Ngay sau khi phát hiện các sản phẩm bột ngọt Ajinomoto giả mạo, lực lượng chức năng tỉnh này đã lập biên bản tạm giữ và niêm phong toàn bộ tang vật để tiếp tục xác minh làm rõ và xử lý theo các quy định của luật pháp.
Tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh cho hay, ngày 15/2/2023 Đội Quản lý thị trường số 3 thực hiện kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với một cơ sở kinh doanh trên địa bàn xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu.
Qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng của Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh phát hiện hộ kinh doanh đang kinh doanh rất nhiều sản phẩm bột ngọt loại 454gr và 01 túi bột ngọt loại 01kg có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Ajinomoto.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ hộ kinh doanh chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa trên. Do đó, lực lượng chức năng đã tiến hành các thủ tục hành chính như đã nói ở trên.
Trong một diễn biến liên quan, hồi giữa năm 2022 Thương gia online cũng đã thông tin Đội Quản lý thị trường số 1 - Cục Quản lý thị trường Long An kiểm tra, phát hiện một đối tượng bày bán hàng trăm gói bột ngọt loại 454g và loại 1kg thuộc tại địa bàn huyện Đức Hòa. Qua kiểm tra, đối tượng đang bán bột ngọt nhãn hiệu Ajinomoto của Công ty Ajinomoto Việt Nam có dấu hiệu vi phạm.
Sau khi thu giữ, lực lượng chức năng của Cục Quản lý thị trường Long An đã làm việc với phía đại diện của Công ty Ajinomoto Việt Nam. Sau đó, phía Công ty Ajinomoto Việt Nam có văn bản xác nhận số lượng bột ngọt nhãn hiệu Ajinomoto do lực lượng chức năng của Cục Quản lý thị trường Long An tạm giữ là loại bột ngọt giả mạo nhãn hiệu Ajinomoto theo giấy đăng bạ nhãn hiệu hàng hóa quốc gia được Cục sáng chế, nay là Cục Sở hữu trí tuệ cấp và gia hạn đến ngày 01/04/2025.
Theo tìm hiều, hiện nay pháp luật nước ta nghiêm cấm các hành vi mua bán, sản xuất hàng giả, hàng nhái dưới mọi hình thức. Điều này nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh hợp pháp.
Căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hay phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Về xử phạt hành chính hành, theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì mức xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tùy vào giá trị thực tế của hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật.
Trong khi đó, Điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ quy định cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.
Cụ thể, trường hợp mua bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017). Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm.