Xu hướng chọn một sản phẩm độc nhất để bán
Một trong các thương hiệu nổi tiếng được quảng cáo nổi bật phải kể đến như máy rửa mặt Luna mini 2 của thương hiệu Foreo - một thương hiệu về thiết bị làm đẹp khá nổi tiếng của Thuỵ Điển. Đây là một trong những máy rửa mặt được giới KOL chuyên “review mỹ phẩm” khuyến khích sử dụng.
Dòng máy rửa mặt của thương hiệu này hiện được quảng cáo ít nhất tại 03 website gồm foreoluna.asia, foreovietnam.asia và foreovn.site. Các website này đều có chung các đặc điểm: một tên miền “rất quốc tế” để có cảm giác như website của chính thương hiệu này trong khi giao diện lại rất đơn giản (chỉ có 01 trang duy nhất); ngôn ngữ trình bày được sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Việt.
Các website này được quảng cáo liên tục trên facebook, chia sẻ trong các hội nhóm liên quan đến mỹ phẩm. Các website này cũng được quảng cáo trên nền tảng google.
Thực chất, các website này là những landing page - một dạng website được sử dụng trong lĩnh vực marketing, có thiết kế đơn giản, chỉ tập trung vào một nội dung nhất định và có một trang duy nhất. Mục đích của các website này là thu hút lượt xem, lượt click hay kích thích hành vi mua hàng của người dùng thông qua các tác vụ kêu gọi xuất hiện trong website như điền form, click mua hàng, đăng ký nhận thông tin của khách hàng...
Một thương hiệu nổi tiếng khác cũng được quảng cáo theo hình thức này chính là Dior với duy nhất dòng sản phẩm son dưỡng môi. Đây là dòng sản phẩm nổi tiếng của Dior, cũng được giới mộ điệu yêu thích sử dụng. Website quảng cáo sản phẩm này cũng có giao diện tương tự như các website quảng cáo máy rửa mặt Foreo nói trên: Tên miền được sử dụng "na ná" Dior Việt Nam, giao diện trực quan với mục tiêu kêu gọi đặt mua sản phẩm. Ngoài ra, còn có nhiều fanpage khác sử dụng cách đặt tên theo fanpage chính thức của Dior như Dior.Viet Nam; Dior Vietnam, Dior Store Viet Nam, Dior Vietnam...
Cùng “chung cảnh ngộ”, hãng nước hoa nổi tiếng thế giới Le Labo cũng liên tục được quảng cáo trên facebook. Tuy nhiên, cách thức quảng cáo dòng nước hoa này lại khác đi đôi chút. Thay vì quảng cáo trực tiếp bằng website, người bán hàng sẽ tạo một bài viết, kèm link mua hàng - được khẳng định là website chính thức của hãng kèm theo “lời kêu mua hàng chính hãng, giá cả phải chăng, không cần xếp hàng chen lấn”.
Quảng cáo và bán một sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng đang được diễn ra trên facebook một cách công khai, đa dạng theo muôn hình vạn trạng.
Mỗi một thương hiệu nổi tiếng đang được các website bán hàng tại Việt Nam lựa chọn một sản phẩm nổi bật nhất, phổ biến nhất, được yêu thích nhất để trở thành “sản phẩm chủ lực” kèm theo giá thành hấp dẫn có phải một xu hướng bán hàng mới tại Việt Nam? Liệu giá trị, sự nổi tiếng và đẳng cấp của các thương hiệu nổi tiếng kể trên đang bị "lạm dụng" để trở thành công cụ cho các nhà quảng cáo trực tuyến?
Thông tin nhập nhèm
Việc “lạm dụng” giá trị, sự nổi tiếng của các thương hiệu này đang khiến người tiêu dùng khó phân biệt tính chân thực của các website cũng như phán đoán chính xác liệu mình có đang mua một sản phẩm chính hãng hay không.
Hầu hết các website đều cam kết bán sản phẩm chính hãng. Đơn cử như với sản phẩm máy rửa mặt Foreo, các website kể trên đều cam kết bán hàng chính hãng, có tem bảo hành, thậm chí có đầy đủ địa chỉ liên hệ và hotline hỗ trợ khách hàng khi cần thiết. Tuy nhiên, các website bán sản phẩm này lại có chung một địa chỉ liên hệ. Liệu có nên hiểu, các website này đều cùng chung một nhà bán hàng?
