S&P 500 và Nasdaq chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng điểm

Chứng khoán Mỹ đảo chiều vào 21/11, trong đó S&P 500 và Nasdaq chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng điểm khi các cổ phiếu bán lẻ và công nghệ sụt giảm sau một số triển vọng ảm đạm…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)
Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE)

Kết thúc phiên 21/11, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 62,75 điểm (-0,18%) xuống 35.088,29 điểm, S&P 500 mất 9,19 điểm (-0,20%) còn 4.538,19 điểm và Nasdaq Composite trượt 84,55 điểm (-0,59%) thành 14.199,98 điểm.

Trong số 11 lĩnh vực chủ chốt của S&P500, bán dẫn ghi nhận mức giảm lớn nhất là 1,9%, theo sau là bán lẻ giảm 1,2%.

Ở các diễn biến riêng lẻ, cổ phiếu Best Buy mất 0,7% sau khi nhà bán lẻ điện tử dự kiến doanh số bán hàng hàng năm có nguy cơ giảm mạnh.

Tương tự, Lowe's Cos cũng đã giảm 3,1% bởi chuỗi cửa hàng nội thất dự kiến doanh thu hàng năm giảm mạnh hơn dự kiến trước đó và cắt giảm dự báo lợi nhuận trong năm.

Kohl's Corp rơi 8,6% do công ty không đạt được ước tính doanh thu quý 3.

Ford Motor giảm hơn 1% sau công bố về kế hoạch giảm đầu tư vào nhà máy pin ở Michigan trong bối cảnh nhu cầu xe điện suy yếu. Công ty cũng dự định cắt giảm 43% sản lượng tại nhà máy và giảm số lượng việc làm tại đó xuống còn 1.700.

Zoom Video Communications đóng cửa đi ngang sau khi báo cáo kết quả quý 3 cao hơn ước tính của các nhà phân tích, mặc dù một nhà phân tích Phố Wall coi những trở ngại kinh tế vĩ mô đang diễn ra vẫn là mối lo ngại lớn.

Cổ phiếu của Nvidia, được coi là đầu bảng về chip trí tuệ nhân tạo, kết thúc phiên giao dịch thông thường giảm 0,9%. Sau đó, Nvidia tiếp tục mất khoảng 2% sau tiếng chuông đóng cửa và báo cáo thu nhập hàng quý.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 9,40 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 10,93 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Biên bản cuộc họp tháng 11 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các quan chức đều đồng ý thực hiện cách tiếp cận thận trọng hơn với vấn đề lãi suất của Mỹ trong tương lai. Cũng theo đó, họ cùng thống nhất rằng sẽ chỉ tăng lãi suất nếu tiến trình kiểm soát lạm phát gặp thách thức.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi trong những phiên gần đây chủ yếu nhờ quan điểm rằng Fed có thể hoàn thành việc tăng lãi suất.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu kết thúc gần như không thay đổi vào 21/11 sau khi tăng mạnh vào hai phiên trước đó.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 13 cent lên 82,45 USD/thùng trong khi dầu thô WTI của Mỹ giảm nhẹ 6 cent xuống mức 77,77 USD/thùng.

Vào đầu tuần này, cả hai hợp đồng đều tăng khoảng 2% sau khi ba nguồn tin của OPEC+ nói với Reuters rằng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh sẽ xem xét cắt giảm nguồn cung bổ sung trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào 26/11.

Tám nhà phân tích đã dự đoán rằng OPEC+ có thể sẽ kéo dài hoặc thậm chí cắt giảm sâu hơn nguồn cung dầu vào năm tới.

Người đứng đầu bộ phận công nghiệp và thị trường dầu mỏ của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) lưu ý, ngay cả khi các quốc gia OPEC+ gia hạn cắt giảm sang năm tới, thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ chứng kiến nguồn cung dư thừa nhẹ vào năm 2024.

Có thể bạn quan tâm