Quản trị công ty hậu khởi nghiệp: Yếu tố sống còn!

Phong trào khởi nghiệp bùng nổ mạnh mẽ trong “Năm quốc gia khởi nghiệp 2016”. Tuy nhiên, đã đến lúc cần sự đầu tư trọng tâm cho khởi nghiệp mà không chỉ dừng lại ở phong trào.

Phong trào khởi nghiệp bùng nổ mạnh mẽ trong “Năm quốc gia khởi nghiệp 2016”. Tuy nhiên, đã đến lúc cần sự đầu tư trọng tâm cho khởi nghiệp mà không chỉ dừng lại ở phong trào. Một trong những vấn đề quan trọng để các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển bền vững, đó chính là Quản trị công ty. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề này chưa được các doanh nghiệp khởi nghiệp quan tâm và đầu tư một cách thực sự.

Tại sao phải quản trị công ty?

Khởi nghiệp là giai đoạn đầu của quá trình xây dựng và thành lập doanh nghiệp trên cơ sở của những ý tưởng kinh doanh mới và táo bạo cùng với tinh thần, nhiệt huyết và đam mê sâu sắc của người khởi nghiệp. Khi nhà khởi nghiệp thành lập doanh nghiệp ở giai đoạn đầu với ý tưởng kinh doanh đó, họ thường đặt ra mục tiêu phát triển, không chỉ là đơn thuần mà bất kỳ ai cũng mong muốn và kỳ vọng doanh nghiệp được phát triển bền vững. Và trong quá trình phát triển, các doanh nghiệp này thường nhận được nguồn vốn đầu tư của các “Quỹ đầu tư thiên thần” dành cho các nhà khởi nghiệp.

Để thu hút được nguồn vốn đầu tư từ các quỹ này nhiều nhất có thể, cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển bền vững, một yếu tố không thể không nhắc tới - bên cạnh nhiều yếu tố khác như ý tưởng, nhân sự, kế hoạch triển khai, vốn đầu tư… chính là Quản trị công ty. Việc tạo ra và hình thành một hệ thống Quản trị công ty phù hợp sẽ trợ giúp gia tăng hiệu quả hoạt động công ty ngay từ những ngày đầu mới thành lập và dẫn dắt sự phát triển công ty theo định hướng phát triển rõ ràng trên nền tảng cứng là một khung quản trị công ty vững chắc.

"Giai đoạn cất cánh sau khởi nghiệp đòi hỏi phải có quản trị công ty tốt. Và bản thân nhà khởi nghiệp khi đó sẽ chuyển từ vai trò “người sở hữu” sang “người lãnh đạo” – họ vẫn là chủ sở hữu, nhưng không nên tiếp tục giữ vai trò “2 trong 1” để nhìn nhận và đánh giá hoạt động của doanh nghiệp từ góc nhìn rộng và tổng quan hơn. Sự chuyển biến này không đo bằng thời gian, số lượng nhân viên của doanh nghiệp mà bằng tư tưởng kinh doanh và tư duy quản trị công ty".

Trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ đang dừng lại ở ý tưởng kinh doanh táo bạo, nhiệt huyết và đam mê cùng với mức độ hiểu biết nhiều về lĩnh vực hoạt động, nhưng lại đang thiếu một nền tảng là quản trị hệ thống để quản trị hiệu quả, cũng như hiểu biết của người khởi nghiệp về lĩnh vực Quản trị công ty còn thiếu.

Chính vì vậy, ngay sau khi khởi nghiệp và thành lập được doanh nghiệp thì doanh nghiệp phát triển như thế nào và người khởi nghiệp (người lãnh đạo doanh nghiệp) sẽ quản lý doanh nghiệp ấy ra sao để đạt được mục tiêu kinh doanh vẫn là câu hỏi khó. Ngay cả khi họ nhận được sự hỗ trợ hay sự tài trợ về tài chính từ bên ngoài thì họ cũng chưa biết cách sử dụng nguồn tài trợ ấy như thế nào một cách hiệu quả.

