Thị trường đang phát triển "nóng" các dự án bất động sản giá trung và cao cấp
Trọng tâm phát triển nhà ở xã hội
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng từng có một nhiệm kỳ Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Xây dựng nên ông nắm rõ tình hình, những khó khăn thách thức của thị trường bất động sản kể từ cuộc suy thoái năm 2011. Khi “bong bóng” bất động sản xì hơi đã gây ra nợ xấu rất lớn cho hệ thống ngân hàng. Và đến giờ, nguy cơ rủi ro dư thừa nguồn cung lặp lại tiếp tục được nhận diện và cảnh báo sớm.
Theo ông Dũng, thị trường bất động sản hiện đang có biểu hiện lệch pha cung - cầu ngày càng lớn hơn. Trong đó, các doanh nghiệp đang tập trung phát triển sản phẩm ở phân khúc trung bình và cao cấp, mà “bỏ quên” phân khúc nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội. Sự lệch pha cung- cầu phản ánh rõ nhất ở các đô thị lớn, mà trong năm 2016, hàng loạt dự án cao cấp được tái khởi động, đầu tư mới, mở bán rầm rộ…
“Hiện đang có tình trạng đầu tư rất mạnh vào đô thị, cần phải hết sức thận trọng. Nếu không quản lý chặt chẽ sẽ dẫn tới “bong bóng” bất động sản, dư thừa nguồn cung”, ông Dũng cảnh báo.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cảnh báo dư thừa nguồn cung bất động sản tại hội nghị tổng kết năm 2016 của Bộ Xây dựng ngày 6/1
Phó thủ tướng cho rằng, ngành xây dựng phải tập trung quản lý và hướng thị trường phát triển theo đúng nhu cầu của người dân, của nền kinh tế. Quan điểm sẽ không phát triển bất động sản với bất kỳ giá nào để tạo ra những sản phẩm không có người mua hoặc vượt quá xa khả năng thanh toán của người dân. Đặc biệt, phải coi phát triển nhà ở xã hội là trọng tâm.
“Tôi đánh giá cao một số doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản đã tuyên bố tham gia phát triển nhà ở xã hội. Năm 2017, Bộ Xây dựng cần tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội, nhất là tại các đô thị lớn, các khu chế xuất, khu công nghiệp, nhà ở cho người nghèo, nhà ở cho người có công, nhà ở phòng chống thiên tai tại ĐBSCL, miền Trung”, Phó Thủ tướng nói.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phải kiên trì các giải pháp kiểm soát thị trường bất động sản, tập trung tái cấu trúc thị trường với xây dựng chiến lược nhà ở quốc gia, kế hoạch phát triển nhà ở các địa phương theo dài hạn, trung hạn.
Chấn chỉnh quản lý đô thị
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, yếu kém mà ngành xây dựng cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Thời gian qua, người dân và báo chí liên tục phản ánh về thực trạng xây dựng trái phép, mất an toàn cháy nổ, chất lượng các dự án yếu kém ảnh hưởng tới tính mạng của người dân… Trong khi đó, giá bất động sản cũng tăng cao do sự đầu tư kém hiệu quả, thất thoát lãng phí, hay đầu cơ “thổi” giá.
Một vấn đề “nóng” là công tác quản lý đô thị còn lúng túng, mà ông Dũng cho rằng, “hiện vẫn rất thiếu vai trò như một nhạc trưởng, một đốc công trong lĩnh vực quản lý đô thị”.
Thực tế, chính quyền các đô thị đang đau đầu tìm cách giải bài toán ùn tắc giao thông, hạ tầng quá tải, xuống cấp… Vấn đề giải quyết ùn tắc giao thông, theo ông Dũng không chỉ là tập trung đầu tư hạ tầng mạnh, kiểm soát giao thông tốt là xong. Vì nếu càng đầu tư mạnh vào Hà Nội, Tp.HCM thì hai đô thị này càng hấp dẫn, càng thu hút dân di cư.
Thay vào đó, về tầm nhìn dài hạn cần có quy hoạch xây dựng tổng thể hệ thống đô thị quốc gia, để tạo ra những đô thị hấp dẫn hơn, nhiều việc làm giúp giảm tải cho đô thị lớn.
Thừa nhận quy hoạch đô thị lớn còn nhiều lỗ hổng, khiếm khuyết, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh, “làm quy hoạch không tốt sẽ dẫn tới nhiều hệ luỵ khi mà xu hướng đô thị hóa là tất yếu”. Nếu không tính toán quy hoạch tốt và đảm bảo hạ tầng giao thông, bảo vệ môi trường… thì sẽ phải trả giá đắt.
Còn vấn đề giảm ách tắc nội đô, chủ trương di chuyển nhà máy, trường học, bệnh viện, trụ sở bộ ngành ra ngoại thành gặp khó khăn khi thực hiện, cần có phương án phù hợp, tránh xung đột.
Ngọc Quang