Reid Hoffman: "Người giấu mặt" của LinkedIn và các thương vụ đình đám tại Silicon Valley

Reid Hoffman sáng lập mạng xã hội nghề nghiệp lớn nhất thế giới - LinkedInlà và là nhà đầu tư của những dự án nổi tiếng thế giới như Facebook, PayPay, Airbnb…
Reid Hoffman: "Người giấu mặt" của LinkedIn và các thương vụ đình đám tại Silicon Valley

Từng mong muốn trở thành học giả của công chúng nhưng Reid Hoffman sau này lại theo đuổi con đường kinh doanh để thực hiện giấc mơ thay đổi thế giới. Mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn do ông cùng đồng sự phát triển là cầu nối cho hàng triệu nhà tuyển dụng và người tìm việc.

Thống kê đến tháng 4/2017, LinkedIn có 500 triệu thành viên tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 106 triệu người dùng thường xuyên. Ngoài ra, Hoffman cũng là nhà đầu tư mát tay nổi tiếng tại thung lũng Silicon, được giới startup công nghệ rất yêu thích. Tài sản hiện nay của ông được Forbes ước tính khoảng 3,2 tỷ USD.

Tỷ phú sinh năm 1957 tại Palo Alto và lớn lên ở Berkeley, California, Mỹ. Bố mẹ ông đều là luật sư, đồng thời là các nhà hoạt động chính trị theo cánh tả. Năm 10 tuổi, cô giữ trẻ đã giới thiệu cho Hoffman trò chơi Dungeons and Dragons, từ đó khơi dậy trong cậu bé tình yêu với việc đề ra chiến lược và nhiệm vụ khi chơi game. Đến năm 12 tuổi, ông được một nhà làm game mời tư vấn sau khi chỉ ra những điểm không hay trong trò chơi của họ.

“Khi là một đứa trẻ, ta luôn bị ám ảnh, thế nên tôi làm việc từ ngày này qua ngày khác và tất cả giúp tôi hình thành một tư duy chiến lược mà sau này rất hữu ích khi bước vào con đường kinh doanh”, ông chia sẻ.

Hoffman sớm có mong muốn được sống độc lập và thuyết phục bố mẹ cho gửi đến trường nội trú Putney ở Vermont. Trong chương trình học của ông có các môn như thợ rèn, làm gỗ và các kỹ năng làm nông.

Ở một bài phỏng vấn bạn học và giáo viên của Hoffman cho tạp chí của trường Putney năm 2009, mọi người nhận xét ông là cậu bé nội tâm và thường thể hiện mặt thông minh những khi phát biểu trong các buổi học.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Hoffman trở lại California để theo đuổi chương trình đại học tại Stanford. Ở đây, ông tìm thấy nhiều người có tư duy giống mình, trong đó có nhà đầu tư nổi tiếng Peter Thiel vào năm thứ hai đại học. Thời điểm đó, Hoffman nổi tiếng là một nhà hoạt động vì cộng đồng, còn Thiel lại được biết đến là người theo chủ nghĩa tự do. Sự khác nhau lại đưa hai người đến gần và tình bạn này được xem là mối giao kết có tác động mạnh mẽ nhất tại thung lũng Silicon.

Hoffman tốt nghiệp năm 1990 với tấm bằng cử nhân Hệ thống biểu tượng, ngành duy nhất ở Standford kết hợp giữa khoa học máy tính và triết học ứng dụng. Ông quyết định theo đuổi con đường trở thành học giả của công chúng nên đã gia nhập Đại học Oxford và lấy bằng thạc sĩ Triết học vào 1993. Aristotle, Friedrich Nietzsche và Ludwig Wittgenstein là những nhà triết học mà ông yêu thích.

Trong thời gian ở Oxford, Hoffman nhận ra nếu tiến sâu vào học thuật, ông sẽ tập trung vào việc viết những kiến thức hàn lâm hơn là theo đuổi câu hỏi dài hơi đầy tham vọng là “Mình có thể giúp gì cho xã hội?”.

Tỷ phú cho biết không hối hận về con đường học vấn mình chọn lựa nhưng lại quyết định dấn thân vào lĩnh vực công nghệ. Vì sao? Hoffman chứng kiến các doanh nhân xây dựng những công ty tạo ra những phát kiến thay đổi thế giới và ông thật sự tin tưởng vào những gì mình thấy.

Sau thời gian ngắn làm việc tại Apple và Fujitsu, Hoffman quyết định mở công ty công nghệ riêng vào năm 1997 với trang web có tên SocialNet - nơi giúp mọi người đặt lịch hẹn và kết nối với bạn bè, trở thành một trong những mạng xã hội đầu tiên trên thế giới.

