Những hành động cuối cùng của hai ứng viên Tổng thống Mỹ trước “giờ G”

Trong khi ông Trump tập trung vào vấn đề kinh tế và an ninh, bà Harris kêu gọi ủng hộ từ cộng đồng thiểu số và cam kết sẽ là tổng thống vì mọi người dân Mỹ…

Những hành động cuối cùng của hai ứng viên Tổng thống Mỹ trước “giờ G”

Cả ông Donald Trump và bà Kamala Harris đều tự tin về chiến thắng của mình khi họ hoàn tất chiến dịch vận động tranh cử tại bang Pennsylvania vào thứ Hai, ngày cuối cùng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 5/11 đầy căng thẳng và kịch tính.

Các cuộc khảo sát dư luận cho thấy ông Donald Trump (78 tuổi) và bà Kamala Harris (60 tuổi) đang có được sự ủng hộ ngang nhau.

Kết quả cuối cùng có thể sẽ không được công bố ngay sau ngày bầu cử vào thứ Ba. Do đó, cả hai ứng cử viên đều đã dồn tâm sức vào Pennsylvania để kêu gọi các cử tri chưa bỏ phiếu đến tham gia Ngày Bầu cử, vì Pennsylvania có số phiếu lớn nhất trong Đại cử tri đoàn trong số bảy bang chiến trường.

Tại Pittsburgh (Pennsylvania), ông Donald Trump xuất hiện trước đám đông lớn và đưa ra thông điệp kết thúc chiến dịch, hay còn được gọi là thông điệp cuối cùng trước Ngày Bầu cử. "Chúng ta đã chờ đợi bốn năm cho khoảnh khắc này”, ông Trump chia sẻ.

"Một lá phiếu cho Trump có nghĩa là giá thực phẩm của bạn sẽ rẻ hơn, mức lương của bạn sẽ cao hơn, các con phố sẽ an toàn hơn, cộng đồng của bạn sẽ giàu có hơn, và tương lai của bạn sẽ tươi sáng hơn bao giờ hết”, đại diện đảng Cộng hoà nhấn mạnh về các vấn đề kinh tế, đồng thời nói thêm rằng nếu bà Harris chiến thắng thì nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào khủng hoảng.

Trong khi đó, tại Allentown (Pennsylvania), bà Kamala Harris cam kết sẽ trở thành tổng thống của tất cả người dân Mỹ khi bà kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng người Puerto Rico ở thành phố này. Sau đó, bà Harris cũng gặp gỡ cử tri tại nhà hàng Puerto Rico ở Reading và đi gõ cửa thăm nhà một số người dân.

Nhìn chung, cả hai ứng viên đều tỏ ra khá lạc quan về khả năng chiến thắng của mình.

Nhóm vận động của bà Harris cho biết các tình nguyện viên đã gõ cửa hàng trăm nghìn hộ gia đình ở các bang chiến trường trong suốt cuối tuần qua. Họ cũng tiết lộ, dữ liệu nội bộ cũng cho thấy các cử tri chưa quyết định đang có xu hướng nghiêng về phía họ, và trong các nhóm cử tri chủ chốt của họ, bao gồm nhóm trẻ tuổi và nhóm da màu, số lượng cử tri đi bầu cũng đang tăng lên nhanh chóng.

Theo ông Tom Bonier, giám đốc điều hành của công ty phân tích dữ liệu TargetSmart của Đảng Dân chủ, tỷ lệ bầu cử sớm cho thấy sự nhiệt tình cao trong các nhóm cử tri thiên về Đảng Dân chủ, đặc biệt là phụ nữ. Ông chỉ ra rằng không có dấu hiệu nào cho thấy một làn sóng tương tự trong nhóm cử tri nam giới trẻ - nhóm mục tiêu quan trọng trong chiến dịch của ông Trump.