Có thể nhận thấy, Quản trị công ty, Quản trị hệ thống và Quản trị hiệu quả là ba điều mà nhà khởi nghiệp cần phải nghĩ tới để phát triển công ty bền vững.

Quản trị công ty – nhà khởi nghiệp cần lưu ý gì

Đối với một doanh nghiệp hoạt động bình thường thì quá trình hoạt động của họ luôn luôn gắn với sự phát triển và bản thân trong sự phát triển đó cũng đã bao gồm các yếu tố khởi nghiệp – đó chính là những dòng sản phẩm – dịch vụ mới, ý tưởng kinh doanh mới… Chính vì vậy, hệ thống quản trị công ty của họ - đã hình thành và vận hành - cũng cần thường xuyên được cập nhật và nâng cấp.

Quản trị công ty bao gồm quản trị hệ thống và quản trị hiệu quả. Muốn có quản trị hệ thống thì việc đầu tiên phải thiết lập ra hệ thống cho công ty ấy - Quy mô công ty dù nhỏ hay lớn đều phải có hệ thống vì đây là một trong những yếu tố giúp công ty phát triển bền vững.  Với một doanh nghiệp khởi nghiệp, hệ thống giúp kiểm soát dòng tiền, minh bạch các yếu tố trong đội ngũ sáng lập, giúp họ nhìn rõ những khó khăn, điểm yếu, điểm mạnh… Hệ thống quản trị công ty thể hiện năng lực điều hành của mỗi doanh nghiệp. Khi công ty phát triển mà không có hệ thống mà bám vào, thì doanh nghiệp ấy dễ bị tổn thương do những thay đổi của môi trường kinh doanh cũng như những vấn đề khác có thể dẫn đến sự đổ vỡ của doanh nghiệp ấy.

Hệ thống Quản trị công ty thể hiện năng lực điều hành và cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp. Năng lực cạnh tranh không chỉ là vấn đề sản phẩm và thị trường, năng lực cạnh tranh là cách các doanh nghiệp sử dụng và quản lý những nguồn lực đang có, sử dụng vốn đầu tư và triển khai ý tưởng, xây dựng chiến lược trong tương lai như thế nào. Ở giai đoạn Start-up, các nhà sáng lập đồng thời là chủ sở hữu của ý tưởng và công ty. Khi bắt đầu cất cánh (Take-off), nhà khởi nghiệp nên xem xét chuyển từ vai trò sở hữu sang vai trò dẫn dắt và giám sát hiệu quả hoạt động của công ty. Giai đoạn cất cánh sau khởi nghiệp đòi hỏi phải có quản trị công ty tốt. Và bản thân nhà khởi nghiệp khi đó sẽ chuyển từ vai trò “người sở hữu” sang “người lãnh đạo” – họ vẫn là chủ sở hữu, nhưng không nên tiếp tục giữ vai trò “2 trong 1” để nhìn nhận và đánh giá hoạt động của doanh nghiệp từ góc nhìn rộng và tổng quan hơn. Sự chuyển biến này không đo bằng thời gian, số lượng nhân viên của doanh nghiệp mà bằng tư tưởng kinh doanh và tư duy quản trị công ty.

Vì vậy, đối với những nhà khởi nghiệp, đã đến lúc cần chú trọng đến việc học hỏi và tuyển dụng những nhân sự có năng lực để xây dựng và vận hành hệ thống Quản trị công ty. Có như vậy, ý tưởng kinh doanh của họ mới có thể đi vào thực tế cuộc sống, mang lại lợi ích bền vững cho doanh nghiệp. Thực tế chứng minh rằng, các nhà khởi nghiệp xây dựng hệ thống Quản trị công ty sớm và hiệu quả thì ý tưởng kinh doanh của họ được triển khai với hiệu quả cao hơn và ý tưởng kinh doanh đó được đánh giá cao và thu hút được nhiều vốn đầu tư của các Quỹ đầu tư hơn.

