Bất động sản nói chung và đất nền nói riêng là kênh đầu tư ưu tiên hàng đầu tại Việt Nam. Do đó, trải qua nhiều thời kỳ thăng trầm, đất nền vẫn là kênh đầu tư “vua” và sinh lời tốt nhất.
Hồi phục sớm nhất
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Vietnam cho rằng, bất động sản nói chung và đất nền nói riêng là kênh đầu tư ưu tiên hàng đầu tại Việt Nam.
Hiện nay, rất nhiều người mua bất động sản là đầu tư đầu cơ - tức là mua để bán lại. Trong khi nếu nhu cầu về nhà ở vừa túi tiền được đáp ứng thì nhu cầu đầu tư mua bán lại sẽ bớt rất nhiều và tình trạng đầu cơ trên thị trường bất động sản sẽ giảm bớt. Từ đó, thị trường bất động sản sẽ có những phát triển ổn định, vững mạnh hơn so với giai đoạn 2008-2009.
“Tôi nghĩ rằng nhu cầu bất động sản nói chung và đất nền nói riêng vẫn sẽ phát triển do quá trình hình thành dân cư, đô thị hóa… Nhưng sự phát triển đó sẽ mang tính chất bền vững và ổn định hơn”, ông Hoàng nhận định.
Trở lại giai đoạn trước, theo ông Hoàng, 2 năm vừa qua, nguy cơ xảy cơn sốt ảo hay bong bóng bất động sản không nhiều như các năm trước. Suốt 2016-2018, thị trường cực kỳ sôi động nhưng hiện nay đã suy giảm do dịch bệnh, kiểm tra pháp lý, quy trình thủ tục quy hoạch ngày một chặt chẽ hơn. Đấy chính là yếu tố khiến thị trường tích cực, ổn định hơn so với trước.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc kênh thông tin batdongsan.com.vn, đất nền luôn là khẩu vị đầu tư của khách hàng. Bởi mặc dù dịch bệnh, nhưng sự quan tâm của khách hàng đối với đất nền cuối năm đã quay trở lại như hồi tháng 5, là tháng trước dịch.
Đối với Hà Nội, sự quan tâm tăng 19%, Đà Nẵng 9%, TP.HCM giảm 8%. Trong đó HN là nơi có lượng người quan tâm lớn nhất, không chỉ ngoại ô mà còn các tỉnh ven đô như Hưng Yên, Thái Nguyên, Băc Ninh, Vĩnh Phúc lượng quan tâm cũng tăng cao.
Còn về giá, đặt Hà Nội là trọng tâm, cách bán kính Hà Nội từ 50-100km, có những nơi giá tăng 100% như Hoà Bình. Miền Trung, lấy Đà Nẵng làm tâm, cách bán kính 30-70km, Huế tăng 70%, Quảng Nam tăng 30%. TP.HCM, làm tâm và quanh quanh bán kinh 20km, giá có sự tăng trưởng từ 20-90%.
Kênh đầu tư sinh lời an toàn
Đánh giá về đất nền thời gian qua, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, hiện dòng tiền đầu tư đổ mạnh vào bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền. Nguyên nhân được vị chuyên gia này chỉ ra, cụ thể:
Thứ nhất là có những cơ sở nhất định. Sau khi Chính phủ cho phép thực hiện Nghị quyết 128 từ ngày 1/10, các chỉ số kinh tế - xã hội đã phục hồi được khoảng 80-85% ở các loại hoạt động khác nhau. Một số doanh nghiệp ở TP.HCM đã phục hồi đến 90-95%.
Thứ hai là nguồn cung mới không nhiều. Một vài dự án vừa rồi xong pháp lý, rõ hơn quy hoạch và bắt đầu bung ra trong khi nhu cầu rất lớn, nên giao dịch cũng sẽ sôi động hơn trong thời gian vừa qua, đặc biệt là các tỉnh giáp ranh với các thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội.
Thứ ba là trong và sau dịch, người dân thấy cần có một chỗ hơi xa một chút nhưng riêng tư và đảm bảo môi trường, hệ sinh thái. Hiện nay, chúng ta thấy, một số người từ TP.HCM chạy lên Bảo Lộc (Lâm Đồng) khá nhiều. Tôi nghĩ đó cũng là một xu hướng đã và đang xuất hiện sau dịch bệnh.
Ngoài ra, TS. Lực cũng cho rằng, do thói quen của người Việt là thích đầu tư vào đất đai, vào bất động sản. Khách hàng cảm thấy yên tâm hơn khi sở hữu một miếng đất hay căn hộ nào đó.
Thực tế, quan sát lịch sử bất động sản trong những năm qua thấy rằng, đầu tư vào đất nền không bị giảm giá. Tất nhiên, có những năm vô cùng khó khăn, nó có thể giảm một chút, nhưng xu hướng chung là tăng. Khảo sát gần đây của một công ty quản lý quỹ cho thấy, giá đất nền tăng 7-10%/năm trong khoảng 20, thậm chí 30 năm vừa qua.
Một điểm nữa, đất đai là có giới hạn. Trong khi đó, nhu cầu vẫn tăng do dân số tăng lên và thu nhập của người dân cũng tăng đều khoảng 6%/ năm trong 10 năm vừa qua. Dự báo, đà tăng này có thể tiếp tục trong những năm tháng tới.
Nhà đầu tư cũng nhìn thấy được xu thế đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư công sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn khi nhiều quyết sách của Chính phủ đã, đang và sẽ được đưa ra trong thời gian tới.
Hơn nữa, về pháp lý liên quan đến bất động sản, đất đai đã được tháo gỡ một phần trong thời gian vừa qua. “Chúng tôi hy vọng thời gian tới sẽ tiếp tục được tháo gỡ, để giải phóng những dự án đang tồn đọng, kể cả chung cư cũ”, TS. Lực nói.
Cuối cùng là quá trình đô thị hóa. Mặc dù, do ảnh hưởng dịch bệnh, thời gian vừa qua, đâu đó vẫn có những người mong muốn cuối tuần được về quê. Nhưng xu thế đô thị hóa vẫn sẽ tiếp tục diễn ra vì tỷ lệ đô thị hóa vẫn còn tương đối thấp. Hiện nay, tỷ lệ này đạt khoảng 40%, lên khoảng 45% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030.
“Tất cả những yếu tố này hội tụ và kích thích mọi người đầu tư vào bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.