Hàng loạt dự án BOT của Tasco gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của các tài xế lái xe, tới việc bị Thanh tra Chính phủ tới Kiểm toán Nhà nước điểm tên liên quan tới hàng loạt các sai phạm ở một số dự án...
LIÊN TỤC BỊ PHẢN ĐỐI VÌ THU PHÍ QUA BOT VỚI GIÁ"CẮT CỔ"
Như đã nêu trong bài trước, năm 2010 -2016 là thời kỳ đỉnh cao của Tasco, khi chỉ trong thời gian ngắn doanh nghiệp này được giao hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trải dài từ Bắc đến Nam. Những dự án BT, BOT khi đó được xem là "gà đẻ trứng vàng" mang lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho doanh nghiệp này.
Và sẽ không có gì đáng nói nếu các dự án được Tasco thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên tại Dự án BOT Mỹ Lộc (tuyến QL 21B, Nam Định) và các dự án liên quan thì mọi quy trình đều ngược lại...
Cụ thể, dự án này được khởi công xây dựng từ tháng 1/2010, thông xe vào cuối tháng 6/2012, nhưng không rõ vì lý do gì, Tasco đã được thu tiền hoàn vốn cho dự án từ ngày 1/8/2009 trên trạm thu phí ở tuyến QL 21A và được hỗ trợ toàn bộ tiền giải phóng mặt bằng.
Không chỉ có vậy, dự án này còn vướng phải tình trạng “dự án chồng dự án”. Đó là trên tuyến đường chỉ dài khoảng 25km có tới 3 dự án chồng lấn nhau dù cùng là một chủ đầu tư - Công ty Cổ phần Tasco.
Dự án thứ nhất là dài 21,2km được triển khai dưới dạng BT, với tổng mức đầu tư lên tới 3.721 tỷ đồng. Phần triển khai dưới hình thức BOT (phần duy nhất được thu phí hoàn vốn - BOT Mỹ Lộc) chỉ dài 3,9km đường nối Quốc lộ 21B (từ trạm thu phí) tới Quốc lộ 10, và đoạn đường 550m nối Quốc lộ 21B với Quốc lộ 21A dài 550m với tổng vốn 487 tỷ đồng.
Cũng trên đoạn dài 3,9km trên, Tasco chỉ bỏ tiền làm 4 làn đường phía ngoài (mỗi bên 2 làn), đồng thời có 2 làn (sát dải phân cách) do ngân sách Nam Định đầu tư. Sự chồng chéo này đã dẫn tới những phức tạp, phản đối từ những lái xe tham gia giao thông trong một thời gian dài.
Đỉnh điểm là ngày 29/7/2018, trạm thu phí BOT Mỹ Lộc đã hoàn toàn “thất thủ” sau khi một số lái xe lập chốt tại đây để phản đối việc thu phí. Các lái xe còn kéo nhau đến trước trụ sở Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu gặp lãnh đạo Bộ để đối thoại về những vấn đề bất cập tại trạm thu phí BOT Mỹ Lộc.
Không chỉ có vậy, trước đó một năm, cụ thể sáng 5/11/2017, hàng trăm phương tiện, chủ yếu là người địa phương ở 2 xã Quảng Phú và Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã bao vây trạm thu phí Tasco trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) để phản đối việc người dân ở cách trạm chỉ một vài km nhưng phải nộp phí qua trạm cho cả gần 30km toàn bộ tuyến đường BOT từ Quảng Trạch đến Bố Trạch, là vô lý.
Đồng thời, nhằm yêu cầu trạm này thực hiện việc miễn phí vé cho người dân như cam kết. Trong khi, vào đầu tháng 10, tỉnh Quảng Bình và chủ đầu tư - Tasco đã thống nhất được phương án giảm giá vé cho người dân địa phương. Tuy nhiên, đến tháng 11, trạm BOT này vẫn chưa triển khai giảm giá vé.
Được biết, dự án này có tên đầy đủ là dự án xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 theo hình thức hợp đồng BOT, thực hiện trên địa bàn huyện Bố Trạch và Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Tổng chiều dài tuyến 31,5 km, mặt cắt ngang 20,5m, với tổng mức đầu tư lên tới 2.004 tỷ đồng và đã hoàn thành từ hồi tháng 6/2015.
Cũng liên quan tới dự án này, đầu năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án BOT Tasco Quảng Bình, như thi công chất lượng kém, thực hiện một số gói thầu chưa đúng quy định, đặc biệt chưa đảm bảo chặt chẽ việc tính toán chính xác, đầy đủ số lượng phương tiện qua trạm, gây nguy cơ thất thoát phí.
TỚI VIỆC BỊ THANH TRA CHÍNH PHỦ ĐIỂM MẶT...
Kết luận Thanh tra Chính phủ ký ngày 19/7/2017 thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trên địa bàn thành phố Hà Nội. Kết luận này đã chỉ tên những vi phạm, khuyết điểm tại dự án BT đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương do Công ty Cổ phần Tasco (mã chứng khoán: HUT) thực hiện.
