Đáng nói, theo người dân, hiện tượng kính mái hiên rơi vỡ đã từng xảy ra từ hơn một năm trước, và đã được người dân tại đây cảnh báo nhưng không được chủ đầu tư Công ty Cổ phần đầu tư Hải Phát (Công ty Hải Phát) quan tâm, khắc phục. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một phần nhỏ trong nhiều sự việc bức xúc rất lớn chưa được giải quyết triệt để của cư dân tại đây.
Chưa một ngày an cư
Trong nhiều năm qua, tranh chấp xảy ra ở tất cả 3 Block của CT2-A, CT2-B, HHB tại KĐT Tân Tây Đô, nhưng tại Block HHB của chủ đầu tư Công ty Hải Phát tranh chấp xảy ra gay gắt ở nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng nước sạch, hệ thống PCCC không đảm bảo, diện tích phòng sinh hoạt cộng đồng không đủ theo quy định, không có phòng kỹ thuật, lập lờ trong diện tích đất sử dụng chung, chất lượng công trình mới xử dụng nhưng đã xuống cấp… khiến các cư dân tòa HHB và CT2-A, CT2-B vô cùng bức xúc.
Đầu tiên, phải kể đến việc cấp nước uống, sinh hoạt cho tòa nhà HHB và toàn bộ KĐT Tân Tây Đô khi mới vào ở đã bị tố nhiễm độc asen, amomi. Việc đấu tranh của cư dân đã diễn ra trong 4 năm và mới đây vào tháng 10/2018 cư dân ở đây mới được cấp nước mặt Sông Đà để sử dụng.
Tuy nhiên, nỗi bất an về nước sạch của riêng cư dân HHB vẫn còn đó, khi bể nước sạch của tòa nhà đã bị Chủ đầu tư đặt dưới sân Tennis, nằm cạnh bể phốt và bể xử lý nước thải. Theo người dân, hiện nay, vẫn chưa có đơn vị chính thức nào đứng ra cung cấp nước sạch lâu dài cho cả Khu đô thị, nguyên nhân được chỉ ra hệ thống truyền tải nước trong toàn Khu đô thị chưa đảm bảo.
Kính mái hiên của toà nhà HHB, Tân Tây Đô đã tự nổ, vỡ vụn ngày 22/4
Theo anh Nguyễn Ngọc Lam - người dân sống tại tòa nhà HHB, bể nước uống và sinh hoạt nằm ngay cạnh bể phốt, đặt dưới sân Tennis gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước của cư dân, nghiêm trọng hơn, đây là bể nước đa dụng, phục vụ cả PCCC nhưng lại bị ngăn cách, bao quanh bởi hàng rào thép kiên cố, nếu xảy ra việc cháy nổ thì không biết lấy nước ở đâu để dập lửa.
Không những thế, phần diện tích đất sử dụng chung của cư dân HHB - nơi đặt các công trình hạ tầng trọng yếu của Tòa nhà - còn bị Chủ đầu tư chiếm dụng, tự ý thay đổi thiết kế, xây dựng trái phép quán cà phê, bốt điện và cả nhà để ở trục lợi riêng. Việc này đã có kết luận sai phạm của cơ quan chức năng nhưng không hiểu sao đến nay vẫn ngang nhiên tồn tại, bất chấp sự phản ứng của cư dân. Anh Lam lo lắng.
Ngoài ra, về vấn đề an toàn PCCC, không hiểu vì lý do gì đến tận tháng 4/2017 cơ quan quản lý nhà nước về PCCC mới đồng ý cho Chủ đầu tư Hải Phát nghiệm thu tầng hầm và từ tầng 4 trở lên, trong khi Chủ đầu tư Công ty Hải Phát đã bàn giao nhà cho cư dân vào ở từ đầu năm 2015.
Hiện trạng bên trong 3 tầng thương mại của tòa HHB - Khu đô thị Tân Tây Đô (Ảnh chụp ngày 5/5/2019)
Bao giờ hết khổ?
Đến nay, toàn bộ 3 tầng thương mại thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư Hải Phát chưa được lắp đặt bất cứ hệ thống, thiết bị PCCC nào, hơn thế, theo tố cáo của người dân, Chủ đầu tư còn tự ý ngăn tường, thay đổi hoàn toàn so với thiết kế, thẩm duyệt PCCC ban đầu, nhưng cơ quan PCCC vẫn bất lực, không có biện pháp cưỡng chế hay thực hiện các chế tài nào đối với Công ty Hải Phát.
Tòa nhà HHB đã được nghiệm thu PCCC phần diện tích chung cư nhà ở của cư dân, tuy nhiên các tầng 1,2,3 thì vẫn chưa được nghiệm thu. Xác nhận Nghiệm thu PCCC vào ngày 10/4/2017 của Phòng Cảnh sát PC&CC số 13 đã nêu rõ: “Khu vực từ tầng 1 đến tầng 3 phải thi công đảm bảo theo thiết kế thẩm duyệt và được nghiệm thu về PCCC trước khi đi vào sử dụng.”
Đây là vấn đề hết sức khó hiểu, vì nếu cháy ở tầng hầm và 3 tầng thương mại đương nhiên cư dân sẽ không còn đường thoát hiểm, sẽ trực tiếp đe dọa đến tính mạng của hàng ngàn người dân.
3 tầng thương mại chân tòa HHB vẫn chưa được nghiệm thu PCCC, và đang xuống cấp nghiêm trọng (Ảnh chụp ngày 5/5/2019)
Phóng viên đã thực tế tại tòa nhà HHB, hiện nay 3 tầng thương mại chân tòa HHB vẫn chưa hoàn thành, đất đá lởm chởm, trong khi đó người mua nhà đã dọn về sống hơn 5 năm qua.
Chia sẻ với PV, bà Đỗ Thị Cúc, cư dân tòa HHB cho biết, cư dân tại đây nhiều năm qua đã quá khổ sở, gia đình nhà bà đã phải mua từng thùng nước từ bên ngoài để uống, sinh hoạt do nguồn nước có độc, và tình trạng trên mới chỉ được khắc phục phần nào, và không biết đến bao giờ chúng tôi mới hết khổ để an cư lạc nghiệp?.
Được biết, ban đầu chủ đầu tư của dự án KĐT Tân Tây Đô là Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ thương mại Tuấn Quỳnh và Công ty Thành Nhân. Sau đó, dự án được chia làm đôi và bán cho 2 chủ đầu tư thứ cấp là Công ty TNHH Xuân Phương và Công ty Hải Phát.
Cũng xuất phát từ việc mua bán trên, rất nhiều tranh chấp gay gắt đã xảy ra, các công trình như hệ thống cấp nước sạch, bể nước PCCC, hệ thống xử lý nước, trạm điện và các tiện ích… đã bị Chủ đầu tư Hải Phát thay đổi không đúng theo thiết kế ban đầu, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt, gây ảnh hưởng xấu đến quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà.
Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest), tiền thân là công ty Cổ phần Xây dựng – Du lịch Hải Phát, được thành lập năm 2003. Hải Phát Invest là chủ đầu tư của hàng loạt các dự án ở Hà Nội như: Dự án Thuận An Central Lake (Gia Lâm), dự án Tổ hợp Thương mại Dịch vụ và Căn hộ Roman Plaza tọa lạc trên mặt đường Lê Văn Lương kéo dài, dự án Tổ hợp TMDV và căn hộ cao cấp The Pride, dự án Khu đô thị Tân Tây Đô, H.Đan Phượng, dự án Nhà phố thương mại 24h,... |