Phường Hàng Đào thuộc quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) có diện tích nhỏ nhất Việt Nam chỉ 7ha, còn nhỏ hơn rất nhiều so với diện tích hồ Gươm (12ha), quy mô dân số hơn 6000 người (số liệu 2021). Tuy nhỏ nhưng phường Hàng Đào có vị trí đắc địa vào bậc nhất Thủ đô, nơi hoạt giao thương luôn tấp nập không kể ngày đêm.
Trên địa bàn phường gồm các con phố chính như: Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường và một phần các phố: Hàng Bồ, Hàng Cân, Chả Cá, Nguyễn Siêu, Lãn Ông, Lương Văn Can… Phía Đông giáp với Hàng Buồm và Hàng Bạc, phía Tây giáp với Hàng Gia, Hàng Bồ; phía Nam giáp Hàng Bạc, Hàng Trống và Hàng Gai; phía Bắc giáp phường Hàng Bồ, Hàng Mã, Đồng Xuân và Hàng Buồm.
Nhiều tuyến đường thuộc phường Hàng Đào cấm đi ngược chiều thuộc các tuyến phố đi bộ như: phố Hàng Đào, Hàng Gai, Lương Văn Can, Hàng Đường.
Phường Hàng Đào là một trong những nơi lưu giữ văn hóa đặc sắc phố nghề; đồng thời là điểm hội tụ nhân tài bách nghệ khắp bốn phương tạo nên tinh hoa văn hóa của khu phố cổ.
Phố Hàng Đào dài khoảng 260m, được coi là đường trục chính của 36 phố phường. Phía Nam của phố là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, sát bờ hồ Hoàn Kiếm, đầu phía bắc là phố Hàng Ngang.
Tại thành Thăng Long xưa, phố Hàng Đào thuộc phường Đồng Lạc và Đại Lợi, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương đời Hậu Lê. Phường Đại Lợi tập trung người làng Đan Loan (Bình Giang, Hải Dương), làng Đình Loan, Đông Cao (Bắc Ninh) chuyên nghề nhuộm tơ lụa có từ thời Trần, Hồ, đến đời Lê đã rất sầm uất.
Thời Pháp thuộc, phố mang tên là Rue de la Soie (phố bán lụa). Khoảng năm 1925, vải tây thắng thế, quá nửa phố cho thuê bán vải tây, hàng truyền thống vắng hẳn.
Tuy vẫn đóng vai trò là phố buôn bán chính, sầm uất, đông đúc nhất Hà Nội nhưng diện mạo của phố cổ Hàng Đào đã hoàn toàn thay đổi. Hiện tại con phố này đa phần bán quần áo phục vụ khách du lịch và người dân Hà thành.
Chỉ có một số ít cửa hàng không bán quần áo mà kinh doanh các loại đồng hồ hoặc một số các mặt hàng gia dụng khác.
Khách du lịch khi đến Hà Nội không thể quên ghé qua Hàng Đường mua ô mai để thưởng thức hoặc làm quà biếu. Tại đây có rất nhiều loại ô mai đa dạng thơm ngon, chất lượng nổi tiếng đất Hà Thành.
Nằm ở vị trí đắc địa với hoạt động giao thương luôn tấp nập nên giá đất ở phường Hàng Đào luôn cao ngất ngưởng. Theo bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 của thành phố Hà Nội, giá đất cao nhất tại đây là gần 188 triệu đồng/m2; còn trên các trang rao vặt, mua bán bất động sản thì con số có thể lên tới hơn 1 tỷ đồng/m2.
Khu vực này chủ yếu cho các cửa hàng thuê kinh doanh buôn bán khu mặt tiền. Nhà cửa chủ yếu sống ở phía sau hoặc trên gác eo hẹp. Mỗi nhà nhiều khi lên đến vài thế hệ sinh sống. Lối vào nhà có thể chỉ là con ngõ sâu hun hút chật hẹp, chỉ vừa một người đi.
Từ năm 2006, UBND Quận Hoàn Kiếm cho phép thành lập tuyến phố đi bộ Chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân vào tối các ngày thứ 6, thứ 7 và Chủ Nhật. Chợ đêm bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, một số đặc sản của Hà Nội phục vụ khách du lịch.
Ngoài buôn bán sầm uất, phường Hàng Đào cũng có nhiều đi tích lịch sử nổi tiếng như chùa Cầu Đông , đình Đức Môn. Nơi đây từng là cơ sở cách mạng, có hầm bí mật che giấu cán bộ Việt Minh; nay cửa hầm vẫn còn dưới ban thờ Mẫu.
Một di tích lịch sử thuộc phường Hàng Đào không thể không nhắc đến là nhà số 48 Hàng Ngang. Tại căn phòng ở gác 2 của ngôi nhà này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản “Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.