Rivera Park: Ở đâu nghìn tỷ đồng?

Khai trương, giới thiệu nhà mẫu; rầm rộ thông tin ngân hàng tài trợ kèm bảo lãnh tiến độ dự án để "câu" người mua nhà tại dự án Rivera Park Hà Nội. Nhưng vai trò của Long Giang Land tại dự án này là g
Rivera Park: Ở đâu nghìn tỷ đồng?

Theo giấy chứng nhận đầu tư (điều chỉnh) của UBND Tp. Hà Nội cấp ngày 28/7/2014, công ty CP Tu bổ di tích Trung ương (Vinaremon) và công ty CP Đầu tư & Phát triển đô thị Long Giang là hai đơn vị đồng đứng tên nhà đầu tư dự án Rivera Park Hà Nội (số 69 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân).

Đồng thời, dự án được quy định tiến độ thực hiện là hoàn thành vào quý II/2017. Vẫn là liên minh hai nhà (theo hợp đồng hợp tác kinh doanh ký năm 2009 giữa 2 đơn vị), nhưng tới nay, dự án đã “phình” ra về quy mô sản phẩm (666 căn thay vì 400 căn như ban đầu) lẫn tổng mức đầu tư (từ gần 760 tỷ đồng lên tới trên 1.300 tỷ đồng như thời điểm hiện tại).

Show diễn của Long Giang Land

Về pháp lý sử dụng đất, khu đất dự án ghi nhận hồ sơ như sau: Quyết định 744/QĐ-UBND ngày 11/2/2015 của UBND Tp. Hà Nội về việc thu hồi 387,5m2 đất hiện là khu nhà ở và giao cho Vinaremon sử dụng cùng với 10.847m2 đất tại số 69 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân để đầu tư xây dựng dự án; Trích lục bản đồ tỷ lệ 1/2000 do Sở TN&MT cấp tháng 10/2015… Tạm hiểu, quyền sử dụng đất tại dự án được cho là thuộc về Vinaremon trong liên danh Vinaremon-Long Giang Land.

Trong khi đó, căn cứ chứng nhận đầu tư ban đầu (nội dung không thuộc phạm vi điều chỉnh) cho thấy, tổng vốn đầu tư dự án (suýt xoát 760 tỷ đồng) được xác định gồm: 112,5 tỷ đồng của Long Giang Land, 255 tỷ đồng vốn vay và gần 392,4 tỷ đồng đến từ việc huy động. Tuy nhiên, phải tới những động thái mới đây của cả hai phía (Vinaremon và Long Giang Land) thì vai trò cụ thể của từng bên mới sáng tỏ, đặc biệt là Long Giang Land với tham vọng dựng lên một thương hiệu độc lập trong làng địa ốc.

Tháng 4/2016, ĐHĐCĐ bất thường của Long Giang Land thông qua chủ trương phê duyệt tổng mức đầu tư dự án 69 Vũ Trọng Phụng dự kiến vào khoảng 1.327,98 tỷ đồng. Trong đó, nổi lên mức chi phí GPMB, tiền sử dụng đất ngót nghét 205,7 tỷ đồng. Thậm chí, HĐQT Long Giang Land được giao nhiệm vụ “quyết định về nguồn vốn đầu tư, được thế chấp dự án để phục vụ vay vốn và huy động vốn” cho dự án. Cùng thời gian tháng 4, Vinaremon đã song song thông qua hàng loạt vấn đề tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên.

Ngoài tổng mức vốn đầu tư dự án (như Long Giang Land đã quyết định), Vinaremon ủy quyền toàn bộ cho Long Giang Land là đại diện chủ đầu tư thực hiện các công việc liên quan trong triển khai dự án như: huy động vốn để thực hiện dự án, thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án để vay vốn ngân hàng để thực hiện dự án….

Vật vã huy động vốn

Được huy động vốn, toàn quyền thực hiện tổ chức đầu tư dự án, “thoải mái” chủ động giá bán… nhưng có vẻ nhiệm vụ tìm kiếm nghìn tỷ đồng rót cho dự án dành cho Long Giang Land không hề dễ. Tháng 5 vừa qua, cổ đông của Long Giang Land tập trung “điều trần” Ban lãnh đạo của đơn vị về dự án Rivera Park – một trong hai dự án trọng điểm đánh dấu bước ngoặt về chiến lược kinh doanh.