Bên cạnh đó, một trong hai địa chỉ bán sản phẩm lại rất uy tín: TTTM Aeon Mall, Hà Đông. Cung cấp thông tin một cách đầy thuyết phục này của nhà bán hàng khiến khách hàng tin rằng, sản phẩm này được bày bán ở một cửa hàng tại Trung tâm thương mại Aeon Mall. Nhờ đó, sự uy tín ngày càng tăng cao.
Tuy nhiên, thương hiệu Foreo chỉ được phân phối chính hãng qua đối tác chính thức tại Việt Nam là Bella Lab - một chuỗi cửa hàng phân phối khoảng 200 thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng. Ngoài Bella Lab, Foreo chưa được bán chính thức tại bất kỳ đâu. Trên website Aeoneshop.com - website bán hàng online của Aeon Mall Việt Nam sẽ không tìm thấy sản phẩm nào của Feoro mà chỉ có những sản phẩm máy rửa mặt của các thương hiệu khác.
Website của nước hoa Le Labo kể trên cũng chung đặc điểm tương tự. Các bài quảng cáo về thương hiệu nước hoa này cũng có nội dung gần giống nhau. Điều này cũng không phải là điều qua mới mê. Tuy nhiên, website ngày có tên miền khá lạ https://www.luxyperfume.info/ và cũng có thiết kế tương tự như những trang quảng cáo máy rửa mặt foreo kể trên.
Hiện, thương hiệu nước hoa Le Labo cũng chưa có cửa hàng chính thức hoặc có đại diện uỷ quyền chính thức tại Việt Nam. Hầu hết các chai nước hoa của thương hiệu này đều được du nhập về Việt Nam theo đường xách tay và bán tại các cửa hàng chuyên bán hàng xách tay và mua hàng theo yêu cầu của khách hàng.
Việc mua bán các sản phẩm nổi tiếng nước ngoài theo con đường xách tay vốn không còn xa lạ tại Việt Nam. Nhiều gian hàng trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shoppee, Lazada… cũng có đã bán các sản phẩm này từ lâu. Điều đáng nói là, nếu mua qua các sàn thương mại điện tử này, khách hàng có thể khiếu nại bộ phận hỗ trợ và chăm sóc khách hàng khi thắc mắc. Nhưng facebook thì ngược lại.
Facebook chỉ đơn giản là một đơn vị trung gian kết nối người mua và người bán, không có tính ràng buộc về pháp lý. Khách hàng mua hàng trên facebook vì thế cũng ít được bảo vệ quyền lợi hơn.
Thậm chí, với nhiều chiêu thức lách các quy định về quảng cáo và kiểm duyệt của Facebook, các đơn vị quảng cáo có thể dễ dàng quảng cáo hàng ngàn sản phẩm tương tự đến với người dùng facebook. Nhiều cửa hàng thường sử dụng các cụm từ "hàng chuẩn auth" nên người tiêu dùng rất khó phán đoán.
Facebook được biết đến là mạng xã hội đóng thuế lớn nhất Việt Nam, vượt cả Google. Chỉ trong 8 tháng qua, số thuế mà Facebook nộp tại Việt Nam lên đến hơn 1.700 tỷ đồng, trong khi Google chỉ là khoảng hơn 900 tỷ đồng.
Tiền nộp thuế lớn cho hiệu quả quảng cáo của Facebook tại Việt Nam nhưng lại không hề tương xứng với nghĩa vụ về ràng buộc pháp lý. Xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2012 đến nay nhưng trải qua hơn 10 năm hoạt động, Facebook vẫn là một doanh nghiệp hoạt động ngoài hệ thống pháp luật Việt Nam.
Đặc biệt hơn, khi quảng cáo trực tuyến bùng nổ thì Facebook lại càng bỏ ngỏ việc kiểm duyệt, xác thực nội dung thông tin đăng tải. Điều quan trọng khi thương mại điện tử bùng nổ chính là để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và ngăn chặn tình trạng "đội lốt" các thương hiệu nổi tiếng. Đến bây giờ, vai trò của Facebook với vị trí của một sàn TMĐT vẫn còn bỏ ngỏ.
Đối với giới mộ điệu, để kiểm tra hàng chính hãng không khó nhưng với đa số người tiêu dùng Việt Nam thì không phải là điều dễ dàng. Chính vì vậy, người tiêu dùng cần những cửa hàng, những website uy tín. Chỉ khi các website bán hàng hoạt động trung thực trên nền tảng quảng cáo trực tuyến thì thị trường TMĐT mới phát triển lành mạnh và bền vững.
Làm thế nào để xây dựng và thúc đẩy một nền tảng quảng cáo trực tuyến lành mạnh là câu hỏi cần được Facebook trả lời cũng như cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cơ quan quản lý nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam.