Cuối tháng 2/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 80/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến năm 2025, tỉnh này có 13 đơn vị hành chính với 13 đô thị. Trong đó, 12 đô thị vẫn giữ nguyên phân loại như hiện tại, riêng Vân Đồn sẽ được đưa từ đô thị loại IV lên loại III.
Đặc biệt, đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh sẽ còn 12 đơn vị hành chính với 13 đô thị. Đồng thời, Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn) và tái lập thị xã Tiên Yên. 3 huyện sẽ lên thành phố là: Đông Triều, Quảng Yên và Vân Đồn.
Đáng chú ý, theo kế hoạch, TP.Móng Cái sẽ sáp nhập với huyện Hải Hà để trở thành một thành phố mới. Hiện nay, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái gồm toàn bộ TP.Móng Cái và 9 xã, 1 thị trấn của huyện Hải Hà.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông để kết nối khu vực và quốc tế theo hướng mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”.
Cụ thể, tập trung phát triển phân vùng đại đô thị Hạ Long mở rộng (Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều) trở thành một vùng đô thị rộng lớn, trung tâm động lực tổng hợp đa ngành của tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, ngành kinh tế trọng tâm là du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp khai khoáng, cảng biển, các ngành năng lượng sạch.
Để thực hiện mục tiêu, Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 đưa ra 5 nhóm giải pháp, gồm: Hợp tác vùng và quốc gia; xây dựng năng lực quản lý nhà nước; quy hoạch; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; phòng chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, phát triển đô thị Quảng Ninh theo hướng đô thị xanh, sinh thái, văn minh và đô thị dạng dải ven biển và giàu bản sắc, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng với sự đồng bộ về hạ tầng, đô thị làm cho người dân có cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Xây dựng văn minh sinh thái và văn minh đô thị kết hợp hài hòa. Lấy mục tiêu nâng cao chất lượng nhà ở dân cư, chất lượng hạ tầng xã hội và đô thị, nhất là hạ tầng người dân đô thị còn đang thiếu hụt làm mục tiêu nâng cao chất lượng đô thị của tỉnh.
Quy hoạch đô thị và kết cấu hạ tầng đô thị phải đi trước một bước và coi đây là yếu tố quan trọng để tạo ra nguồn lực và động lực cho phát triển và nâng cao chất lượng đô thị Quảng Ninh. Đồng thời, chấn chỉnh công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị thời gian qua. Kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, quy hoạch treo, cơ chế xin - cho, lợi ích nhóm và việc điều chỉnh quy hoạch sau phân cấp của tỉnh.
Hiện nay, Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành chương trình nâng cấp đô thị theo Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020. Tỉnh hiện có 13 đô thị: 1 đô thị loại I, 3 đô thị loại II, 2 đô thị loại III, 3 đô thị loại IV, 4 đô thị loại V. Tỉ lệ đô thị hóa khoảng 67,5%, là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước, đặc biệt cao hơn so với trung bình các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cao hơn so với trung bình cả nước.