Kết thúc phiên 26/1, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 0,16% lên 38.109,43 điểm, S&P 500 trượt 0,07% và đóng ở mức 4.890,97 điểm, chỉ số Nasdaq giảm 0,36% còn 15.455,36 điểm.
S&P 500 ở những phiên gần đây đã quay trở lại mức cao kỷ lục lần đầu tiên sau hai năm, phần lớn nhờ sự lạc quan về nền kinh tế và lãi suất thấp hơn, cũng như làn sóng đặt cược vào trí tuệ nhân tạo.
Ngay cả khi S&P 500 và Nasdaq kết thúc phiên ở mức thấp hơn, cả ba chỉ số chính đều ghi nhận tuần tăng thứ ba liên tiếp và là tuần tăng thứ 12 trong tổng số 13 chỉ số. Trong tuần này, S&P 500 tăng 1,06%, chỉ số Dow Jones tăng 0,65% và Nasdaq tăng 0,94%.
Chỉ số Philadelphia SE Semiconductor giảm 2,9%, giảm ở ngày thứ hai liên tiếp sau khi đóng cửa ở mức cao kỷ lục vào thứ Tư.
Cổ phiếu Intel lao dốc 11,9% xuống mức thấp nhất trong 6 tuần sau khi công ty đưa ra dự báo doanh thu thấp hơn nhiều so với ước tính do cuộc đua AI gay gắt trên toàn cầu và thị trường PC yếu kém.
Công ty cung cấp công cụ sản xuất chip KLA Corp mất 6,6% sau dự báo doanh thu quý 3 đáng thất vọng.
Cổ phiếu Apple cũng giảm gần 1% trước thời điểm báo cáo hàng quý sẽ được công bố vào thứ Năm tuần sau. Nhà sản xuất iPhone và Intel nằm trong số những cổ phiếu gây ảnh hưởng nặng nề nhất lên S&P 500.
Trong khi đó, Tesla đã phục hồi 0,3%, một ngày sau khi nhà sản xuất ô tô điện mất 12% do cảnh báo về tốc độ tăng trưởng chậm hơn vào năm 2024.
American Express tăng 7,1% và đạt mức cao kỷ lục nhờ dự báo lợi nhuận hàng năm cao hơn dự kiến.
Colgate-Palmolive thêm 2% khi hãng sản xuất kem đánh răng nổi tiếng công bố kết quả quý 4 khả quan.
Trong số các công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo thu nhập cho đến nay, 78,2% đã vượt kỳ vọng so với tỷ lệ trung bình là 67%, dữ liệu LSEG chỉ ra.
Khối lượng trên các sàn chứng khoán Mỹ là 9,6 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 11,6 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.
Về khía cạnh kinh tế, một báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân - thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - tăng vừa phải trong tháng 12. Điều này đã giữ mức lạm phát hàng năm dưới 3% trong tháng thứ ba liên tiếp và củng cố khả năng cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Peter Cardillo, chuyên gia kinh tế thị trường trưởng tại Spartan Capital Securities cho biết: “Đây là những con số tốt. Dựa trên số liệu GDP của ngày hôm qua, báo cáo này một lần nữa thúc đẩy kỳ vọng về một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng cho nền kinh tế Mỹ”.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng ở tuần thứ hai liên tiếp và đạt mức cao nhất trong gần hai tháng vào 26/1 do tăng trưởng kinh tế tích cực của Mỹ và các dấu hiệu kích thích của Trung Quốc thúc đẩy kỳ vọng về nhu cầu.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 1,12 USD, tương đương 1,4%, đạt mức 83,55 USD/thùng - mức cao nhất kể từ ngày 30/11/2023. Dầu thô WTI của Mỹ tăng 65 cent hay 0,8% lên 78,01 USD, cũng là mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
Cả hai loại dầu chuẩn này đều đạt mức tăng hàng tuần hơn 6%, đánh dấu mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 13/10 - thời điểm cuộc xung đột Israel-Hamas ở Gaza nổ ra.
Mối lo ngại về nguồn cung thể hiện rõ trong cấu trúc của hợp đồng tương lai dầu Brent. Chênh lệch giữa hợp đồng tháng đầu tiên với hợp đồng tháng thứ sáu của cả Brent và WTI đều tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11, cho thấy nhận thức về vấn đề nguồn cung có nguy cơ thắt chặt nhanh chóng.
“Kích thích kinh tế từ Trung Quốc, tăng trưởng GDP quý 4 mạnh hơn dự kiến ở Mỹ, dữ liệu lạm phát của Mỹ hạ nhiệt, rủi ro địa chính trị đang diễn ra và tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ giảm 9,2 triệu thùng trong tuần trước đã kết hợp lại để đẩy giá dầu lên cao hơn", Tim Evans, một nhà phân tích thị trường dầu độc lập nhấn mạnh.