Nỗ lực cung ứng đủ vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng

Hiện Bộ Y tế cùng Bộ Tài chính và các địa phương đang tích cực đề xuất với Chính phủ loại bỏ cơ chế mua sắm, đảm bảo cung cấp đủ vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng...

Hiện nay, vaccine 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng bị thiếu trên toàn quốc từ tháng 2/2023. Một số vaccine khác đủ dùng hết tháng 7, 8 hoặc 9. Thêm vào đó, vaccine uốn ván và bại liệt tiêm đủ đáp ứng đến hết năm.

Năm 2023 phải tiêm bù 460.000 liều vaccine

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, cả nước hiện đang triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng khuyến cáo, để phòng ngừa 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bao gồm Viêm gan B, lao cho trẻ sơ sinh, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phế quản não/viêm phổi do vi khuẩn Hib, sởi cho trẻ dưới 1 tuổi và rubella và viêm não Nhật Bản cho trẻ 12 - 24 tháng trên toàn quốc.

Trong đó hầu hết các vaccine được sản xuất trong nước, chỉ có 2 loại vaccine nhập khẩu từ nước ngoài là vaccine phối hợp 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, vaccine viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib và vaccine bại liệt tiêm (IPV).

tiêm chủng mở rộng
Năm 2022, có  87,1% tổng số trẻ em dưới 1 tuổi đã được tiêm đủ mũi vắc xin cơ bản phòng 8 truyền nhiễm nguy hiểm.

Về kết quả, theo báo cáo của các tỉnh/thành phố, năm 2022 trên toàn quốc, 1,2 triệu trong số hơn 1,3 triệu trẻ em dưới 1 tuổi (tương đương 87,1%) được tiêm đủ mũi các vaccine cơ bản phòng 8 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Cùng với tiêm chủng mở rộng, tại một số tỉnh/thành phố có tới 20-35% trẻ em được cha mẹ lựa chọn đi tiêm chủng dịch vụ các vaccine có thành phần tương tự như vaccine 5 trong 1 trong các năm qua. Kết quả năm 2022, tỷ lệ tiêm vaccine 5 trong 1 DPT-VGB-Hib3 đạt 90,6%.

Ngoài ra, trong năm 2022 và đầu năm 2023, Bộ Y tế chỉ đạo các tỉnh/thành phố khẩn trương tổ chức tiêm bù khoảng 460.000 vaccine cho các đối tượng trong năm 2021-2022, tăng cường độ phủ của các loại vaccine cho trẻ em.

Ngoài ra, từ tháng 8/2022, mũi tiêm thứ hai của vaccine IPV dành cho trẻ 9 tháng tuổi đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, với 234.493 trẻ được tiêm giúp tăng cường hiệu quả trong phòng bệnh thất bại liệt.

Tuy đã cố gắng cân đối nguồn cung vaccine, nhưng hiện nay số lượng vaccine phục vụ tiêm chủng không còn nhiều. Bộ Y tế cho biết, chương trình tiêm chủng mở rộng chỉ còn cung ứng đủ số lượng vaccine của năm 2022 đến tháng 7/2023.

Vaccine sởi, sởi - rubella, bOPV đủ dùng hết tháng 7, vaccine viêm gan B, vaccine phòng lao sử dụng đến tháng 8/2023, các vaccine viêm não Nhật Bản, vaccine sởi, rubela… dùng đến quý 3 và quý 4/2023, vaccine uốn ván và bại liệt tiêm thực hiện ở các tuyến đủ đáp ứng đến hết năm 2023.

Đối với vaccine nhập khẩu 5 trong 1 bị thiếu trên toàn quốc từ tháng 2 do năm 2022 đã tiến hành các thủ tục đấu thầu mua sắm vaccine theo quy định tuy nhiên đã không có nhà thầu tham gia. 

