Sau 7 năm, dân cụm chung cư N05 dự án Đông Nam đường Trần Duy Hưng vừa nhận 80 tỷ đồng quỹ bảo trì

Chủ đầu tư dự án chung cư N05 Trung Hòa - Nhân Chính là Tổng công ty CP Vinaconex vừa chuyển giao gần 80 tỷ đồng quỹ bảo trì cho Ban Quản trị tòa nhà sau 7 năm đi vào sử dụng.
Sau 7 năm, dân cụm chung cư N05 dự án Đông Nam đường Trần Duy Hưng vừa nhận 80 tỷ đồng quỹ bảo trì

Ngày 4/10, sau 7 năm dự án cụm nhà ở hỗn hợp chung cư kết hợp văn phòng dịch vụ tại lô đất N05 (gọi tắt là dự án cụm chung cư N05) có địa chỉ phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đi vào hoạt động, chủ đầu tư đã bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị tòa nhà.

Theo đó, số tiền quỹ bảo trì cụm chung cư N05 là gần 80 tỷ đồng (bao gồm tiền bảo trì và tiền lãi phát sinh từ các hợp đồng tiền gửi đến ngày 30/9/2018).

Theo thông tin, 4 tổ hợp chung cư N05 ngày càng xuống cấp, nguyên nhân được cho là do việc chậm trễ bàn giao quỹ bảo trì trong suốt nhiều năm khiến không ít khó khăn trong quá trình duy tu, bảo dưỡng.

Cụm chung cư N05 thuộc dự án khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, được UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 10/7/2007 và giao cho Tổng Cty CP Vinaconex làm chủ đầu tư.

Quy mô dự án gồm 4 tòa nhà chung cư 25T1, 25T2, 29T1 và 29T2 cùng với 3 tầng hầm. Dự án đã được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng từ cuối năm 2011 với trên 720 căn hộ với quy mô hơn 3.000 tỷ đồng.

Theo quy định của pháp luật, sau khi bán nhà, chủ đầu tư thu tiền phí bảo trì 2% giá trị căn hộ và phải lập 1 tài khoản, gửi ngân hàng toàn bộ quỹ bảo trì để sau này bàn giao cho ban quản trị tòa nhà.

Tuy nhiên, sau nhiều năm cụm chung cư này bàn giao, chủ đầu tư vẫn chưa trả lại người dân số tiền bảo trì là 70 tỷ đồng. Nên người dân gửi đơn kiến nghị lên Tổng Cty CP Vinaconex để yêu cầu bàn giao lại số quỹ trên, đồng thời công khai tên ngân hàng, số tài khoản đang gửi tiền và bản sao kê chi tiết việc sử dụng nguồn tiền này.

Sau rất nhiều lần phát công văn yêu cầu Vinaconex trả lời, người dân chung cư đã nhận được văn bản giải thích việc chậm trễ bàn giao quỹ bảo trì là do văn bản pháp luật chưa có sự thống nhất. Vinaconex phải “đi hỏi” cơ quan quản lý, nên người dân cần phải chờ đợi.

Tổng Cty CP Vinaconex có địa chỉ tại Tòa nhà VINACONEX - 34 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội. Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Đức Chi, tổng giám đốc là ông Đỗ Trọng Quỳnh.

Tổng Cty Vinaconex hiện tại có 25 công ty con, 3 công ty liên doanh, 16 công ty liên kết. Ngoài ra còn có 6 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Vinaconex là doanh nghiệp có nhiều dự án chung cư tại Hà Nội và do thế cũng liên tục dính những lùm xùm liên quan tới chung cư. Doanh nghiệp này từng bị thu hồi gần 900 tỷ đồng sai phạm cổ phần hóa. 

Chủ đầu tư Vinaconex 2 từng bị kết luận sai phạm khi tự ý chia tách, thay đổi thiết kế tại dự án Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) và vi phạm về an toàn PCCC tại dự án tòa A Lô C3, P.Xuân Đỉnh, Q.Bắc Từ Liêm.

Công ty Cổ phần xây dựng 3 (Vinaconex 3) đã bị kết luận vi phạm Luật Ngân sách, gây thất thu ngân sách Nhà nước số tiền lớn, làm sai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất tại hai dự án: Dự án đầu tư xây dựng công trình văn phòng, dịch vụ công cộng, nhà ở và trường học tại 310 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng và Dự án Khu nhà ở Trung Văn tại phường Trung Văn và Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm.

Cty CP Bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai cũng từng bị kết luận xây dựng sai dự án đầu tư xây dựng khu chung cư cho người có thu nhập thấp Vinaconex Xuân Mai – Vĩnh Phúc.

>>Agrimeco đã thoái hết vốn tại Năng lượng Vinaconex (VCP)

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…