Ta mắc nợ người rồi Phú Yên ơi!

Vietstart Resort (Sao Việt) đón đoàn nhà văn chúng tôi với trăm hoa ngàn tía. Từ cổng một đường hoa giấy khoe đủ sắc màu tưng bừng trong nắng.
Ta mắc nợ người rồi Phú Yên ơi!

Dừng một chút để nói về loài hoa giấy này, tôi không hiểu sao lại đặt tên nó là hoa giấy, có lẽ do cánh mỏng như giấy chăng? Sự suy diễn chẳng đúng chút nào vì hình như tất cả các loài hoa đều cánh mỏng. Tôi biết có nhiều người không thích hoa giấy, như tôi chẳng hạn, tôi không có cảm xúc với loài hoa này cho đến khi đặt chân đến đây.

Trước khi đến Sao Việt chúng tôi đi qua một bờ tường dài hàng trăm mét bằng hoa giấy đang nở hoa. Dàn hoa giấy bao phủ kín bức tường được cắt tỉa gọn gàng, đẹp, khiến kẻ hay soi mói như tôi cũng chỉ để cho cảm xúc trào ra bằng nhưng mĩ từ ái chà chà! Tôi căng mắt nhìn để xem đó là trụ sở của cơ quan công quyền nào khi xe đang chạy vùn vút. Sở Công an Phú Yên. Hình như hoa giấy nơi đây đẹp hơn ở những nơi khác khiến tôi bỗng bắt đầu mê mẩn loài hoa này.

 Mùa xuân đã cạn ngày nhưng hoa ở đây vẫn khoe thắm. Hàng chục loại lan được ghép trên cây vẫn tiếp tục nở hoa. Nắng xuyên qua những vòm lá cũng vẽ hoa trên đường. Nhà văn Trình Quang Phú và vợ là Phó tiến sỹ, tổng giám đốc Huỳnh Thị Kim Hương đón chúng tôi như đón người nhà.

Là người sinh ra trong thời buổi nghèo khó, lập nghiệp bằng văn chương nên tôi luôn mang sẵn trong lòng một sự ngại ngần những nơi sang trọng. Sự đón tiếp chân tình của anh chị chủ nhà đã đánh tan sự ngại ngần đó trong tôi. Cái tên Y Ban rất đàn ông nên tôi được ghép cùng phòng với Thạch Thảo. Tôi bảo với mấy cháu lễ tân, cứ cho cô ở cùng phòng với chú ấy đi. Mấy cháu cười, giọng Phú Yên dễ thương: “Ai lại thế cô”. Vậy là tôi nghiễm nhiên được ở một mình một phòng ở resort. Từ mặc cảm ngài ngại “tôi đòi” tôi chuyển sang cảm xúc “vua chúa”.

Buổi sáng ở đây tôi thường được đánh thức bởi tiếng chim Bắt cô trói cột rất gần rồi líu lo của các loài chim khác. Các cháu làm việc ở Sao Việt rất hào phóng nụ cười, chỉ ló mặt ra khỏi phòng là bắt gặp ngay nụ cười. Nụ cười quả là thần tiên vì nó đã đánh tan mọi bực dọc.

Trong bản đồ văn chương nhắc đến Phú Yên là nhắc đến Ngô Phan Lưu, Huỳnh Thạch Thảo...nhưng người thuộc thơ và dùng thơ trong bài phát biểu của mình như ông Phó chủ tịch tỉnh phụ trách văn thể du Phan Đình Phùng thì tôi gặp mới chỉ có một. Ông thuộc cả ngàn bài thơ, từ ngắn đến dài vài trăm câu. Ông đọc thơ rất hay. Chính vì sự thuộc thơ của ông nên đã “báo hại” các nhà văn, trong buổi lễ khai mạc trại viết bài đít xờ cua của ông dài gần ..2 giờ nói vo. Các nhà báo tỉnh dự lễ đưa tin đành chịu chết, 4.0 chưa có công nghệ phô tô mồm.

Ông Phan Đình Phùng mê văn chương nên cứ quyến luyến các nhà văn. Buổi tổng kết chiêu đãi các nhà văn khi các quan khách đã về hết chỉ mình ông ở lại xuống phòng nghỉ của các nhà văn gặp gỡ nói chuyện và tiễn các nhà văn rời trại sớm ra xe đò.