Về phía mình, các quan chức trong đội ngũ của ông Donald Trump nói rằng họ theo dõi thấy có nhiều phụ nữ đi bỏ phiếu hơn nam giới. Điều này đáng chú ý vì bà Harris đang dẫn trước ông Trump với tỷ lệ 50% - 38% trong số các cử tri nữ đã đăng ký, theo khảo sát Reuters/Ipsos vào tháng 10, trong khi ông Trump dẫn trước 48% so với 41% của bà Harris trong số các cử tri nam.

Ngoài ra, chiến dịch của ông Trump còn phối hợp với một số đơn vị bên ngoài, bao gồm cả một nhóm do tỷ phú công nghệ Elon Musk điều hành, tập trung liên hệ với những người ủng hộ không tham gia bầu cử thường xuyên, thay vì các cử tri chưa quyết định.

Một thẩm phán ở Pennsylvania đã ra phán quyết cho phép Elon Musk tiếp tục chương trình tặng quà trị giá 1 triệu USD cho cử tri tại bang này, mặc dù một công tố viên địa phương cho rằng đây là một hình thức xổ số bất hợp pháp.

Ngoài ra, một số quan chức trong chiến dịch của ông Trump tự tin rằng Đảng Cộng hoà sẽ chiến thắng ở Nevada, North Carolina, Georgia và Arizona, nhưng vẫn cần giành được một trong các bang chiến trường ở vùng Rust Belt - gồm Michigan, Wisconsin hoặc Pennsylvania - để giành được Nhà Trắng.

Ông Donald Trump đã vận động tại North Carolina, Pennsylvania, Michigan trong ngày cuối cùng của chiến dịch và dự kiến sẽ trở về nhà ở Palm Beach (Florida) để bỏ phiếu và chờ kết quả bầu cử.

Trong khi đó, bà Kamala Harris cũng lên kế hoạch cho 5 điểm dừng tại Pennsylvania và kết thúc ngày vận động với một cuộc mít tinh tại Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia, với sự góp mặt của Lady Gaga, Ricky Martin và Oprah Winfrey.

Cuộc bầu cử năm nay đã chứng kiến nhiều tình huống bất ngờ: hai vụ ám sát nhắm vào ứng viên Đảng Cộng hoà, một bản án hình sự đối với ông Donald Trump và sự thăng tiến bất ngờ của Phó Tổng thống Đảng Dân chủ Kamala Harris lên vị trí ứng cử viên tổng thống sau khi ông Joe Biden từ bỏ chiến dịch tái tranh cử dưới sức ép từ Đảng Dân chủ. Theo công ty phân tích AdImpact, hơn 2,6 tỷ USD đã được chi cho các chiến dịch vận động và thuyết phục cử tri kể từ tháng 3/2024.

Xem thêm

Giới tài phiệt Mỹ đang nghiêng về "đội Trump" hay "đội Harris"?

Giới tài phiệt Mỹ đang nghiêng về "đội Trump" hay "đội Harris"?

Nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn đã công khai lên tiếng ủng hộ các ứng viên tổng thống Mỹ trong cuộc đua 2024. Điều này một lần nữa thể hiện rõ mối quan tâm và sự đồng tình của giới kinh doanh Mỹ đối với các chính sách kinh tế mà mỗi ứng viên đại diện…

Có thể bạn quan tâm

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Bitcoin rơi xuống ngưỡng 97.000 USD

Tiền điện tử chứng kiến đà sụt giảm mạnh trong phiên khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao đã gây áp lực lên nhóm các tài sản rủi ro…

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Tiền điện tử mơ về một kỷ nguyên vàng thời "Trump 2.0"

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, cùng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội, có thể dẫn đến cách tiếp cận ít can thiệp hơn đối với các loại tiền điện tử như bitcoin...

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Năm 2025, bạc vẫn sẽ lấp lánh hơn cả vàng

Dù còn phải đối mặt với nhiều biến động, nhưng triển vọng giá bạc được các chuyên gia dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm tới nhờ nhu cầu công nghiệp và nguồn cung hạn chế…