồng đã giúp Vietcombank bảo toàn tăng trưởng lợi nhuận. Qua đó, ngân hàng tiếp tục giữ vững ngôi vương lợi nhuận trong hệ thống ngân hàng.
Tính chung, lợi nhuận trước thuế quý 1/2025 của Vietcombank đạt 10.860 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,3% so với cùng kỳ. Tại thời điểm 31/3/2025, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 1,1% so với đầu năm. Dư nợ cho vay và tiền gửi khách hàng đều ổn định, lần lượt ở mức 1,47 triệu tỷ đồng và hơn 1,5 triệu tỷ đồng.
Theo sát ngay sau là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội (MB, mã chứng khoán: MBB), xếp vị trí thứ ba trong danh sách doanh nghiệp lãi lớn nhất quý. Với sự tăng trưởng đồng đều ở hầu hết các mảng kinh doanh, MB ghi nhận một kỳ kinh doanh bứt phá khi thu nhập lãi thuần đạt 11.692 tỷ đồng, tăng mạnh 29% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MB đạt tới 8.386 tỷ đồng, mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của ngân hàng này, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận riêng lẻ của ngân hàng cũng tăng trưởng ấn tượng, đạt 7.689 tỷ đồng, tăng 46,2%.
Không chỉ có lãi lớn, tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của MB cũng tăng 27,5% lên 15.300 tỷ đồng, trong khi doanh thu thuần sau rủi ro đạt hơn 12.300 tỷ đồng, tăng 32,5%. Tính đến cuối quý 1/2025, tổng tài sản hợp nhất của ngân hàng đạt hơn 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với cuối năm 2024.
Trái ngược với đà tăng trưởng mạnh mẽ của MB, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán: BID) dù vẫn duy trì được lợi nhuận cao lại chứng kiến một quý “đi ngang” xét về tốc độ tăng trưởng. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế quý 1/2025 của BIDV đạt 7.413 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái, dù doanh thu một số mảng có cải thiện.
Phân tích sâu hơn, thu nhập lãi thuần chỉ nhích nhẹ 3% lên mức gần 13.946 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi từ chứng khoán kinh doanh tăng 28%, đạt 214 tỷ đồng, và đặc biệt là hoạt động khác mang lại khoản lãi đột biến hơn 1.216 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ. Dù vậy, mức tăng không đủ lớn để tạo nên sự bứt phá rõ rệt về tổng lợi nhuận.
Về quy mô tài sản, BIDV vẫn duy trì vị thế là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống với gần 2,86 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với đầu năm. Nhưng điểm đáng lo ngại lại đến từ chất lượng tài sản. Chỉ trong vòng ba tháng đầu năm, tổng nợ xấu của BIDV đã tăng tới 37%, từ hơn 29.000 tỷ đồng lên gần 39.908 tỷ đồng. Kéo theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cũng tăng mạnh, từ 1,41% lên 1,89%.
Trong khi các ngân hàng đang có những bức tranh lợi nhuận với màu sắc riêng, thì ở một sân chơi khác, Tập đoàn Vingroup lại gây chú ý với tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam đã khép lại quý 1/2025 với kết quả kinh doanh rực rỡ, tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 84.053 tỷ đồng, tăng tới 287% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng đột phá này chủ yếu đến từ sự phục hồi và mở rộng mạnh mẽ của các lĩnh vực sản xuất công nghiệp cùng hoạt động phát triển, kinh doanh bất động sản.
Không chỉ dừng lại ở doanh thu, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vingroup cũng tăng vọt lên 2.243 tỷ đồng, cao hơn 68% so với quý I/2024. Tính đến cuối tháng 3 năm nay, tổng tài sản của tập đoàn đạt mức 823.270 tỷ đồng, tiếp tục khẳng định quy mô và tầm ảnh hưởng của Vingroup trong nền kinh tế.