Đảm bảo cung cấp vaccine 

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc trên là do cơ chế đấu thầu và nhập khẩu thuốc, cũng như bố trí ngân sách cho y tế dự phòng.

Cụ thể, trong nhiều năm qua, Bộ Y tế đã triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng với 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em và phụ nữ trên cả nước. Giai đoạn 2016-2020, Bộ Y tế được bố trí kinh phí để thực hiện mua sắm tập trung vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng, thuốc kháng lao, thuốc kháng HIV…

Trong đó, với các vắc xin sản xuất trong nước gồm 9 loại, các vắc xin này chỉ có 1 nhà sản xuất trong nước, đây là các đơn vị thuộc Bộ Y tế, nên Bộ đã thực hiện cơ chế đặt hàng với tất cả các loại vắc xin sản xuất trong nước theo đúng quy định.

tiêm chủng mở rộng
Bộ Y tế đang triển khai chiến dịch bổ sung vitamin A cho trẻ em trên toàn quốc, bắt đầu từ ngày Quốc tế thiếu nhi, 1/6

Đối với các vắc xin nhập khẩu, Bộ Y tế đã thực hiện cơ chế mua sắm thông qua tổ chức UNICEF theo hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 của Luật Đấu thầu, hoặc thực hiện đấu thầu tập trung với các loại vắc xin đủ điều kiện có 3 đăng ký trở lên.

Giai đoạn 2021-2022, do chương trình Mục tiêu y tế, dân số theo Quyết định 1125 chỉ được thực hiện hết năm 2020. Đồng thời, theo Luật Đầu tư công sửa đổi 2019 không còn chương trình mục tiêu y tế, dân số mà chỉ còn một số hoạt động lồng ghép vào nội dung chi của ba chương trình mục tiêu quốc gia 2021-2025 và không có nội dung mua vaccine, các nội dung còn lại chuyển thành các nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, các cơ quan trung ương, các địa phương.

Vì vậy, để có lộ trình phù hợp khi chuyển đổi cơ chế từ mua sắm bằng ngân sách Trung ương chuyển giao cho các địa phương triển khai thực hiện, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 129 năm 2020 về phân bổ ngân sách Trung ương 2021. Bộ Y tế được giao nguồn dự toán từ ngân sách Trung ương thực hiện mua sắm để cung ứng vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo cho năm 2021-2022.

Thực hiện nội dung của năm 2023, với mong muốn tiếp tục được thực hiện mua vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, thuốc chống lao, thuốc kháng HIV, vitamin A để phục vụ cho các địa phương như các năm trước, Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Tài chính xây dựng dự toán ngân sách nhà nước 2023.

Trong đó, Bộ có đề nghị bố trí 485 tỷ cho các nhiệm vụ chuyển từ chương trình mục tiêu Y tế - Dân số về nhiệm vụ thường xuyên để mua vaccine tiêm chủng mở rộng.

Hai Bộ Y tế, Tài chính đã có nhiều công văn trao đổi, tuy nhiên, đến nay Bộ Y tế không được bố trí kinh phí mua vaccine năm 2023. 

"Việc bố trí ngân sách trung ương để Bộ Y tế mua vaccine đến thời điểm này là không khả thi. Các địa phương phải triển khai thực hiện từ nguồn ngân sách địa phương là phù hợp khi không còn chương trình mục tiêu Y tế - Dân số", Bộ Y tế khẳng định.

Trả lời về nội dung kinh phí cho Chương trình tiêm chủng được Đại biểu Quốc hội nêu ra trong sáng ngày 1/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết kinh phí tiêm chủng hiện nay được bố trí trong chi thường xuyên. Trong năm 2021 bố trí được 134 tỷ cho tiêm chủng mở rộng; năm 2022 là 178 tỷ. Kinh phí cho năm 2023 hiện Bộ Tài chính đã đang phối hợp với Bộ Y tế để bố trí kinh phí mua vaccine và việc này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai.

Có thể bạn quan tâm