Trong những ngày ở Sao Việt tôi đặc biệt ngưỡng mộ Tổng giám đốc Huỳnh Thị Kim Hương, một người phụ nữ giỏi giang thành đạt. Đã có hàng trăm bài viết về chị nhưng khi gặp chị lúc làm việc không ai không khỏi ngưỡng mộ. Chị sinh năm 1945, tính cả tuổi ta là đã 75 mà dáng đi vẫn thẳng tưng, mặc dù không còn thoăn thoắt nữa nhưng bước đều khoan thai trong từng công việc từ to tới nhỏ. Khi chúng tôi ở Sao Việt, nhà văn Trình Quang Phú đi Singapore chữa bệnh, chị ở nhà điều hành tất thảy mọi việc. Khi đó một đoàn hơn chục người ở hạm đội 7 của Mỹ đến Phú Yên khảo sát cho cuộc nghỉ dưỡng kết hợp với công tác từ thiện. Họ chọn Sao Việt là nơi nghỉ dưỡng 15 ngày cho 150 người. Họ khảo sát rất kỹ các phòng ở bên Sao Mai. Họ muốn lắp đặt màn hình ti vi, giấy dán tường và máy điều hòa theo cách của họ. Mọi công việc phải hoàn tất trong thời gian chưa đầy một tháng.

Sáng thứ hai đoàn nhà văn chúng tôi xuống ăn sáng và chứng kiến buổi lễ chào cờ của Sao Việt mà cảm động rưng rưng. 6.30 phút tất cả nhân viên trong ca làm buổi sáng tập hợp thành 5 hàng dọc thẳng tắp dười cờ. Chị Huỳnh Thị Kim Hương đứng trên dõng dạc hô, nghiêm, chào cờ chào, Quốc ca. “Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc”...tiếng hát mộc mạc vang lên từ lồng ngực những người lao động. Họ hát không sai từ nào.

Đội hình vẫn giữ nguyên như khi đứng chào cờ, Tổng giám đốc nhận xét tiến độ làm việc và phân công công việc, từ bộ phận quét lá rừng cho đến việc thi công nhà bên Sao Mai. Bảy giờ ai về việc nấy.

Chị Hương quan tâm đến từng bữa ăn của đoàn nhà văn. Nhà thơ Trần Đăng khoa có ý kiến:

- Chị cho tụi em ăn như bữa cơm gia đình bình thường thôi, chứ ngày nào cũng như ăn cỗ thế này, không cần thiết đâu chị ạ.

- Anh Phú đã dặn rồi, đừng để cho các nhà văn ăn uống úi xùi quá, để cho họ còn sáng tác chứ.

Bữa nào rảnh chị ngồi ăn cùng các nhà văn. Nhà văn Ngô Khắc Tài đến từ Long An nói:

- Tôi có nghe đặc sản của Phú Yên là bánh hỏi lòng heo, không biết có ngon không?

Chị Hương bèn gọi nhà bếp:

- Mấy con, bữa sáng mai bánh hỏi lòng heo cho các nhà văn thưởng thức nghe.

Tôi hỏi Huỳnh Thạch Thảo:

- Núi thơm là nơi trồng dứa phải không?

- Đâu có, là đồi trọc dứa dại biển mọc tùng lum, dân Phú Yên mơ mộng gọi là thơm vậy đó.

Chị Huỳnh Thị Kim Hương, người con gái ở Bà Rịa-Vũng Tàu, đã nghe theo lời đề nghị tha thiết của chồng, quê anh nghèo quá, anh muốn làm gì đó cho quê hương mà đến nay hơn chục năm ròng rã chị và gia đình đã bỏ công bỏ của để biến quả đồi trọc có tên là núi Thơm thành một resort 5 sao đẳng cấp quốc tế.

Của cải chỉ là một phần nhỏ, công sức mới là phần lớn. Tôi nói chuyện với chị Hương:

- Chị ơi em thấy chị vất vả quá, việc chi cũng đến tay chị. Anh chị đã đến lúc nghỉ ngơi rồi để các cháu nó làm cho.

- Không có, tụi nó cũng có việc của tụi nó rồi. Mình mở ra mình phải làm tiếp chứ. Bằng ấy năm ở đây đã có lãi đâu. Hàng tháng vẫn lấy lãi công ty ở Sài Gòn đắp vào đây.

Tôi nhẩm tính, Sao Việt mới đưa vào hoạt động mấy năm mà đã mở đến bốn lần trại sáng tác cho hàng trăm các nhà văn nhà thơ nhạc sỹ ăn ở miễn phí, không một đòi hỏi gì ngoài dòng chữ, sáng tác tại Sao Việt. Thì ra lãi ở đây chứ đâu, lãi một tình thân mến thân với văn chương nghệ sỹ nước nhà.

Đến đây rồi ta như mắc nợ người đấy Phú Yên ơi!

Có thể bạn quan tâm

Madam Pang sở hữu bộ sưu tập hàng hiệu đồ sộ

Người đứng sau đế chế Hermes tại “xứ chùa Vàng”

Madam Pang được người hâm mộ bóng đá biết đến là Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan, nhưng có thể nhiều người chưa biết, bà còn là nữ doanh nhân đứng sau “đế chế” thời trang đồ hiệu xa xỉ trên đất Thái…

Rủi ro tiềm ẩn khi chơi Pickleball

Rủi ro tiềm ẩn khi chơi Pickleball

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ, nhưng bộ môn thể thao Pickleball cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây chấn thương khó lường…