Hà Thu Thanh
Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam
Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội

Trần Quang Hưng (Co-Founder Up co-working space):

Nói về bức tranh khởi nghiệp trong thời gian tới của các startup tại Việt Nam, theo tôi, năm 2017, bức tranh khởi nghiệp sẽ có nhiều nét khởi sắc hơn năm trước, tuy nhiên lĩnh vực hoạt động của từng Start-up sẽ tập trung hơn. Số lượng Start-up mới thành lập sẽ tiếp tục bùng nổ dưới tác động của nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và các công ty hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp như Up Coworking Space, trong khi thị trường sẽ sàng lọc các ý tưởng chưa hội tụ đủ các yếu tố thành công. Các startup đạt được những thành công bước đầu sẽ tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, nâng cấp mô hình kinh doanh và thâm nhập sâu hơn vào các thị trường tiềm năng. UP Coworking Space chính là một ví dụ, khi thành lập chỉ có một nhóm nhỏ, một người phải đảm nhiệm nhiều vai trò. Nhưng khi công ty đã bắt đầu lớn lên, thì chúng tôi phải thay đổi lại cấu trúc nhóm, chuyên môn hóa công việc cho từng nhân sự cũng như xác định rõ ràng hơn về thị trường tiềm năng. Sự chuyên nghiệp hóa về mặt nhân sự, tổ chức này sẽ hạn chế các vấn đề phát sinh và tạo điều kiện cho công ty nhân rộng mô hình sau một thời gian phát triển rất nóng. Nhìn chung, tôi rất lạc quan với tiềm năng phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam trong năm 2017, và tin tưởng rằng với sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan chức năng và các tổ chức hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp, những tiềm năng trên sẽ từng bước được hiện thực hóa.

Bạch Diệu Linh (Founder Lintimate)

“Với những Start-up sau khi bùng nổ thành công, vấn đề lớn là làm sao xây dựng hệ thống tốt. Trước đó, Nhóm (Team) chỉ có một số người cùng phát triển ý tưởng với nhau, khi Team có nhiều thành viên hơn thì vấn đề là làm thế nào để quản lý được đội ngũ nhân sự một cách chuyên nghiệp và hiệu quả nhất. Đây là chướng ngại vật mà nhiều bạn start-up còn vướng mắc: Khi mô hình còn nhỏ thì sao cũng được, nhưng khi phát triển lớn hơn thì bài toán nhân sự cũng trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Đó là một trong những khó khăn nổi cộm mà công ty tôi gặp phải khi đang chuyên môn hóa tất cả quy trình, thực hiện các chính sách về nhân sự cho thành viên. Khi Team còn nhỏ, tôi nghĩ duy trì mức tăng trưởng ổn định là tốt rồi. Giờ thì có rất nhiều thách thức khác, ví dụ như mình nên khai thác tiếp thị trường Việt Nam bằng nhiều sản phẩm mới, hay là vẫn là sản phẩm đó nhưng mình quảng bá ra các thị trường Đông Nam Á lân cận. Đó cũng là một khó khăn khi mình có quá nhiều lựa chọn để phát triển công ty”.

 Nguyễn Huyền Phương (Co-Founder, CEO of V.O.E - Volunteer for Education)

Đối với Start-up sau khi trải qua giai đoạn đầu khởi nghiệp có thể nói là thành công, mô hình kinh doanh tạm thời ổn định, một vấn đề lớn đó là làm sao để xây dựng được một hệ thống và cơ cấu tổ chức hoạt động tốt để tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới. Từ một Nhóm ban đầu cùng chung ý tưởng có thể là bạn bè, người thân… giờ đây, cần phát triển thành một bộ máy với cơ cấu chặt chẽ và tính chuyên môn hóa cao, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thị trường. Bài toán đặt ra là vấn đề quản lý nhân sự, quản lý tài chính, xây dựng và quản trị hệ thống một cách phù hợp và hiệu quả. Khi doanh nghiệp còn ở quy mô nhỏ thì hoạt động vẫn ổn, nhưng khi lớn hơn thì nếu không chú trọng đến vấn đề này, sẽ dễ dàng bị giảm hiệu quả hoạt động, hoặc thậm chí là đổ vỡ mô hình.

Có thể bạn quan tâm