Trấn an ĐHĐCĐ, Chủ tịch HĐQT Long Giang Land khẳng định doanh thu và lợi nhuận của hai dự án mang thương hiệu Rivera sẽ được ghi nhận vào ba năm 2017-2019, với tổng doanh thu 2.700-2.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến 100 tỷ đồng/năm. Riêng năm 2017, công ty ước tính sẽ ghi nhận doanh số bán khoảng 288 căn, doanh thu khoảng 700 tỷ, lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng.

Về Rivera Park Hà Nội, người đứng đầu Long Giang Land tự tin vì đơn vị chưa phải thực hiện bất kỳ hợp đồng vay tín dụng nào đối với dự án. Vì thế, “nếu tình huống xấu nhất xảy ra, có thể dừng dự án bất cứ lúc nào”?! Hé mở về việc đã nhận được thỏa thuận của BIDV về khoản vay 500 tỷ đồng (để phục vụ dự án trong trường hợp xấu), lãnh đạo Long Giang Land đồng thời nêu chủ trương phát hành gần 15 triệu cổ phiếu để tăng vốn và 100 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi nhằm huy động vốn cho hai dự án.

Tuy nhiên, về đợt phát hành 10 triệu CP (ngay trong năm 2016), cổ đông chất vấn tại sao HĐQT đặt mức giá phát hành cho cổ đông hiện hữu không dưới 10.000 đồng/CP trong khi thị giá của CP LGL đang thấp hơn mệnh giá? Lãnh đạo HĐQT lý giải khá mơ hồ: thị giá của cổ phiếu đang thấp nhưng ban lãnh đạo nhận thấy rằng công ty đã bước qua giai đoạn khủng hoảng và đặt chân vào thời kỳ phát triển tăng trưởng, nên dự kiến giá cổ phiếu cũng sẽ hồi phục mặc dù sẽ có độ trễ nhất định(!)

Tới tháng 8 gần đây, áp lực về vốn của siêu dự án tại Vũ Trọng Phụng đã lên cao tới mức Long Giang Land phải “cầu cứu” chính đối tác Vinaremon – đơn vị ghi nhận quyền sử dụng đất. Với các lý do như dự án đang gấp rút triển khai thi công để hoàn thành hạng mục móng, tầng hầm đến cos 0.00 (điều kiện để dự án được phép kinh doanh bán nhà); “Dự án chưa được ngân hàng tài trợ tín dụng và cũng chưa bán nhà cho khách hàng”… nên nhu cầu vốn cho dự án rất khó khăn.

Thậm chí, tài liệu cho thấy, dự án còn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất. Kết lại, giải pháp tình thế giữa thời điểm nước sôi lửa bỏng mà Long Giang Land đề nghị tới Vinaremon là huy động vốn từ chính CBNV của Vinaremon (có nhu cầu mua căn hộ dự án).

Theo Đông Hưng/TBKD

Có thể bạn quan tâm

"Ghìm cương" giá nhà ở xã hội

"Ghìm cương" giá nhà ở xã hội

Nhiều dự án nhà ở xã hội cũ đã tăng giá đáng kể, thậm chí có những dự án mức giá ngang bằng với chung cư thương mại...

Vinhomes ra mắt nhà mẫu The Premium

Vinhomes ra mắt nhà mẫu The Premium

Sự kiện ra mắt nhà mẫu Vinhomes The Premium đã thực sự làm nóng thị trường bất động sản Thanh Hóa, với thiết kế lấy cảm hứng từ những khu vườn Nhật Bản, cùng hệ thống tiện ích đẳng cấp 5 sao như bể bơi vô cực...

Aqua City là một trong những dự án then chốt của Novaland

Novaland nhận tin vui khi nút thắt pháp lý Aqua City được tháo gỡ

Ngày 19/11, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Võ Tấn Đức chính thức phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung 1/10.000, đánh dấu bước quyết định trong việc tháo gỡ pháp lý cho dự án Aqua City của Tập đoàn Novaland, vốn đã bị vướng mắc hơn 2 năm qua…