Trí tuệ nhân tạo tiếp thêm động lực cho Phố Wall tăng điểm

Chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên 1/3, với S&P 500 và Nasdaq đóng cửa ở mức cao kỷ lục nhờ việc cổ phiếu công nghệ tiếp tục “nóng” lên bởi trí tuệ nhân tạo…

Trí tuệ nhân tạo tiếp thêm động lực cho Phố Wall tăng điểm

Kết thúc phiên 1/3, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 90,99 điểm (+0,23%) lên 39.087,38 điểm, S&P 500 thêm 40,81 điểm (+0,80%) thành 5.137,08 điểm và chỉ số Nasdaq Composite leo 183,02 điểm (+1,14%) đóng cửa ở mức 16.274,94 điểm.

Nasdaq đã ghi nhận phiên đóng cửa kỷ lục ở ngày thứ hai liên tiếp, với sự thúc đẩy của những cái tên có liên quan tới AI như Nvidia và Meta, giúp chỉ số vượt qua mức cao nhất trước đó là 16.212,23 điểm được thiết lập vào tháng 11 năm 2021.

Trong tuần, S&P 500 tăng 0,95%, Nasdaq tăng 1,74% và Dow Jones giảm 0,11%. Tính đến cuối tháng 2, ba chỉ số chính đều ghi nhận mức tăng ở tháng thứ tư liên tiếp trong một đợt phục hồi chủ yếu được thúc đẩy bởi triển vọng tăng trưởng liên quan đến AI, vốn cũng đã nâng tầm các tên tuổi bán dẫn.

Cụ thể, cổ phiếu của Nvidia đã tăng 4% và lần đầu đóng cửa với mức vốn hoá trên 2 nghìn tỷ USD. Đối thủ nhỏ hơn như Advanced Micro Devices cũng leo 5,25% lên mức cao kỷ lục là 202,64 USD, trong khi chỉ số bán dẫn Philadelphia rộng hơn cũng đóng cửa ở mức kỷ lục sau khi tăng vọt 4,29% trong phiên.

Công nghệ là ngành hoạt động tốt nhất trong 11 lĩnh vực chính của S&P 500, tăng 1,78%, trong khi tiện ích yếu nhất, giảm 0,72%.

Dell Technologies “phi mã” 31,62%, mức tăng phần trăm hàng ngày lớn nhất từ trước đến nay, sau khi nhà sản xuất máy tính cá nhân dự báo doanh thu và lợi nhuận hàng năm cao hơn ước tính của Phố Wall.

Trong khi đó, mức tăng của chỉ số Dow Jones bị hạn chế một phần do cổ phiếu Boeing giảm 1,83% vì có báo cáo cho biết nhà sản xuất máy bay đang đàm phán để mua lại Spirit AeroSystems.

New York Community Bancorp lao dốc 25,89% sau khi tổ chức thông báo về việc đã tìm thấy điểm yếu quan trọng trong nội bộ, có liên quan đến việc xem xét khoản vay và điều chỉnh khoản lỗ quý 4 lên gấp 10 lần so với những con số đã nêu trước đó. Điều này khiến chỉ số ngân hàng khu vực KBW giảm hơn 1,27%.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Mỹ đã nhận được sự hỗ trợ từ một nền kinh tế kiên cường, khi các nhà đầu tư cố gắng đánh giá thời điểm cắt giảm lãi suất lần đầu tiên của Cục Dự trữ Liên bang, với kỳ vọng hiện nay là vào cuộc họp tháng 6 và mang đến một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng cho nền kinh tế Mỹ.

Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư chính tại CFRA Research cho biết: “Bởi vì nền kinh tế đang hoạt động tốt và lạm phát dần hạ nhiệt nên Fed sẽ chậm rãi hơn trong kế hoạch hạ lãi suất”.

Mặc dù vậy, nền kinh tế vẫn bộc lộ những điểm yếu, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, nhưng dữ liệu mới đây đã mang đến một số dấu hiệu cho thấy khả năng phục hồi.

Thống đốc Fed Chris Waller cho biết các quyết định sắp tới về quy mô cuối cùng của bảng cân đối kế toán không ảnh hưởng gì đến cuộc chiến chống lạm phát.

Thống đốc Fed Adriana Kugler bày tỏ sự lạc quan một cách thận trọng rằng tiến trình giảm phát sẽ tiếp tục mà không làm thị trường lao động suy yếu đáng kể và ngân hàng trung ương đã tránh được vòng xoáy giá lương.

Còn về phía chủ tịch Fed Richmond Thomas Barkin, ông cho rằng vẫn còn quá sớm để dự đoán khi nào Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã tăng 2% vào phiên 1/3 và ghi nhận mức tăng hàng tuần khi các nhà giao dịch chờ đợi quyết định của OPEC+ về các thỏa thuận nguồn cung trong quý hai.

Giá dầu Brent kỳ hạn tháng 5 tăng 1,64 USD, tương đương 2%, ở mức 83,55 USD/thùng. Hợp đồng tương lai Brent tăng 1,71 USD, tương đương 2,19%, lên 79,97 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu Brent tăng khoảng 2,4% sau khi chuyển đổi các tháng hợp đồng, trong khi dầu WTI tăng hơn 4,5%.

Andrew Lipow, chủ tịch của Lipow Oil Associates cho biết: “Kỳ vọng rằng OPEC+ sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng tự nguyện trong quý 2 năm 2024 là trọng tâm chính của thị trường”.

Các nguồn tin cho biết, quyết định gia hạn cắt giảm của OPEC+ dự kiến sẽ diễn ra vào tuần đầu tiên của tháng 3, và từng quốc gia sẽ công bố quyết định của mình.

Nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank lưu ý: “Việc tiếp tục cắt giảm sản xuất tự nguyện cho đến cuối năm sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ và do đó được coi là yếu tố tích cực về giá”.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm