Chiều ngày 5/3, Toà án Nhân dân TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan. Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM đã công bố cáo trạng, trong đó nêu rõ các phương thức, thủ đoạn Trương Mỹ Lan và đồng phạm sử dụng để "rút ruột" 1 triệu tỷ đồng từ ngân hàng SCB.
Theo cáo trạng, Trương Mỹ Lan đã lập nên một hệ sinh thái bao gồm hơn 1.000 công ty con, công ty liên kết. Để có nguồn vốn lớn phục vụ hoạt động của hệ thống công ty trên, cũng như việc liên tục đầu tư, mua các dự án bất động sản, Trương Mỹ Lan đã tìm cách thâu tóm, chi phối, điều hành toàn bộ các hoạt động của ngân hàng SCB.
Cụ thể, Trương Mỹ Lan tuyển chọn, đưa các cá nhân thân tín vào những vị trí chủ chốt tại SCB và trả mức lương cao từ 200 - 500 triệu đồng/tháng. Thông qua các cá nhân này, Trương Mỹ Lan điều hành toàn bộ hoạt động của SCB, trong đó có hoạt động cho vay.
Bằng cách thâu tóm, nắm giữ cổ phần, chi phối, điều hành hoạt động ngân hàng thông qua các đối tượng chủ chốt, bị cáo Lan đã sử dụng SCB như một công cụ tài chính, huy động tiền gửi và vốn từ các nguồn khác, sau đó chỉ đạo rút tiền bằng cách tạo lập các khoản vay khống, phục vụ cho mục đích cá nhân.
Mỗi khi cần rút tiền, Trương Mỹ Lan chỉ đạo cấp dưới tại "hệ sinh thái" Vạn Thịnh Phát và SCB phối hợp với nhau để tạo lập hồ sơ, phương án vay vốn khống. Tại mỗi hồ sơ vay, các cá nhân được thuê, nhờ đứng tên hoặc đại diện các công ty "ma" được gọi đến, ký vào các tờ giấy trắng đã được đánh dấu sẵn vị trí cần ký, để hợp thức khoản vay. Những người này đều không được thụ hưởng và sử dụng tiền, không hề biết mình vay và nợ SCB số tiền đặc biệt lớn.
Để rút tiền từ SCB thông qua thủ đoạn lập hồ sơ vay vốn khống, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo cán bộ SCB thông đồng, câu kết với nhiều đối tượng tại các công ty thẩm định giá, phát hành các chứng thư thẩm định giá hợp thức các hồ sơ vay vốn.
Để hợp thức việc rút tiền từ SCB, Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhân viên lập phương án thực hiện "giải quỹ" bằng cách lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống. Mục đích của thủ đoạn này nhằm cắt đứt và che giấu dòng tiền, tránh sự phát hiện, xử lý của các cơ quan chức năng, đồng thời né tránh việc phải nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Khi bị thanh, kiểm tra, Trương Mỹ Lan chỉ đạo các lãnh đạo chủ chốt của SCB mua chuộc cán bộ, lãnh đạo Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, tổ trưởng Tổ Giám sát tăng cường tại SCB…
Kết quả điều tra xác định, có 875 khách hàng gồm 440 cá nhân, 435 pháp nhân đứng tên 1.284 khoản vay, được bị cáo Lan chỉ đạo nhóm đối tượng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thành lập, thuê hoặc nhờ người đứng tên.