Kết thúc phiên 5/8, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 1.033,99 điểm (-2,6%) thành 38.703,27 điểm, S&P 500 mất 160,23 điểm (-3,00%) còn 5.186,33 điểm và Nasdaq Composite trượt 576,08 điểm (-3,43%) xuống 16.200,08 điểm.
Cả ba chỉ số đều ghi nhận mức giảm lớn nhất trong ba ngày kể từ tháng 6/2022, với Nasdaq và S&P 500 đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5.
Cổ phiếu Apple đã trượt giảm 4,8% sau khi Berkshire Hathaway cắt giảm một nửa cổ phần của mình tại nhà sản xuất iPhone.
Nvidia, Microsoft và Alphabet cũng chìm trong sắc đỏ. Chỉ số biến động Cboe - thước đo sợ hãi của phố Wall - đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 28/10/2020. Tất cả 11 lĩnh vực của S&P 500 đều suy giảm, trong đó công nghệ là lĩnh vực có hoạt động yếu kém nhất.
Các nhà phân tích đã chỉ ra, tâm điểm của đợt bán tháo lần này là "Magnificent Seven", nhóm cổ phiếu trước đây đã đưa các chỉ số lên mức cao kỷ lục trong năm nay. Ngoài ra, một nguyên do khác có thể là việc tháo gỡ các vị thế giao dịch carry trade, nơi nhà đầu tư vay tiền từ các nền kinh tế có lãi suất thấp như Nhật Bản hoặc Thụy Sĩ để đầu tư vào các tài sản có lợi suất cao ở nơi khác.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 16,50 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 12,29 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch gần nhất.
Sau dữ liệu kinh tế đáng thất vọng được công bố vào tuần trước, bao gồm cả báo cáo việc làm của Mỹ, nỗi lo ngại về suy thoái kinh tế đã làm rung chuyển thị trường toàn cầu và khiến giới đầu tư rút lui khỏi các tài sản rủi ro.
Có ý kiến cho rằng nền kinh tế Mỹ đã suy yếu nhanh hơn dự kiến và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã mắc sai lầm khi tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao tại cuộc họp chính sách tháng 7.
Các nhà giao dịch hiện đặt cược 86% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 9, theo công cụ FedWatch của CME Group.
Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee đã có lời trấn an thị trường về lo ngại suy thoái, nhưng cho biết các quan chức Fed cần nhận thức được những thay đổi trong môi trường để tránh thắt chặt chính sách quá mức.
GIÁ DẦU GIẢM MẠNH
Thị trường năng lượng đã có một phiên giao dịch đầy biến động, hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 51 cent, tương đương 0,66%, xuống còn 76.30 USD/thùng, có thời điểm giao dịch quanh mức thấp nhất kể từ tháng 1/2024. Dầu thô WTI của Mỹ giảm 58 cent, tương đương 0,79%, xuống còn 72,94 USD/thùng.
Lo ngại suy thoái tại quốc gia tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới là một tín hiệu xấu cho nhu cầu trong tương lai, ngay cả khi dữ liệu tồn kho gần đây cho thấy nhu cầu đi lại đã tăng trong mùa hè.
Đà sụt giảm tiêu thụ diesel ở Trung Quốc, quốc gia có đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng nhu cầu dầu, đang tiếp tục đè nặng lên giá.
Trong khi đó, nguy cơ gián đoạn nguồn cung do xung đột Trung Đông là lý do chính giúp hạn chế mức giảm của dầu trong suốt cả ngày.