Đây là dự án có tổng mức đầu tư 1.543 tỷ đồng, với tổng chiều dài 3,5 km và có điểm đầu là nút giao với đường Lê Đức Thọ và điểm cuối là nút giao với đường 70, đi qua các khu đô thị Mỹ Đình 1-2, khu đô thị mới Xuân Phương... thuộc phường Mỹ Đình, Phương Canh, Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Kết luận nêu rõ, công tác lập, thẩm định và phê duyệt tổng vốn đầu tư không chính xác do áp dụng định mức, đơn giá và tính toán khối lượng không đúng làm tăng giá trị hợp đồng BT hơn 19,561 tỷ đồng.
Tiếp đó là vi phạm trong việc liên doanh đầu tư để phân chia đất tại dự án đối ứng (dự án Khu đô thị mới Xuân Phương – huyện Nam Từ Liêm) khi chưa được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt; tính sai tăng chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kĩ thuật do áp sai suất vốn đầu tư, trong việc xác định tiền sử dụng đất đối với dự án đối ứng là 11,275 tỷ đồng.
Cũng theo thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ, tại thời điểm được thẩm định, đánh giá và lựa chọn để thực hiện dự án, năng lực về tài chính của Tasco bị hạn chế, không đảm bảo năng lực.
Do đó, Thanh tra Chính phủ kết luận UBND thành phố Hà Nội đã không thực hiện đúng quy trình lựa chọn nhà đầu tư; thẩm định đánh giá năng lực nhà đầu tư không chính xác, thiếu chặt chẽ; lựa chọn ký hợp đồng với nhà đầu tư không đảm bảo năng lực theo yêu cầu.
Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND thành phố Hà Nội điều chỉnh các quyết định giao đất Khu đô thị Xuân Phương đối với Tasco cho phù hợp quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 đã được điều chỉnh tại Quyết định số 1636/QĐ-UBND ngày 25/3/2014 và phương thức giao đất, cho thuê đất tại Quyết định số 4324/QĐ- UBND ngày 28/8/2015 của UBND TP Hà Nội;
Rà soát, xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và xử lý hơn 37,648 tỷ đồng tiền sử dụng đất tăng thêm của dự án theo quy định của pháp luật để làm cơ sở quyết toán Hợp đồng BT đã ký kết và làm cơ sở cho Tasco thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.
KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC CHỈ TÊN...
Một năm sau, năm 2018, Tasco cũng đã bị Kiểm toán Nhà nước điểm tên trong dự án này. Kết luận đã chỉ ra hàng loạt những sai phạm của Tasco như thiếu năng lực tài chính; thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt là nguyên nhân gây thất thoát ngân sách lớn; thương thảo, kí hợp đồng chưa đảm bảo quy định.
Đồng thời, việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư là trái với qui định của Luật Đất đai; việc không qui định cụ thể thời điểm giao đất dẫn đến có dự án được giao đất trước khi thực hiện dự án BT và dự án này cũng được giao đất đối ứng khi dự án BT chưa hoàn thiện; việc tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án BT dễ dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước.
Kiểm toán Nhà nước cho biết, tại dự án này, Tasco đã thực hiện giá trị hợp đồng BT tạm xác định theo tổng mức đầu tư được duyệt thường cao hơn thực tế thực hiện. Chưa kể, thời gian thi công các dự án BT dài và tiền sử dụng đất tạm tính chưa sát đúng nên giá trị tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp ngân sách nhà nước khi được giao đất đối ứng tại thời điểm thực hiện dự án thường thấp hơn giá trị khi quyết toán công trình BT.
Không những thế, việc xác định giá đất theo phương pháp thặng dư tại Thông tư số 145/2007/TT-BTC ngày 06/12/2007 của Bộ Tài chính và số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép tính chi phí dự phòng trong chi phí phát triển còn bất hợp lý. Cụ thể, không sát hoặc phụ thuộc yếu tố chủ quan dẫn đến giá đất thấp, không sát giá thị trường làm thất thoát lớn tài sản, ngân sách nhà nước.
Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ: “Dự án Khu đô thị mới Xuân Phương mặc dù hợp đồng BT ký thống nhất tiền sử dụng đất đối ứng với giá trị dự án BT theo nguyên tắc ngang giá, cùng thời điểm ký kết hợp đồng BT và giá không đổi nên không có yếu tố dự phòng, nhưng do áp dụng phương pháp thặng dư quy định tại Thông tư số 145/2007/TT-BTC và Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT nên vẫn xác định phí phát triển bao gồm cả dự phòng 323,2 tỷ đồng làm giảm tiền sử dụng đất phải nộp tương ứng 323,2 tỷ đồng”.
Dự án BT đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương (Hà Nội) có điểm đầu là nút giao với đường Lê Đức Thọ và điểm cuối là nút giao với đường 70, đi qua các khu đô thị Mỹ Đình 1 - 2, khu đô thị mới Xuân Phương Tasco… thuộc phường Mỹ Đình, Phương Canh, Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm.
Dự án được khởi công ngày 15/2/2009, tuy nhiên dự án bị giãn tiến độ nhiều năm đến tháng 4/2017 mới hoàn thành. Tổng chiều dài tuyến đường là 3,51km, với tổng mức đầu tư của dự án là 1.543 tỷ đồng.
Để thực hiện dự án này, Tasco được UBND thành phố Hà Nội đối ứng cho 70ha đất gồm: 30 ha đất tại dự án Đơn vị số 1 phường Xuân Phương, 3.000m2 đất tại 48 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) và 38ha đất tại phường Xuân Phương (nay là dự án Xuân Phương Foresa Villa - giải).