Toạ đàm diễn ra với mong muốn hiện thực hóa giấc mơ biến Đà Nẵng trở thành “thành phố không ngủ”.
Tại tọa đàm, các chuyên gia đã phân tích và đưa ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm đánh thức tiềm năng vẫn đang còn bỏ ngỏ của “thành phố đáng sống nhất Việt Nam”.
Dư địa phát triển còn rất lớn
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, kinh tế đêm hiện đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu kinh tế của nhiều nước. Mặc dù vậy, một thực tế khá đáng buồn là tại Đà Nẵng, các hoạt động về đêm vẫn còn nhiều hạn chế.
“Đà Nẵng cơ bản chưa có kinh tế ban đêm. Các cơ sở hoạt động cùng lắm đến 2 giờ sáng là đã đóng cửa”, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thẳng thắn nhận xét.
Cũng theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nghịch lý… khó chấp nhận này đã khiến doanh thu từ nền công nghiệp không khói của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia láng giềng.
“Cùng khoảng thời gian lưu trú, nhưng ở Thái Lan, số tiền mà khách quốc tế bỏ ra chi tiêu cao hơn nhiều so với tại Việt Nam (163 USD so với 96 USD) mà nguyên nhân chính nằm ở sự chênh lệch trong phát triển kinh tế đêm”, ông Thiên dẫn chứng.
Tuy vậy, ông Thiên nhìn nhận: Điểm yếu nêu trên đồng thời cũng sẽ tạo ra dư địa phát triển rất lớn cho Đà Nẵng và Việt Nam nói chung phát triển loại hình kinh tế đặc thù này.
“Đà Nẵng hiện đã có những doanh nghiệp tầm cỡ như Sun Group định hình chân dung du lịch từ sớm và ở đẳng cấp cao. Các sản phẩm du lịch ban đêm như Công viên châu Á - Asia Park, Bà Nà Hills hay Sky36 tại khách sạn Novotel Danang có thể là cơ sở để chúng ta làm ‘tọa độ cho downtown’. Cộng thêm với các khu phố đêm dọc biển, dọc sông Hàn như cách mà Đà Nẵng đang làm thì chúng ta sẽ còn có nhiều cơ hội phát triển”, vị chuyên gia phân tích.
Cùng chung nhận định, ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội du lịch (HHDL) Đà Nẵng cho rằng: Đà Nẵng hiện đang có “quá nhiều cơ hội” để đẩy mạnh kinh tế ban đêm.
“Bên cạnh các khu chợ đêm đã hình thành, chúng ta còn sở hữu một công viên Châu Á – Asia Park ấn tượng vừa mở cửa trở lại vào ngày 2/7. Sắp tới đây, nguồn khách châu Âu-châu Úc và châu Mỹ khi sang Đà Nẵng trở lại sẽ có nhu cầu rất bức thiết các sản phẩm về đêm do chênh lệch múi giờ”, ông Dũng lý giải quan điểm.
Theo người đứng đầu HHDL thành phố: Nếu Đà Nẵng phát huy hết những tiềm năng này thì sẽ tạo nên cảnh “trên bến dưới thuyền” – trên bộ có Bà Nà Hills, Sky36, Asia Park… tấp nập. Dưới sông, những du thuyền sáng đèn nhộn nhịp suốt đêm.
“Làm được như vậy, không đâu có thể bằng được Đà Nẵng. Chúng tôi mong muốn khách đến Đà Nẵng khi trở về sẽ nuối tiếc, thòm thèm vì ít thời gian quá và nhất định phải quay lại thêm nhiều lần”, ông Dũng nhấn mạnh.
Thâm canh để tối ưu hóa lợi nhuận
Hiến kế để Đà Nẵng có thể trở thành thành phố “không ngủ”, ông Dương Phú Nam – Tổng Giám đốc Sun World Holding – thương hiệu vui chơi giải trí của Tập đoàn Sun Group cho rằng: “Thâm canh” để tối ưu hóa lợi nhuận từ du lịch là giải pháp lâu bền.
“Các nghiên cứu chỉ ra khách du lịch chỉ chi tiêu 30% ban ngày. Như vậy, nếu không có kinh tế đêm, chúng ta đang bỏ phí tới 70% doanh thu”, ông Nam nói.
Để thâm canh thành công, theo ông Nam cần đảm bảo sự hài hòa giữa 4 chủ thể chính của nền kinh tế ban đêm bao gồm: Nhân dân – Doanh nghiệp – Nhà nước và khách hàng; trong đó đặt lợi ích của người dân lên đầu tiên.
