Ô tô Trung Quốc sắp tràn ngập đường phố Việt Nam, các hãng từ nhập khẩu nguyên chiếc sang lắp ráp tại chỗ cho nhanh

Trước đây, các hãng ô tô Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các hãng này đã bắt đầu có xu hướng chuyển sang lắp ráp tại thị trường trong nước...

dat3401-6550.jpg

Thị trường ô tô Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, với nhu cầu tiêu thụ ô tô ngày càng tăng cao. Điều này đã thu hút sự quan tâm của nhiều hãng ô tô, trong đó có các hãng ô tô Trung Quốc.

ĐẨY MẠNH LẮP RÁP TẠI VIỆT NAM

Mới đây, bộ đôi đến từ thương hiệu ô tô Trung Quốc mẫu MPV Haima 7X và 7X-E đã chính thức ra mắt tại Việt Nam. Đại diện Haima Auto cho biết hãng đã lên kế hoạch ba bước phát triển tại thị trường Việt Nam cùng với đối tác CarVivu.

Cụ thể, Haima sẽ hợp tác với CarVivu để quảng bá thương hiệu tại Việt Nam với việc nhập khẩu ba mẫu xe 7X, 7X-E và 8S.

Bước hai, Haima sẽ bắt đầu dự án hợp tác lắp ráp xe sử dụng năng lượng mới tại Việt Nam, để giảm giá thành sản phẩm và tăng tính cạnh tranh của Haima trên thị trường.

Cuối cùng, Haima sẽ tận dụng các chính sách tự do thương mại và ưu đãi thuế quan RCEP để thiết lập cơ sở lắp ráp tại Việt Nam làm trục chiến lược. Từ đây, Haima sẽ tiếp tục mở rộng thị trường sang các nước Đông Nam Á khác.

CarVivu cũng đã kí kết hợp tác chiến lược cùng Hà Thành Garage - một trong những hệ thống chăm sóc và sửa chữa ô tô lớn nhất miền Bắc nhằm phát triển hệ thống bảo hành bảo dưỡng toàn diện sau bán hàng. Hiện tại, thương hiệu đã phát triển 19 cơ sở. Mục tiêu trong năm 2025, Hà Thành Garage sẽ mở mới 50 chi nhánh trên toàn quốc.

Haima Việt Nam cũng đã ký kết hợp tác cùng Ever EV - nhà phân phối thiết bị sạc ô tô hàng đầu Việt Nam, nhằm cung cấp cho khách hàng hệ sinh thái đầy đủ khi sử dụng ô tô điện. Với mục tiêu “phủ xanh” Haima Việt Nam dự kiến phát triển lên tới 1.000 trạm sạc trong 3 năm tới.

Trước đó vào đầu tháng 11/2023, Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery, Trung Quốc) đã ký kết về Dự án đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp, sản xuất ô tô tại khu công nghiệp Hưng Phú nằm trong Khu Kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô có tổng vốn đầu tư cho 3 giai đoạn của Dự án khi đạt công suất 200.000 xe/năm (chưa bao gồm đầu tư khu công nghiệp phụ trợ) ước tính khoảng 800 triệu USD. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 sản xuất 50.000 xe/năm sẽ hoàn thành vào quý 3/2025 và nhà máy đi vào sản xuất hàng loạt từ quý 4/2025.

Ông Trương Quý Binh, Tổng Giám đốc Công ty Chery Quốc tế cho biết, tổng sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn năm 2022 đạt 1,25 triệu xe và từ đầu năm 2023 đến nay tiêu thị hơn 1,2 triệu xe. Tập đoàn sẽ đầu tư 2 thương hiệu ô tô tại Thái Bình là ô tô Omoda và Jaecoo.

Vào tháng 2/2023, TMT Motors đã ký kết hợp tác chiến lược với liên doanh General Motors (GM) – (SAIC – WULING), để sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền ô tô điện của GM – (SAIC – WULING) tại Việt Nam.

