Chính phủ vừa ban hành Nghị định 158/2024, quy định về hoạt động vận tải đường bộ. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để triển khai Luật Đường bộ và Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ đầu năm 2025. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Theo đó, Nghị định 158 có quy định cụ thể về hình thức vận tải xe taxi. Quy định đơn vị kinh doanh vận tải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, trong đó có loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi thì được tham gia kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi. Nghị định quy định cụ thể điều kiện đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi gồm: Xe ô tô phải bảo đảm đúng theo quy định tại khoản 9 Điều 56 Luật Đường bộ; phải có phù hiệu "XE TAXI" theo Mẫu số 04 Phụ lục XIII kèm theo Nghị định này và được dán cố định tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí của Tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo quy định;
Đồng thời phương tiện phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ "XE TAXI" làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe với kích thước tối thiểu của cụm từ "XE TAXI" là 6 x 20 cm theo Mẫu số 5 Phụ lục XIII kèm theo Nghị định 158. Trường hợp niêm yết bằng thiết bị điện tử phải bảo đảm cụm từ "XE TAXI" luôn được bật sáng và có kích thước tối thiểu là 6 x 20 cm.
Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe với kích thước tối thiểu là 12 x 30 cm. Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ "XE TAXI" trên kính phía trước và kính phía sau xe.
Về vấn đề thanh toán, nghị định quy định trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì, phải có thiết bị in hoá đơn hoặc phiếu thu tiền kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; đồng hồ tính tiền và thiết bị in phải được gắn cố định tại vị trí hành khách dễ quan sát; lái xe phải lập hóa đơn điện tử gửi cho hành khách khi kết thúc hành trình. Đặc biệt, phiếu thu tiền phải có các thông tin tối thiểu, gồm: tên đơn vị kinh doanh vận tải, biển kiểm soát xe, cự ly chuyến đi (km) và tổng số tiền hành khách phải trả.
Đối với xe taxi, ngoài các hình thức trả tiền truyền thống, nghị định bổ sung thêm quy định cho phép hành khách và lái xe được thoả thuận giá cước bằng miệng, thông qua giá niêm yết trên xe hoặc qua phần mềm tính tiền của đơn vị kinh doanh vận tải. Nghị định cũng nêu rõ kết thúc chuyến đi, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng phần mềm tính tiền phải gửi (qua phần mềm) hóa đơn điện tử của chuyến đi cho hành khách, đồng thời gửi về cơ quan thuế các thông tin của hóa đơn theo quy định.
Ngoài ra, nghị định cũng bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh đối với xe ô tô điện. Tuy nhiên, các điều kiện kinh doanh loại hình này tương tự xe xăng.
Để đảm bảo an toàn cho chuyến đi, Nghị định mới quy định thời gian nghỉ giữa hai lần lái xe liên tục như sau: Đối với xe taxi là 5 phút; xe ô tô vận tải hành khách tuyến cố định, xe khách theo hợp đồng, xe vận tải hàng hoá tối thiểu 15 phút… Xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.