Kết thúc phiên 17/6, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 188,94 điểm (+0,49%) lên 38.778,10 điểm. S&P 500 thêm 41,63 điểm (+0,77%) thành 5.473,23 điểm và Nasdaq Composite leo 168,14 điểm (+0,95%) lên 17.857,02 điểm.
Trong số 11 chỉ số ngành thuộc S&P 500, hàng tiêu dùng thiết yếu và công nghệ là những chỉ số dẫn đầu mức tăng, trong khi đó, tiện ích và bất động sản chịu đà sụt giảm lớn nhất.
Chỉ số bán dẫn Philadelphia SE Semiconductor đạt mức cao nhất mọi thời đại, ngay cả khi công ty dẫn đầu về chip trí tuệ nhân tạo Nvidia rút lui khỏi mức cao kỷ lục và giảm 0,66%.
Broadcom và cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TMSC) lần lượt tăng 5,41% và 2,74% trong khi Micron Technology vọt 4,58%.
Các cổ phiếu megacap bao gồm Apple và Microsoft đã phục hồi từ mức giảm ban đầu để kết thúc phiên cao hơn 1,97% và 1,31%. Apple đã kéo dài đà tăng kể từ tuần trước khi công ty công bố các tính năng AI mới nhằm khơi dậy nhu cầu về iPhone.
Autodesk thêm 6,48% sau khi có báo cáo cho biết nhà đầu tư hoạt động Starboard Value đã mua khoảng 500 triệu USD cổ phần của nhà sản xuất phần mềm này.
Trong một công bố mới đây, Goldman Sachs đã nâng mục tiêu cuối năm 2024 cho Chỉ số S&P 500 từ 5.200 điểm lên 5.600 điểm, trong khi Evercore ISI nâng dự báo chỉ số chuẩn này từ 4.750 điểm lên 6.000 điểm. Cả hai tổ chức đều cho rằng sức mạnh công nghệ và sự nhiệt tình dành cho AI là lý do chính. Nasdaq và S&P 500 thiên về công nghệ đã lập được nhiều mốc cao kỷ lục trong tuần trước.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,12 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 11,87 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Cũng trong ngày 17/6, chủ tịch Fed Philadelphia Patrick Harker cho biết Fed sẽ có thể cắt giảm lãi suất cơ bản một lần trong năm nay nếu dự báo kinh tế của ông đúng.
Vào cuộc họp tuần trước, Fed đã quyết định giữ lãi suất ổn định và đẩy lùi thời điểm bắt đầu cắt giảm lãi suất, có lẽ muộn nhất là vào tháng 12. Tuy nhiên, dữ liệu LSEG cho thấy thị trường vẫn kỳ vọng sẽ có 2 đợt cắt giảm 0,25 điểm phần trăm trong năm nay. Công cụ CME FedWatch cho thấy việc nới lỏng vẫn có thể được bắt đầu từ cuộc họp tháng 9.
Trong tuần này, các dữ liệu doanh số bán lẻ tháng 5, sản xuất công nghiệp, chỉ số quản lý mua hàng của S&P sẽ đều được công bố vào 18/6. Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ đóng cửa nghỉ lễ Juneteenth vào 19/6.
GIÁ DẦU HƯỞNG LỢI TỪ SỰ LẠC QUAN VỀ NHU CẦU
Giá dầu đã tăng gần 2 USD lên mức cao nhất trong hơn một tháng, bổ sung thêm cho mức tăng của tuần trước khi các nhà đầu tư ngày càng lạc quan hơn về triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu.
Hợp đồng tương lai dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,88 USD, tương đương 2,4%, đạt mức 80,33 USD/thùng, mức cao nhất kể từ cuối tháng Tư. Dầu thô Brent chuẩn toàn cầu tăng 1,63 USD, tương đương 2%, lên 84,25 USD/thùng, cũng là mức cao nhất kể từ tháng Tư.
Tuần trước, cả hai loại dầu chuẩn này đều ghi nhận mức tăng hàng tuần đầu tiên sau 1 tháng sau khi báo cáo từ nhóm sản xuất OPEC+, Cơ quan Năng lượng Quốc tế và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ đã củng cố niềm tin rằng nhu cầu dầu sẽ cải thiện trong nửa cuối năm và giúp lượng tồn kho giảm mạnh.
Sự trấn an từ OPEC+ rằng kế hoạch tăng nguồn cung từ quý 4 năm nay có thể bị tạm dừng hoặc hủy bỏ tùy theo điều kiện thị trường cũng giúp giá ổn định hơn. Kế hoạch đó, được công bố sau cuộc họp vào ngày 2/6, đã dẫn đến một đợt mất giá mạnh.
Nhà phân tích Ole Hansen của Ngân hàng Saxo cho biết, triển vọng về nhu cầu nhiên liệu mạnh mẽ trong quý tới và sự trấn an của Arab Saudi dường như đang hỗ trợ cho giá dầu.
Bên cạnh đó, dữ liệu kinh tế từ Trung Quốc cũng đang hỗ trợ cho hy vọng về nhu cầu dầu từ quốc gia nhập khẩu hàng đầu thế giới.