Sở dĩ nói Tà Xùa, Bắc Yên, Sơn La là một nơi đáng đến, là vì bản làng nơi đây nằm ở độ cao hơn 1.000 m so với mặt nước biển, được thiên nhiên ưu đãi cho thời tiết 1 ngày 4 mùa, khí hậu mát mẻ, không khí trong lành, nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển các loại hình du lịch sinh thái, là điểm đến hấp dẫn thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm.
Từ thị trấn Bắc Yên lên đến đỉnh núi Tà Xùa, nơi có các bản làng người Mông sinh sống, khoảng 15 km. Đường lên Tà Xùa vài năm trở lại đây đẹp hơn trước nhiều. Con đường mặc dù uốn lượn ngoằn ngoèo, núi cao, vực thẳm, nhiều khúc cua tay áo song du khách vẫn thấy hứng khởi say mê bởi cảnh quan hùng vĩ hai bên đường, được ngắm toàn cảnh thị trấn Bắc Yên nằm dưới chân núi tưởng gần mà xa.
Xã Tà Xùa cách đây mấy năm thuộc xã nghèo nhất huyện Bắc Yên, đường xá đi lại khó khăn, nên cũng dễ hiểu, chỉ 10 năm trước đây, các bản làng người Mông này còn chìm trong đói nghèo, số ít người dân biết tiếng Kinh. Đồng bào Mông chủ yếu làm nương rẫy trồng lúa, trồng ngô... nhưng quanh năm không đủ ăn.
Ngồi trên xe để đến Tà Xùa, chỉ cần mở cửa kính, du khách cảm nhận được từng chùm mây lạnh buốt của chiều đông sà vào. Đón chúng tôi là cô gái người Mông - Mùa Thị Tồng, nhân viên của Công ty Trà và đặc sản Tây Bắc. Tồng cho biết, hầu hết người dân trong xã đều làm nương rẫy, nhưng từ khi công ty này đến Tà Xùa khảo sát vùng nguyên liệu sản xuất trà shan tuyết và đặt nhà máy tại đây, thì cuộc sống của người dân đang thay đổi từng ngày.
Đoàn chúng tôi nghỉ tại Trà Mây Hostel Tà Xùa ngay tại trung tâm xã, Tồng giới thiệu, đây là một trong những homestay có nhiều chỗ nghỉ nhất tại Tà Xùa. Điều mà chúng tôi thấy thú vị, homestay này được hình thành bởi tâm niệm của vị chủ nhà, cũng chính là vị giám đốc Công ty Trà và đặc sản Tây Bắc, không chỉ là chỗ dừng chân của du khách săn mây, săn vẻ đẹp hoang sơ của Tà Xùa, mà còn thưởng thức đặc sản trà shan tuyết Tà Xùa mang thương hiệu Shanam.
Ngày hôm sau, chị Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Công ty Trà và đặc sản Tây Bắc dẫn đoàn công tác của chúng tôi đi khám phá vẻ đẹp của Tà Xùa. Vốn là người có kinh nghiệm vì sống ở vùng này đã lâu, muốn săn mây phải đi từ rất sớm nên chị Thắm kéo mọi người đang nằm trong chăn ấm từ 4 giờ sáng. Ai cũng ngái ngủ, không muốn ra khỏi chăn ấm nhưng nghe tiếng gọi nhau đi săn mây từ sáng sớm, tất cả tung chăn, nhanh chóng mặc áo ấm và lên đường.
Để đến được “sống lưng Khủng Long”, địa điểm săn mây của giới “phượt thủ” cỡ 5 km nhưng đường khó đi, chúng tôi phải mất hơn 1 tiếng mới tới nơi.
Nếu nhìn từ xa, ngọn núi giống như sống lưng của con khủng long thời tiền sử đang nằm ngủ. “Sống lưng Khủng Long” là một điểm ngắm mây lý tưởng. Sáng sớm, khi mặt trời vừa ló rạng cũng là thời điểm xuất hiện những áng mây trắng bồng bềnh, lãng đãng ôm lấy “sống lưng Khủng Long”, điểm tô một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp.
Ở Tà Xùa cả bốn hướng đều được bao phủ bởi biển mây trắng xóa. Đứng trên đỉnh Tà Xùa nhìn xuống, du khách như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh chỉ có trong cổ tích thần thoại. Thung lũng mây Tà Xùa được che chắn bởi dãy núi hùng vĩ, trùng điệp nên Tà Xùa khá lặng gió, du khách sẽ cảm nhận được lớp mây bồng bềnh tan trong bàn tay như những lớp sóng dập dềnh trên hồ nước.
Chiều hôm ấy, đoàn của chúng tôi tiếp tục đi thăm rừng sơn tra (táo mèo) và rừng chè cổ thụ tại bản Bẹ, một bản xa nhất xã, có nhiều cây chè cổ thụ nhất xã. Chị Thắm cho biết, đây là nguồn nguyên liệu chính để công ty sản xuất ra một thứ trà shan tuyết đặc sản ở vùng này.
