Kết thúc phiên 20/9, chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 38,17 điểm (+0,09%) lên 42.063,36 điểm, S&P 500 giảm 11,09 điểm (-0,19%) xuống 5.702,55 điểm và Nasdaq Composite mất 65,66 điểm (-0,36%) còn 17.948,32 điểm.
Sau khi ghi nhận đà tăng trong ngày lớn nhất kể từ giữa tháng 8 vào phiên 19/9, các chỉ số chính đã giữ trạng thái yên ắng trong phần lớn thời gian ngày 20/9, nhưng vẫn đạt được mức tăng hàng tuần. Cụ thể trong tuần, S&P 500 tăng 1,36%, Nasdaq tăng 1,49%, và Dow Jones tăng 1,62%.
Nike và Intel là hai cổ phiếu tiêu biểu đã góp phần hỗ trợ chỉ số Dow Jones chạm mức cao kỷ lục.
Intel tăng 3,31% sau khi tờ Wall Street Journal đưa tin Qualcomm đã tiếp cận công ty với một đề nghị mua lại. Nike leo 6,84% nhờ thông báo cựu giám đốc điều hành Elliott Hill sẽ quay lại chiếc ghế CEO.
Trong khi đó, cổ phiếu FedEx lại lao dốc 15,23% sau khi công ty hạ dự báo doanh thu cả năm, khiến chỉ số Dow Jones Transport giảm 3,53%, mức giảm lớn nhất kể từ cuối tháng 4/2023.
Nhóm cổ phiếu tiện ích thuộc S&P leo 2,69% lên mức cao kỷ lục, dẫn đầu bởi thành tích tăng 22,29% của cổ phiếu Constellation Energy sau khi công ty ký hợp đồng với Microsoft để giúp khôi phục một đơn vị của nhà máy hạt nhân Three Mile Island tại Pennsylvania.
Cũng trong ngày, quyền chọn và hợp đồng tương lai liên quan đến chỉ số chứng khoán và cổ phiếu riêng lẻ đáo hạn cùng lúc, một sự kiện được gọi là "triple witching".
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 19,97 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 11,48 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Vào thứ Tư (18/9), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã chính thức bắt đầu cho kỳ nới lỏng chính sách và dự báo một giai đoạn tăng trưởng kinh tế ổn định với tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát thấp.
Đến phiên 20/9, bình luận của Thống đốc Fed Christopher Waller đã một lần nữa làm tăng kỳ vọng rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,50 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng 11.
Tuy nhiên, trước đó Thống đốc Fed Michelle Bowman lại bày tỏ ý kiến cho rằng Fed nên bắt đầu chu kỳ cắt giảm với một mức độ nhỏ hơn, ví dụ như 0,25 điểm phần trăm.
"Thị trường vẫn đang cố gắng điều chỉnh lại vì dù có nhiều người kỳ vọng cắt giảm 0,50 điểm phần trăm, nhưng không phải tất cả đều đồng ý với điều đó”, Sid Vaidya, chiến lược gia trưởng tại TD Wealth cho biết.
GIÁ DẦU KẾT THÚC TUẦN Ở MỨC CAO
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm nhẹ vào thứ Sáu nhưng vẫn ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp, được hỗ trợ bởi việc Fed cắt giảm lãi suất và nguồn cung dầu của Mỹ giảm.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 39 cent, tương đương 0,52%, xuống còn 74,49 USD/thùng. Dầu thô WTI giảm 3 cent, tương đương 0,4%, xuống còn 71,92 USD/thùng.
Các dấu hiệu chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc, một trong những nước tiêu thụ hàng hóa lớn, đã hạn chế đà tăng giá. Tuy nhiên, cả hai hợp đồng đều tăng hơn 4% trong tuần này.
Giá đã quay đầu phục hồi sau khi dầu Brent hôm 10/9 lần đầu tiên rơi xuống dưới 69 USD sau gần ba năm.
Một ngày sau khi Fed hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào thứ Tư, giá dầu đã bật tăng hơn 1%.
"Việc cắt giảm lãi suất của Fed đã hỗ trợ tâm lý rủi ro, làm suy yếu đồng USD và hỗ trợ giá dầu thô trong tuần này. Tuy nhiên, cần có thêm thời gian để các đợt cắt giảm lãi suất có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu”, Giovanni Staunovo, nhà phân tích tại UBS nhận xét.