Phố Wall lao dốc sau cảnh báo của Fed và lựa chọn nội các của ông Donald Trump

Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm vào thứ Sáu, với S&P 500 và Nasdaq chịu mức giảm một ngày lớn nhất trong vòng hai tuần. Nguyên nhân xuất phát từ lo ngại về việc cắt giảm lãi suất chậm hơn dự kiến và phản ứng của nhà đầu tư trước những lựa chọn nội các của Tổng thống đắc cử Donald Trump…

Kết thúc phiên 15/11, chỉ số Dow Jones giảm 305,87 điểm (-0,70%) xuống 43.444,99 điểm, S&P 500 mất 78,55 điểm (-1,32%) còn 5.870,62 điểm và Nasdaq trượt 427,53 điểm (-2,24%) thành 18.680,12 điểm.

Công nghệ thông tin là lĩnh vực có mức giảm mạnh nhất (-2,5%) trong số các nhóm ngành thuộc S&P 500. Cổ phiếu Moderna giảm 7,3%, Pfizer mất 4,7%, khiến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trượt 1,88% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5 với chuỗi năm ngày giảm liên tiếp. Tiêu dùng thiết yếu giảm 0,8% do hàng loạt cổ phiếu biến động, ví dụ như Monster Beverage giảm 7%, Lamb Weston mất 6%, và Keurig Dr Pepper trượt 5% xuống mức thấp nhất từ tháng 4.

Chỉ số Russell 2000, đại diện cho các công ty vốn hoá nhỏ, mất 1,4% trong phiên giảm thứ tư liên tiếp.

Chỉ số Philadelphia Semiconductor giảm 3,4%, trong đó cổ phiếu Applied Materials trượt 9,2% vì dự báo doanh thu quý đầu thấp hơn kỳ vọng của thị trường.

Cổ phiếu các công ty sản xuất vaccine và thực phẩm chế biến cũng mất đà sau khi ông Donald Trump cho biết sẽ bổ nhiệm ông Robert F. Kennedy Jr., người từ lâu đã chỉ trích vaccine và thực phẩm chế biến, làm Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh.

Về khía cạnh kinh tế, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell đã phát biểu vào một ngày trước đó rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng tốt, thị trường việc làm ổn định và lạm phát vẫn trên mục tiêu 2%; do đó, Fed sẽ cần phải thận trọng hơn trong việc điều chỉnh tốc độ và phạm vi cắt giảm lãi suất trong tương lai.

Quan điểm này được củng cố bởi dữ liệu kinh tế công bố hôm thứ Sáu, cho thấy doanh số bán lẻ tại Mỹ trong tháng 10 tăng cao hơn kỳ vọng, giá nhập khẩu phục hồi, trong khi các báo cáo trước đó cho thấy lạm phát vẫn ở mức cao.

Các nhà giao dịch hiện đặt cược 42% khả năng Fed sẽ không thay đổi lãi suất trong cuộc họp tháng 12, theo công cụ CME FedWatch. Dự báo về khả năng nới lỏng chính sách trong năm 2025 cũng đã hạ xuống.

Chỉ số CBOE, thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall, tăng lên 17,55 điểm, mức cao nhất kể từ Ngày bầu cử 5/11, trước khi giảm xuống 16,14 điểm khi kết phiên.

Đợt bán tháo vào thứ Sáu kết thúc một giai đoạn lạc quan khi mà trọng tâm của thị trường chuyển từ chiến thắng của ông Trump sang lo ngại về lộ trình cắt giảm lãi suất và rủi ro lạm phát dưới chính quyền mới. Trong tuần, S&P 500 giảm 2,08%, Nasdaq mất 3,15%, đánh dấu mức giảm mạnh nhất trong hơn 2 tháng. Dow Jones cũng giảm 1,24%.

“Khối lượng giao dịch hôm nay tăng cao. Nhiều nhà đầu tư chốt lời sau một tháng khả quan”, ông John Augustine, Giám đốc Đầu tư tại Huntington National Bank cho biết. Khối lượng giao dịch trên các chứng khoán Mỹ là 15,47 tỷ cổ phiếu, cao hơn mức trung bình 13,94 tỷ trong 20 phiên vừa qua.

GIÁ DẦU GIẢM HƠN 2%

Trên thị trường năng lượng, giá dầu quay đầu giảm sâu vào thứ Sáu. Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 1,52 USD, tương đương 2,09%, xuống 71,04 USD/thùng. Dầu thô WTI của Mỹ giảm 1,68 USD, tương đương 2,45%, xuống 67,02 USD/thùng.

Trong tuần, Brent giảm khoảng 4%, WTI giảm khoảng 5%.

Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy các nhà máy lọc dầu trong tháng 10 xử lý ít hơn 4,6% lượng dầu thô so với cùng kỳ năm ngoái vì nhiều nhà máy giảm công suất hoặc phải đóng cửa.

Tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc cũng chậm lại trong tháng trước, trong khi các nhu cầu ở lĩnh vực bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, từ đó làm gia tăng lo ngại của nhà đầu tư về sức khỏe kinh tế của quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Giá dầu trong tuần này tiếp tục chịu áp lực khi các tổ chức cảnh báo về nguy cơ suy giảm nhu cầu dầu toàn cầu. Tại hội nghị thượng đỉnh COP29, giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng (IEA) Fatih Bill phát biểu: "Nhu cầu dầu toàn cầu đang yếu đi. Chúng tôi đã quan sát thấy xu hướng này trong một thời gian, chủ yếu do tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc và sự gia tăng sử dụng xe điện trên toàn cầu”.

Theo dự báo của IEA, nguồn cung dầu toàn cầu sẽ vượt nhu cầu hơn 1 triệu thùng/ngày vào năm 2025, ngay cả khi các đợt cắt giảm sản lượng của OPEC+ vẫn được duy trì.

OPEC cũng hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu cho năm nay và năm 2025, nhấn mạnh tình trạng yếu kém tại Trung Quốc, Ấn Độ và một số khu vực khác.

Có thể bạn quan tâm