Tìm hiểu về du lịch cộng đồng từ những người bản địa, họ đã kể cho chúng tôi nghe, Tà Xùa vẫn còn hoang sơ, du khách đến vẫn tìm được những khoảnh khắc êm đềm từ mây núi mang lại.
Tiềm năng là thế, nhưng ở Tà Xùa duy nhất chỉ có loại hình homestay lưu trú duy nhất, cơ sở vật chất vẫn còn nghèo nàn. Đây là điểm yếu khiến Tà Xùa chưa thể phát triển và chưa bắt kịp được với các khu vực có thắng cảnh khác.
Trò chuyện với Mùa A Xênh, chàng trai người Mông sinh năm 1997, vừa tốt nghiệp Cao đẳng xây dựng, lập nghiệp ngay trên chính quê hương mình. Mùa A Xênh cho biết, sau khi ra trường, sẵn với kiến thức về xây dựng, anh thấy quê hương mình có tiềm năng về du lịch, nên đã mạnh dạn đầu tư homestay với 4 phòng ngủ nhỏ và 1 phòng cộng đồng. Anh cho biết, giá phòng riêng 250.000 đồng/phòng, còn phòng cộng đồng 50.000 đồng/người.
Trà Mây Hostel Tà Xùa lại có một đặc điểm riêng, đó là khách du lịch vừa có thể dừng chân để săn mây, vừa được thưởng thức đặc sàn trà shan tuyết mang thương hiệu Shanam được người dân thu hái và Công ty Trà và đặc sản Tây Bắc sản xuất.
Quy mô nhất phải kể đến Tà Xùa Hill. Quản lý Giàng Thị Dợ chia sẻ, khu homestay này bao gồm 9 phòng ngủ nhỏ, 2 phòng lớn, giá 400-500.000 đồng/phòng, nhà sàn chung 80.000 đồng/người. Hàng năm, khách đến khá đông, nhưng năm nay dịch COVID-19 nên Tà Xùa Hills cũng rơi vào cảnh đìu hiu, ế ẩm.
Ngoài ra, còn có một số homestay như Tà Xùa Hobbit Homestay, Homestay Cộng Đồng H’mông Tà Xùa, Táo Homestay, May Home Tà Xùa... quy mô hộ gia đình nhỏ.
Dọc đường đi là những đồi chè cổ thụ xanh thẫm, đang vào dịp cuối năm, chè lác đác ra búp, thi thoảng chúng tôi gặp được đồng bào người Mông hái những búp chè vừa được nhú lên. Những búp chè xanh non, mang hương vị núi rừng thuần khiết, để ra một thức uống đậm chất trà tình.
Ông Lê Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên (Sơn La) tâm sự, Tà Xùa có thế mạnh là vùng nguyên liệu chè cổ, tầm từ 80-300 năm tuổi. Chính cây chè cổ đã làm thay đổi đời sống người dân.
Mặc dù có tiềm năng du lịch nhưng nơi lưu trú còn hoang sơ. Trước đại dịch, năm 2019 Tà Xùa đón khoảng gần 100.000 lượt khách. Năm 2020 do ảnh hưởng từ COVID-19 nên mới đón được khoảng gần 30.000 lượt khách.
Ông Kỳ chia sẻ, định hướng của huyện sẽ phát triển du lịch cộng đồng sinh thái kết hợp sản xuất nông nghiệp cao, nông nghiệp sạch và xanh. Các con đường vào rừng chè cổ ở Tà Xùa sẽ được đổ bê tông, nhằm tạo điều kiện cho khách du lịch tham quan và đồng bào người Mông khai thác. Kết thúc năm 2020, theo Nghị quyết số 77 của UBND tỉnh Sơn La, tại Tà Xùa đã hoàn thành các con đường liên thôn, liên xã. Phấn đấu năm 2021 xây dựng Tà Xùa thành xã Nông thôn mới.
Để phát triển du lịch, huyện cũng đang mời gọi các nhà đầu tư vào hạ tầng du lịch, khách sạn, nhà hàng... bên cạnh đó vẫn đảm bảo sinh thái bền vững. Hiện đã có gần 10 công ty đang thực hiện thủ tục đầu tư vào Tà Xùa. Huyện cũng hy vọng 3 năm nữa hạ tầng du lịch của Tà Xùa sẽ thay đổi, mỗi một người dân là một hướng dẫn viên du lịch bản địa.
Chia tay Tà Xùa vào sáng mùa đông, khi xuân đang rất gần. Tôi cứ nhớ mãi câu nói của vị Chủ tịch huyện Bắc Yên: “Tà Xùa sẽ được xây dựng quyhoạch để phát triển du lịch cộng đồng hiệu quả - chúng tôi chắc chắn sẽ kiểm nghiệm để phát triển bền vững những đặc sản nơi đây”. Một ngày không xa, du lịch sẽ thực sự là đòn bẩy giúp Tà Xùa “Xuân cả 4 mùa”.