Lấy ví dụ từ việc Asia Park được chuyển đổi từ thu phí vào cửa sang mô hình công viên mở, ông Nam nhấn mạnh: “Chúng tôi đã quyết định đầu tư gần 100 tỷ đồng để nâng cấp Asia Park và đồng thời chuyển đổi sang mô hình công viên mở, miễn phí vé vào cửa. Vì người dân có nhu cầu chính đáng được trải nghiệm những địa điểm vui chơi được đầu tư chất lượng, tiêu chuẩn thế giới mà không phải quá lo lắng câu chuyện về tiền”, ông Nam giải thích.
“Khách hàng hài lòng thì chắc chắn sẽ tiêu tiền nhiều hơn, tiêu tiền nhiều hơn thì nhân dân và doanh nghiệp được hưởng khi mở các mô hình mới. Ở vế còn lại, Nhà nước cũng sẽ thu được thuế. Rõ ràng khi làm tốt việc phát triển kinh tế đêm thì cả bốn chủ thể đều được lợi”, người đứng đầu Sun World Holding nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Cao Trí Dũng cũng bày tỏ mong muốn mỗi năm Đà Nẵng cần “thâm canh” thêm ít nhất một sản phẩm du lịch đêm như Asia Park để thu hút thêm du khách và có thể phát triển bền vững.
“Trước đây, Đà Nẵng giới thiệu Bà Nà. Năm vừa rồi là Cầu Vàng. Năm nay là công viên mở Châu Á. Năm sau có thể là phố đi bộ đêm. Nếu làm được điều này thì dần dần khách tới với Đà Nẵng sẽ rất đông, cộng đồng sẽ có nhiều quyền lợi”, Chủ tịch HHDL Đà Nẵng bày tỏ.
Bên cạnh việc thâm canh, ông Dương Phú Nam cũng gợi ý Đà Nẵng cần tham khảo thêm nhiều mô hình của các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia hay Singapore.
“Thái Lan lựa chọn mô hình 3S có yếu tố sex để hút khách. Nhưng Malaysia thì không dùng cách này nhưng vẫn có sự tăng trưởng tốt. Những con số thống kê cũng như thực tế này buộc chúng ta phải suy nghĩ để nghiên cứu ra một cách làm phù hợp và hiệu quả nhất”, ông Nam nhấn mạnh.
Đà Nẵng quyết tâm… không ngủ
Theo ông Lê Trung Chinh – Phó Chủ tịch TBND TP Đà Nẵng: Trong thời gian tới, thành phố sẽ coi phát triển kinh tế đêm để hỗ trợ cho ngành du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Đà Nẵng cũng đã có chủ trương dành ngân sách đầu tư để phát triển loại hình kinh tế đặc thù này bằng việc xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới.
Trong khi đó, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng thông tin hiện Đà Nẵng xác định 4 nhóm dịch vụ đêm cần phát triển là vui chơi giải trí, mua sắm, ẩm thực, tham quan du lịch.
"Chúng tôi sẽ nghiên cứu trình HĐND TP các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế đêm. Trong đó, sẽ cùng các cấp ngành đề xuất cơ chế hấp dẫn mang tính hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển kinh tế đêm" - bà Hạnh cho biết.
Về lộ trình cụ thể, bà Hạnh cho biết sẽ bao gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (dự kiến từ năm 2021 - 2023) sẽ thí điểm chọn các dịch vụ sẵn có trên 4 khu vực gồm: Phố du lịch An Thượng, Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo, Tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa và Tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành để hoàn thiện và khai thác phát triển.
Giai đoạn 2 (dự kiến từ năm 2023 - 2025) sẽ xác định một số khu vực trọng điểm gồm: Phố du lịch An Thượng, mở rộng đến đường Nguyễn Văn Thoại; Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo và mở rộng ra đường Như Nguyệt, Chương Dương; Tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa; Tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành; Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills; Khu vực làng Vân và một số khu vực riêng biệt nằm ở phía Tây thành phố./.
Tọa đàm “Kích cầu du lịch Đà Nẵng: Vai trò của sản phẩm, dịch vụ giải trí đêm” là một điểm nhấn của chương trình Famtrip “Vi vu Đà Nẵng” kéo dài từ 8-10/7/2020 do Công ty Cổ phần Tập đoàn Sun World và Vietnam Airlines tài trợ và tổ chức với sự tham gia của hơn 60 nhà báo, KOLs, đại diện các chuyên trang xã hội về du lịch đến từ Hà Nội và TPHCM.
Trước đó, đoàn Famtrip đã trải nghiệm sản phẩm và dịch vụ về đêm tại Sun World Ba Na Hills, trải nghiệm Mercure Danang French Village Bana Hills, Công viên Châu Á, SKY36 và tham quan khu nghỉ dưỡng InterContinental Da Nang Sun Peninsula Resort. Đây đều là những sản phẩm điểm nhấn của du lịch Đà Nẵng nhiều năm qua.