Theo đó, liên doanh GM – (SAIC – WULING) cung cấp linh kiện, ủy quyền cho TMT Motors độc quyền sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng ô tô điện thương hiệu Wuling tại Việt Nam.

6333547-wuling-hongguang-miniev-5596.jpg
Chiếc ô tô điện mini đầu tiên được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam HongGuang MiniEV có giá từ 239 triệu đồng

Sản phẩm đầu tiên được triển khai và ra mắt thị trường Việt Nam là Wuling HongGuang MiniEV – mẫu ô tô điện mini bán chạy nhất thế giới trong 3 năm 2020, 2021, 2022.

Mẫu xe nói trên sẽ được lắp ráp tại nhà máy ô tô của TMT tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, với công suất 30.000 xe/năm và có thể được gia tăng trong tương lai, khi TMT Motors cũng đang nghiên cứu và cân nhắc giới thiệu thêm các mẫu ô tô điện chất lượng khác, theo lộ trình hợp tác chiến lược với liên doanh GM – (SAIC – WULING).

Sau hơn nửa năm hợp tác chiến lược, vào cuối tháng 9/2023, chiếc ô tô điện mini đầu tiên được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam HongGuang MiniEV đã được giao đến những khách hàng đầu tiên với mức giá từ 239-282 triệu đồng.

Việc các hãng ô tô Trung Quốc tìm cách lắp ráp tại Việt Nam sẽ có tác động lớn đến thị trường ô tô Việt Nam trong thời gian tới. Đây là cơ hội để các hãng xe Trung Quốc tăng sức cạnh tranh trên thị trường ô tô Việt Nam, đồng thời mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và nền kinh tế Việt Nam.

SỨC HÚT CỦA THỊ TRƯỜNG Ô TÔ VIỆT

Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bao gồm cả loại hình xe được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời và loại hình xe được sản xuất, lắp ráp từ xe sát xi cơ sở hoặc xe mới khác đã tăng thấy rõ.

Năm 2018, số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt 287.586 xe. Năm 2019, số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước là 339.151 xe và năm 2020, số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước là 323.892 xe. Năm 2022, sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước là 439.600 xe, tăng 14,9% so với năm 2021.

Bộ Công Thương nhận định, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có khoảng trên 40 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô bao gồm ô tô con, ô tải, ô tô khách, ô tô chuyên dùng và ô tô sát xi. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu.

ttxvnvinfast-16484369506561888681072-8401.jpg
Nhiều chính sách hỗ trợ đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước trong năm 2023

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, đến cuối 2022, các doanh nghiệp cung ứng linh kiện đạt tiêu chuẩn nhà cung ứng cấp 1 của Việt Nam cho các hãng ô tô lớn bình quân lên tới hơn 400 doanh nghiệp, tăng hơn 200% so với năm 2016, với sản lượng tăng từ 120.000 xe lên thành 500.000 xe. Điều này đã khẳng định sức hút của thị trường ô tô đầy tiềm năng và dự kiến đạt hơn 1 triệu xe vào năm 2025.

Số liệu dự báo của Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), quyền sở hữu sẽ đạt một triệu ô tô vào năm 2028, đạt 3,5 triệu ô tô vào năm 2040, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những quốc gia thành viên ASEAN đầu tiên đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và sản xuất xe điện ngày càng tăng.

Để giảm giá thành ô tô và kích cầu tiêu dùng, tăng doanh số bán hàng. Ngày 28/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2023/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước.

Theo đó, kể từ ngày 1/7/2023 đến hết năm 2023, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ.

Việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường, kích thích người tiêu dùng mua sắm. Chính sách này được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước do tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, từ đó, cũng góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách cho Nhà nước. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước lần này dù đã có tác động nhất định tới việc tăng sức mua, nhưng vẫn chưa mang lại khối lượng tiêu thụ và doanh số bán hàng như kỳ vọng.

Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA)

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2023/NĐ-CP ngày 21/6/2023 về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, 7, 8, 9/2023 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Theo Bộ Tài chính nhận định, tổng số thuế được gia hạn khoảng 11.000 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp vượt khó.

Hiện nay, các chính sách của Chính phủ ưu đãi cho xe điện đã đưa mức thu lệ phí trước bạ của xe ô tô điện chạy pin về mức 0% trong vòng 3 năm (từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2025). Mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô điện chạy pin cũng giảm từ 15% xuống còn 3% (có hiệu lực đến hết tháng 2/2027).

Theo chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe và máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

10 mẫu xe hơi tốt nhất năm 2024

10 mẫu xe hơi tốt nhất năm 2024

Giải thưởng thường niên của Car and Driver (một tạp chí nghiên cứu xe hơi nổi tiếng) đã lựa chọn 10 mẫu xe của năm 2024 đáp ứng được mục đích, mang lại giá trị đáng kinh ngạc và trải nghiệm lái tuyệt vời...

Tổng thống Bulgaria đến thăm và làm việc tại tổ hợp nhà máy VinFast Hải Phòng

Tổng thống Bulgaria đề nghị Vinfast sớm bán ô tô điện và đầu tư sản xuất tại Bulgaria

Một bước tiến mới trong quá trình mở rộng thị trường quốc tế, VinFast vừa nhận được lời mời hợp tác đầy hấp dẫn từ Bulgaria, Tổng thống Bulgaria đã chính thức đề nghị hãng xe Việt Nam sớm đưa sản phẩm ô tô điện vào thị trường này và thậm chí còn mở rộng đầu tư sản xuất...

Khách hàng Indonesia nhận bàn giao VF 5 trong khuôn khổ sự kiện Gaikindo Jakarta Auto Week 2024

Vinfast chính thức bàn giao ô tô điện VF 5 tại Indonesia

Indonesia, một trong những thị trường ô tô lớn nhất Đông Nam Á, đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ sang xe điện. VinFast đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này khi chính thức bàn giao mẫu ô tô điện VF 5 tại đây...

Tân CEO toàn cầu của Hyundai, ông Jose Munoz tại buổi ra mắt mẫu IONIQ 9 ở California (Mỹ)

Hyundai trình làng mẫu IONIQ 9 hoàn toàn mới

Hyundai Motor vừa ra mắt mẫu SUV điện ba hàng ghế IONIQ 9, nhắm đến phân khúc xe gia đình cỡ lớn với tiềm năng lợi nhuận cao trong tương lai. Với phạm vi hoạt động vượt trội và khả năng sạc nhanh, mẫu xe này dự kiến sẽ cạnh tranh mạnh mẽ tại thị trường Mỹ và Hàn Quốc từ đầu năm sau…

Cuộc đua sở hữu siêu du thuyền xa xỉ của các tỷ phú công nghệ

Cuộc đua sở hữu siêu du thuyền xa xỉ của các tỷ phú công nghệ

Sở hữu siêu du thuyền không chỉ là một thú chơi xa xỉ mà còn là biểu tượng của quyền lực và đẳng cấp trong giới siêu giàu công nghệ. Từ Jeff Bezos, Mark Zuckerberg cho đến Larry Ellison, họ đều không ngại ngần đầu tư hàng trăm triệu USD cho những “cung điện” trên biển của mình…

Những mẫu xe “cực ngầu” trong thập kỷ “buồn tẻ”

Những mẫu xe “cực ngầu” trong thập kỷ “buồn tẻ”

Chúng ta thường không nhìn lại những năm 1970 với các mẫu xe có thiết kế tuyệt vời bởi đây là "Thời kỳ bất ổn" do cuộc khủng hoảng dầu mỏ và luật khí thải ống xả khiến nó bị gán cho cái mác “Thập kỷ buồn tẻ”...