Bắt đầu từ ngày 10/8/2017, Thông tư 08 về quy định đăng ký kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi do Bộ Công Thương ban hành chính thức có hiệu lực. Điểm đáng chú ý là thay vì quản lý theo biện pháp bình ổn giá, áp giá trần, thì từ nay cơ quan chức năng sẽ tập trung vào việc quản lý giá bán lẻ.
So với các quy định trước đây về quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Thông tư 08/2017 tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp đối với hàng hóa của mình và chịu trách nhiệm đối với mức giá. Doanh nghiệp khi nhập khẩu hay sản xuất sẽ đăng ký giá với Bộ Công Thương và các cơ quan có thẩm quyền cấp địa phương. Nếu thay đổi biên độ dưới 5% thì doanh nghiệp vẫn được điều chỉnh, nhưng phải thông báo và giải trình với cơ quan nhà nước.
Như vậy là từ nay, doanh nghiệp được phép điều chỉnh tăng hoặc giảm giá khi các yếu tố đầu vào biến động làm tăng hoặc giảm chi phí sản xuất, kinh doanh. Điều này giúp doanh nghiệp chủ động hơn và và giá sữa cũng được quản lý theo cơ chế thị trường.
Ông Trần Quang Trung – Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng, Thông tư 08 quy định rõ ở từng vùng địa lý, từng địa bàn khác nhau, doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là doanh nhân bán lẻ có thể kê khai giá với các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương đó, nhưng phải giải trình đầy đủ, cụ thể chi phí phát sinh này. Theo trong thông tư này, hệ thống phân phối bán lẻ tăng giá cũng phải kê khai và chịu trách nhiệm. Nhìn chung, các doanh nghiệp rất đồng tình với quy định này.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu người tiêu dùng có được lợi? Thực tế, trong Thông tư 08 đã quy định rõ việc đăng ký giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Đây là điểm khác biệt với cách quản lý trước đây, tránh tình trạng mỗi nơi phân phối bán lẻ một giá, thậm chí đội giá lên quá cao.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, trước đây, do cách thức quản lý còn nhiều bất cập mà nhiều năm qua, giá sữa ở Việt Nam liên tục “nhảy múa”, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Với những điểm mới trong khâu quản lý giá bán lẻ cuối cùng, cũng như quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối sẽ giúp kiểm soát được giá mặt hàng này.
"Đây là tín hiệu tốt về cơ chế quản lý giá và cạnh tranh thị trường. Tuy nhiên vẫn phải lưu ý và theo dõi tiếp thị trường để phát hiện kịp thời liệu có sự liên kết hay lũng đoạn giá như giai đoạn trước hay không. Đây là yêu cầu của quản lý nhà nước để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, tạo ra cơ chế giá phù hợp thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng", ông Phong đánh giá.
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến nhận định, việc triển khai trên thực tế sẽ gặp không ít khó khăn. Hiện các doanh nghiệp lớn đăng ký kê khai giá ở Bộ Công Thương, và Bộ này chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát giá ở các doanh nghiệp này.
Vậy còn các doanh nghiệp nhỏ, cùng với hệ thống phân phối rộng khắp các địa phương thì quản lý thế nào? Ông Nguyễn Văn Quang, đại diện Sở Công Thương Hải Dương cho biết, khi lập danh sách thương nhân phải đăng ký giá và kê khai giá, với doanh nghiệp sản xuất thì còn dễ, nhưng với doanh nghiệp nhập khẩu thì khó kiểm soát, vì doanh nghiệp được nhập khẩu ở nhiều cửa khẩu khác nhau. Ngay cả việc kiểm soát giá sữa tại địa phương cũng không phải dễ dàng.
"Trong trường hợp thương nhân phân phối cấp 1 rồi xuống cấp sâu nữa bán cao hơn giá khuyến nghị, nếu họ cố tình không kê khai, thì ở Hải Dương có cả vạn cửa hàng sữa nên rất khó kiểm soát. Còn nếu họ kê khai có 2 vấn đề xảy ra: một là không kiểm soát được kê khai đúng hay sai; hai là trong mấy ngày thì khó xem xét được các yếu tố cấu thành giá đấy có hợp lý hay không. Nếu im lặng thì sau 5 ngày họ thực hiện. Còn nếu muốn trả lời đúng hạn thì phòng thiếu người không làm hết", ông Nguyễn Văn Quang nêu thực tế.
Trước những băn khoăn này, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, nếu các đại lý phân phối không kê khai giá hoặc bán giá cao hơn mức giá khuyến nghị thì các đại lý đó vi phạm quy định về quản lý giá và sẽ bị xử phạt theo Nghị định 109/2013 xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực quản lý giá.
Đại diện Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cũng khẳng định, Bộ chỉ quản lý một vài nhà nhập khẩu và nhà sản xuất lớn có thể tác động, ảnh hưởng đến giá cả toàn thị trường. Còn lại hầu hết phân cấp xuống dưới sở công thương quản lý giá mặt hàng này, do địa bàn hoạt động của các hãng, thương hiệu sữa vươn ra đến các địa phương. Ngoài ra, mặc dù trả lại quyền quyết định giá trên thị trường cho doanh nghiệp nhưng cơ quan quản lý vẫn kiểm soát chặt chẽ để tránh những hành vi trục lợi, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
“Thực tế, sau 3 năm áp giá trần đối với mặt hàng sữa, thị trường cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực khi giá sữa giảm khoảng 0,1% - 34% so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá. Thế nhưng, việc áp trần giá sữa lại gây ra những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp khi không được chủ động theo giá thị trường.
Do đó, đòi hỏi phải có cách thức quản lý phù hợp hơn với thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Dù việc triển khai trên thực tế có thể nảy sinh những bất cập đòi hỏi tiếp tục tháo gỡ, song đây cũng là tín hiệu cho thấy nỗ lực trong việc kiểm soát giá của mặt hàng thiết yếu và quan trọng đối với trẻ nhỏ này.
Theo Việt Hà/Vov