Đây là hội nghị quan trọng nhằm đánh giá tình hình sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2015 và bàn đưa ra các giải pháp để thúc đẩy quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020 thực chất và hiệu quả hơn.
"Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, sau 15 năm sắp xếp lại, số DNNN đã giảm mạnh từ khoảng 6.000 xuống còn 718 doanh nghiệp tính đến tháng 10 năm nay.
Giai đoạn 2011-2015, cả nước đã sắp xếp được 591 doanh nghiệp Nhà nước, đạt 96% kế hoạch. Giai đoạn này không phát sinh thêm các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ lớn như giai đoạn trước giống như Vinashin, Xơ sợi Đình Vũ, Thép Thái Nguyên giai đoạn 2...
Phần lớn các doanh nghiệp sau cổ phần hóa làm ăn có lãi. Tổng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp Nhà nước tăng từ 810.000 tỷ đồng lên 1.234.000 tỷ đồng.
Tuy vậy, quá trình sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp này thấp so với nguồn lực đang nắm giữ; việc sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước ở nhiều bộ, địa phương và tập đoàn kinh tế, tổng công ty chưa đạt kế hoạch phê duyệt...
Tham gia ý kiến làm rõ nguyên nhân khiến tiến độ cổ phần hóa chậm, ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam thẳng thắn thừa nhận đó là không có sự quyết liệt từ nội tại các doanh nghiệp, không có quyết tâm đổi mới để hội nhập thực sự, thiếu tính tự giác và trách nhiệm đối với Chính phủ và đất nước.
Ngoài việc cần quyết liệt trong việc gắn trách nhiệm cá nhân lãnh đạo các doanh nghiệp Nhà nước để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, lãnh đạo một số tập đoàn cũng cho rằng cần đẩy tiến hành cổ phần hóa từ trên xuống. Tức cổ phần hóa các công ty mẹ của các tập đoàn cùng với việc cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên.
Đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên nêu lên vướng mắc về chuyện thuê tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp khi xây dựng phương án cổ phần hóa ba Tổng Công ty phát điện 1,2 và 3. Theo ông Thành, hiện nay giá trị lựa chọn tư vấn bị hạn chế rất thấp, nên việc đấu thầu và lựa chọn tư vấn mà có năng lực, kinh nghiệm và đặc biệt là các nhà tư vấn nước ngoài sẽ không chọn được.
EVN cũng đã hai lần lựa chọn tư vấn cho Tổng Công ty phát điện 1 và 3 đều là các công ty tư vấn trong nước. Tất cả các nhà tư vấn có năng lực và có kinh nghiệm của nước ngoài không tham gia. Ông Thành kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sửa đổi các quy định lựa chọn tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp cũng như phương án cổ phần hóa.
Nhiều bộ, địa phương cũng đề nghị, với những doanh nghiệp mà vốn Nhà nước nắm dưới 49% nên thoái hết vốn Nhà nước. Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, lợi ích cục bộ chính là rào cản lớn đối với tiến trình cổ phần hóa, chưa thực sự tạo động lực để thoái vốn cổ phần hóa.
“Danh sách xếp loại DNNN ở trên tay nhưng tôi chưa ký chính vì cần phải thống nhất, những DN nào cần thoái vốn toàn bộ, những DN nào cần chi phối và nếu cần nắm giữ thì ở tỷ lệ bao nhiêu phần trăm?”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng nhấn mạnh, phải coi công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước là nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2017. Theo Thủ tướng, thực tế công tác cổ phần hóa năm 2015 cho thấy, 350 doanh nghiệp cổ phần hóa đều làm ăn hiệu quả, nộp ngân sách, lợi nhuận trước thuế tăng 49%, nộp ngân sách tăng 27%, vốn điều lệ đều tăng 72%, thu nhập người lao động tăng tới 33%... Đây là ví dụ cho thấy quá trình cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước là rất ích lợi.
Bài học cho thấy cần phải sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước một cách đúng lộ trình, đúng cách làm để thay đổi quản trị doanh nghiệp, môi trường lành mạnh, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân cùng phát triển. Đặc biệt, công tác cổ phần hóa còn góp phần phòng chống tham nhũng.
Về định hướng cổ phần hóa, Thủ tướng yêu cầu tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy cổ phần hóa và tạo môi trường cạnh tranh cả thị trường đầu vào và đầu ra trong hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước. Khu vực doanh nghiệp Nhà nước phải nhỏ đi, từng doanh nghiệp Nhà nước phải mạnh nhưng hiệu quả phải cao hơn, vốn Nhà nước phải được bảo toàn, phát huy tác dụng tốt hơn. “Hiện vốn Nhà nước chiếm tỷ lệ cao quá, trong khi chúng ta khó khăn như thế, chúng ta chôn vốn vào đây thì nợ công, nợ xấu không tăng làm sao được?” Thủ tướng đặt câu hỏi.
Về nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước năm 2017, Thủ tướng chỉ đạo một số nội dung quan trọng, trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là phải xác định được lĩnh vực nào Nhà nước cần nắm giữ và lĩnh vực nào Nhà nước cần rút ra. Quan điểm chỉ đạo là những lĩnh vực công ích và một số lĩnh vực thất bại thị trường (tức không ai làm hoặc vấn đề độc quyền tự nhiên), Nhà nước nắm vai trò chi phối. Những lĩnh vực còn lại, Nhà nước cần rút ra theo một tỷ lệ phù hợp, hoặc rút ra 100% để thị trường phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Tinh thần này phải được quán triệt trong quá trình chuẩn bị cổ phần hóa, Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng cũng cho biết tiếp thu các ý kiến của các đại biểu về vấn đề này và sẽ ký sửa đổi Quyết định 37 của Thủ tướng về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp Nhà nước ngay sau Hội nghị này.
Tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu lành mạnh hóa hoạt động của doanh nghiệp, giải quyết tốt các vướng mắc, mâu thuẫn có thể là rào cản đối với tiến trình cổ phần hóa; giao trách nhiệm cho cá nhân lãnh đạo bộ, ngành, địa phương phải thực hiện được lộ trình cổ phần hóa. Thủ tướng nhấn mạnh lãnh đạo đơn vị nào không làm hoặc làm chậm, làm thất thoát tài sản của Nhà nước khi cổ phần hóa sẽ phải bị xử lý.
Nhóm nhiệm vụ nữa Thủ tướng nhấn mạnh đó là khi sắp xếp, cổ phần hóa, mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước, bán cổ phần đúng giá trị thị trường thời điểm bán. Muốn vậy, cần mời nhà tư vấn quốc tế có uy tín, có trình độ tham gia vào quá trình này.
Các doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty cần có cơ chế đột phá trong việc thuê tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý công nợ, phương thức chào bán, theo hướng mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện quy định nâng cao chất lượng và trách nhiệm của tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, kể cả việc thuê tư vấn quốc tế. Cùng với đó là có cơ chế phù hợp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống mức đủ đê thay đổi quản trị doanh nghiệp một cách thực chất, quy định trách nhiệm thực hiện cam kết của cổ đông chiến lược.
Thủ tướng đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu, đó là nếu doanh nghiệp có vốn Nhà nước dưới 49%, có thể bán phần vốn đó.
>> Nhà đầu tư ngoại "chán" cổ phần hóa tại Việt Nam