Tuy nhiên, ở thời điểm đó, sản phẩm chưa phải là phù hợp với thị trường và sự thiếu kinh nghiệm của Hoffman khiến ông quyết định dừng dự án vào 1999. Song tỷ phú cho rằng đó là một trải nghiệm cần thiết, quan trọng về cả mạng xã hội và xây dựng một công ty để làm tiền đề cho những bước đi sau đó.

Tháng 12/1998, Thiel ngỏ lời mời Hoffman gia nhập công ty thanh toán online PayPal do ông sáng lập. Ban đầu Hoffman tham gia hội đồng quản trị và đến năm 2000 thì chính thức dành toàn thời gian cho dự án. Hai người cùng những biểu tượng công nghệ mới nổi khác như Elon Musk và các nhà sáng lập Youtube đã tạo thành nhóm nổi tiếng mà người ta gọi là “PayPal Mafia”.

Sau khi eBay mua lại PayPal năm 2002 với giá trị 1,5 tỷ USD, tất cả những thành viên chủ chốt của dự án đều trở thành tỷ phú và theo đuổi những sự nghiệp khác nhau với công ty riêng của mình.

Trong đó, Hoffman dùng tiền kiếm được từ PayPal để xem xét lại dự án mạng xã hội từng dừng lại mấy năm trước. Ông rủ bốn người khác gồm bạn và đồng nghiệp cũ sáng lập LinkedIn năm 2002 như là một trung tâm tìm việc chuyên nghiệp đầy tham vọng.

Năm 2004, cậu sinh viên 20 tuổi bỏ học có tên Mark Zuckerberg tiếp cận Hoffman và hỏi ông có hứng thú với startup mạng xã hội Facebook hay dịch vụ chuyển file Wirehog của cậu hay không. Hoffman rất tò mò nhưng không muốn trở thành nhà đầu tư chủ chốt trong dự án tiềm năng bởi ông cũng đang chạy một mạng xã hội khác. Ông đã gọi cho Thiel và hai người cùng đến gặp Zuckerberg.

Hoffman kể thời điểm đó cả ông và Thiel đều thấy Zuckerberg là cậu trẻ khó chịu và vụng về nhưng vẫn chấp nhận đầu tư. Đó là những khoản tiền gọi vốn đầu tiên của Facebook và Thiel đã tham gia vào hội đồng quản trị mạng xã hội này.

Hoffman và Thiel trở thành bạn và cố vấn cho Zuckerberg đến nay đã 16 năm. “Tôi chưa từng thấy ai có sự chuyển biến khủng khiếp như cậu ấy khi trở thành một CEO thật sự có năng lực và tầm nhìn rất xa”, ông nhận xét về nhà sáng lập Facebook.

Hoffman đảm nhiệm vai trò CEO tại LinkeIn trong 4 năm và lui về vị trí Chủ tịch hội đồng quản trị vào 2007 lúc công ty đã ổn định. Dù giữ tăng trưởng bền vững về cả người dùng và các công việc trên dịch vụ nhưng mạng xã hội này vẫn đi chậm so với kỳ vọng của các nhà đầu tư. Hoffman và CEO Jeff Weiner quyết định điều tốt nhất cho LinkedIn là gia nhập một công ty lớn hơn. Đó là lý do họ thông báo trở thành một phần của Microsoft vào tháng 6/2016 trong thương vụ mua lại trị giá 26,2 tỷ USD và Hoffman trở thành thành viên trong hội đồng quản trị Microsoft.

Hoffman thừa nhận đó là một trong những quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời ông nhưng cho rằng hợp nhất với Microsoft sẽ giúp công ty tiến gần hơn đến sứ mệnh của mình.

Song song việc xây dựng LinkedIn trở thành mạng xã hội nghề nghiệp lớn nhất thế giới, Hoffman cũng là một trong những nhà đầu tư được yêu thích và biết đến rộng rãi tại thung lũng Silicon. Năm 2009, ông trở thành đối tác của công ty đầu tư mạo hiểm Greylock và các thương vụ đầu tư giá trị nhất của họ có thể kể đến Airbnb, Mozilla, Zynga…

Thông qua các thương vụ đầu tư, Hoffman cũng xây dựng được mạng lưới các doanh nhân và nhà điều hành trong lĩnh vực công nghệ. Ông trở thành người kết nối, nhà đầu tư vào những dự án tiềm năng đúng theo con đường định hình cho sự nghiệp của mình: tác động thay đổi thế giới.

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…