Ô tô nhập khẩu tăng đột biến dù sức mua đang chững lại

Những dự đoán tích cực cho nửa cuối năm đã tạo động lực mạnh mẽ, khiến kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể…

Ô tô nhập khẩu tăng đột biến dù sức mua đang chững lại

Trong tháng 7/2024, số lượng ô tô nhập khẩu gia tăng đột biến, mặc dù sức mua có dấu hiệu chững lại do tâm lý chờ đợi ưu đãi lệ phí trước bạ và sự e ngại mua xe trong tháng 7 âm lịch của người dùng Việt. Như vậy, đã có 3 tháng liên tiếp nhập khẩu ô tô gia tăng, trong bối cảnh lượng xe lắp ráp trong nước giảm sút.

Thông tin từ Báo cáo sơ bộ của Tổng cục Thống kê, trong tháng 7/2024, thị trường ô tô Việt Nam đã đón nhận khoảng 44.400 xe mới, bao gồm cả xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc, tăng 1,1% so với tháng 6. Điều đáng chú ý là tỷ lệ giữa ô tô nhập khẩu và ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã có sự khác biệt rõ rệt.

Theo đó, số lượng ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước trong tháng 7/2024 ước đạt 27.400 chiếc, giảm 2,1% so với tháng trước, dù vẫn tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng cộng, trong 7 tháng đầu năm 2024, số lượng ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước đạt khoảng 172.200 chiếc, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngược lại với xu hướng giảm nhẹ của ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước, ô tô nhập khẩu lại ghi nhận mức tăng trưởng đột phá. Trong tháng 7/2024, các công ty nhập khẩu đã đưa về khoảng 17.000 ô tô với tổng giá trị đạt 337 triệu USD. So với tháng 6/2024, lượng ô tô nhập khẩu trong tháng 7 tăng 7% và giá trị tăng 8,7%.

Như vậy, ước tính trong 7 tháng đầu năm 2024, số lượng ô tô nhập khẩu đạt khoảng 91.585 chiếc, với tổng giá trị đạt 1.888 tỷ USD, tăng 14,7% về số lượng và 0,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Giá trị trung bình của mỗi chiếc ô tô nhập khẩu trong giai đoạn này rơi vào khoảng 520 triệu đồng, ước tính giảm 12,5% so với năm 2023. Điều này cho thấy các doanh nghiệp nhập khẩu đang ưu tiên đưa về các dòng xe có giá trị thấp hơn.

Điều đáng chú ý là đà tăng trưởng của ô tô nhập khẩu diễn ra ngay trong bối cảnh sức mua trên toàn thị trường vẫn duy trì ở mức thấp và chưa có dấu hiệu bứt tốc.

Đối chiếu với thông tin từ Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam, tổng doanh số ô tô trên thị trường (không tính Hyundai và VinFast) trong nửa đầu năm nay đạt khoảng 134.884 chiếc, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước.

ttxvn-xe-dien-4473202404100803395269270-514.jpg

Các chuyên gia trong ngành ô tô cho rằng, sự gia tăng đơn hàng nhập khẩu gần đây là do các dự báo tích cực về sức mua trong nửa cuối năm 2024. Các chỉ số kinh tế vĩ mô, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp đã tạo ra những kỳ vọng tích cực về tương lai.

Bên cạnh đó, đà tăng trưởng của ô tô nhập khẩu còn được thúc đẩy bởi sự gia nhập của nhiều thương hiệu Trung Quốc như BYD, Lynk & Co, Omoda và Jeacoo. Số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm 2024, lượng ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng mạnh 117%, trong khi giá trị cũng ghi nhận mức tăng 57,8% so với cùng kỳ năm trước.

Người tiêu dùng Việt Nam đang dần ưa chuộng ô tô nhập khẩu hơn xe sản xuất trong nước, nhờ vào nhiều ưu đãi và giá cả hấp dẫn. Các mẫu xe nhập khẩu không chỉ đa dạng về kiểu dáng và thương hiệu mà còn thường có giá hợp lý hơn, đặc biệt là các xe nhập từ Thái Lan và Indonesia với thuế nhập khẩu 0%.

Thêm vào đó, tâm lý chờ đợi ưu đãi phí trước bạ cho xe nội cũng đã làm chậm lại doanh số của các mẫu xe lắp ráp trong nước trong ba tháng qua.

Sự ưa chuộng đối với xe nhập khẩu đang gây áp lực lớn cho các nhà sản xuất xe lắp ráp trong nước, đặc biệt là khi các doanh nghiệp nhập khẩu đang tận dụng tối đa các lợi thế để gia tăng sức ép cạnh tranh trong những tháng cuối năm.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Hành trình điện hóa của ngành ô tô Việt

Hành trình điện hóa của ngành ô tô Việt

Thị trường ôtô Việt Nam đang bùng nổ với xu hướng điện hóa, đặc biệt là sự ra đời của xe hybrid và xe thuần điện, hứa hẹn một tương lai bền vững và đổi mới cho ngành ô tô Việt…