Ô tô nhập khẩu tiếp tục ‘kêu cứu’ sau Nghị định 116

Nghị định 116 và Thông tư 41 đến nay vẫn tạo ra không ít rào cản đối với ô tô nhập khẩu.
Ô tô nhập khẩu tiếp tục ‘kêu cứu’ sau Nghị định 116

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định số 116/2017/NĐ-CP, ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra theo quy định đối với từng lô xe nhập khẩu. Mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại ô tô trong lô xe nhập khẩu phải được kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật theo quy định.

Sau khi Nghị định 116 được ban hành và có hiệu lực đối với ô tô nhập khẩu từ ngày 01/01/2018, các doanh nghiệp đã nỗ lực triển khai đáp ứng các yêu cầu đưa ra.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lại gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là với yêu cầu thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu, báo cáo của nhóm công tác ô tô – xe máy trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2019 cho biết.

Gánh nặng phát sinh khi cùng một kiểu loại xe nhập khẩu, không có điểm nào khác biệt về thông số kỹ thuật mà vẫn phải thử nghiệm khí thải và an toàn theo từng lô hàng dẫn đến thời gian cần để hoàn thành thử nghiệm, chứng nhận cho lô sản phẩm khá dài.

Việc này làm tăng chi phí và khách hàng mua xe đang phải chờ đợi trong thời gian dài.

Nhóm công tác kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét sửa đổi các quy trình kiểm tra thử nghiệm xe ô tô nhập khẩu theo hướng áp dụng quản lý trên cơ sở đánh giá mức độ rủi ro của hàng hóa và mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Ví dụ, việc thử nghiệm khí thải và an toàn chỉ phải áp dụng cho mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại xe ở lô hàng nhập khẩu đầu tiên.

Báo cáo thử nghiệm này được chấp nhận cho các lô hàng tiếp theo của cùng kiểu loại mà không cần thử nghiệm lại dựa trên khả năng đáp ứng các điều kiện đánh giá mức độ rủi ro của hàng hóa và tuân thủ của doanh nghiệp.

Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) trong báo cáo tại VBF cũng chỉ ra rằng, dự thảo Thông tư mới nhất về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất và lắp ráp ô tô theo quy định tại Nghị định 116 cho thấy các rào cản kỹ thuật đối với thương mại vẫn đang tiếp diễn.

Quy trình đăng kiểm áp dụng cho xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) đang gây ra những trở ngại đối với thương mại liên quan đến vấn đề an toàn như tốn kém chi phí, mất nhiều thời gian và không cần thiết.

Hiệp hội này đề xuất chỉ kiểm tra mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại xe đối với tất cả các lô hàng thay vì áp dụng cho từng lô xe nhập khẩu và việc kiểm tra mẫu ô tô đại diện này chỉ nên được thực hiện lần đầu tiên cho mỗi kiểu loại xe.

Ngoài Nghị định 116, Thông tư 41/2018/TT-BGTVT, Thông tư về danh mục các mặt hàng có khả năng không an toàn thuộc quyền quản lý của Bộ Giao thông Vận tải cũng khiến các nhà doanh nghiệp ô tô nước ngoài gặp không ít khó khăn.

Thông tư 41 quy định rằng xe và các linh kiện, phụ tùng an toàn (sử dụng cho mục đích sản xuất và dịch vụ) phải được chứng nhận và/hoặc khả năng tương thích với quy định kỹ thuật của chúng được công bố sau khi thông quan, nhưng trước khi được bán ra thị trường.

Quy trình này được áp dụng trên cả sản phẩm sản xuất nội địa và nhập khẩu.

Theo báo cáo của EuroCham, quy trình thử nghiệm Thông tư 41 vẫn chưa rõ ràng nhưng các nhà nhập khẩu CBU vẫn phải thực hiện nghĩa vụ pháp lý theo quy định tại Nghị định 116 trong việc tiến hành dịch vụ sửa chữa và bảo hành cho khách hàng tại Việt Nam.

Toàn bộ lô hàng phụ tùng nhập khẩu bao gồm các phụ tùng, linh kiện chịu ảnh hưởng theo quy định của Thông tư 41 đều bị hoãn lại mà không có lý do, kéo theo sự chậm trễ và chi phí cho khách hàng Việt Nam.

Trong khi đó, khách hàng đang có yêu cầu sửa chữa không thể chờ kiểm tra và đăng kiểm cho từng phụ tùng để phục hồi xe của mình.

Giải pháp tạm thời cho phép nhập khẩu các phụ tùng để cung cấp cho các xe với cam kết sẽ phải thực hiện các yêu cầu thử nghiệm và đăng kiểm trong tương lai không phải là một giải pháp lâu dài.

“Mặc dù đã có yêu cầu sự giải thích chính thức từ Bộ Giao thông Vận tải, các nhà nhập khẩu CBU vẫn đang đối mặt nguy cơ ngày càng tăng trong việc không tuân thủ khi thử nghiệm và đăng kiểm được làm rõ hiệu lực hồi tố”, báo cáo chỉ rõ.

Đại diện cho các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh việc thực hiện lặp lại quy trình đăng kiểm đối với các phụ tùng, linh kiện tương tự nhau cũng sẽ không mang lại thêm sự an toàn cho các phương tiện tại Việt Nam.

Do đó, không cần thiết áp dụng lại quy trình đăng kiểm cho tất cả các phụ tùng đã được lắp đặt sẵn trong tất cả các mẫu xe CBU đã có chứng nhận đăng kiểm bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam.

EuroCham đề xuất xem xét sửa đổi Thông tư 41 để bãi bỏ hoặc hạn chế áp dụng Thông tư 41 trên các phụ tùng, linh kiện không được tích hợp sẵn trong các mẫu xe CBU đã được duyệt đăng kiểm bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Thep Phương Dung/TheLEADER

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...