Báo cáo phân tích Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán: HDG) của Chứng khoán SSI cho biết, mảng bất động sản HDG tập trung bán dự án Hado Charm Villas giai đoạn 3 vào nửa cuối năm 2024.
Với 108 căn còn lại của Hado Charm Villas khoảng 15.000m2, SSI giả định giá bán trung bình của đợt mở bán này là khoảng 100 triệu đồng/m2 thì trong lần mở bán này sẽ đưa về cho Hà Đô 1.400 – 1.500 tỷ đồng doanh thu.
Trong khi đó, dự án Hado Minh Long và Hado Green Lane vẫn đang chờ thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Báo cáo nhận định, thời gian giải quyết các trường hợp này sẽ kéo dài vì giải pháp liên quan đến chương trình thí điểm “Thực hiện các dự án nhà ở thương mại thông qua các thỏa thuận về việc chuyển đổi quyền sử dụng đất phi nhà ở ở một số thành phố nhất định” của Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất có thể có hiệu lực từ 1/1/2025 (kéo dài trong 5 năm).
Do đó, SSI dự báo các dự án Hado Minh Long và Hado Green Lane sẽ triển khai mở bán trong năm 2025 và ghi nhận doanh thu trong khoảng năm 2026 - 2029 nếu có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu pháp lý.
Trong năm 2024, HDG có kế hoạch mở rộng hoạt động sang bất động sản khu công nghiệp. Công ty bắt đầu khảo sát các khu vực công nghiệp tiềm năng từ năm 2023, bao gồm các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Long An, Cần Thơ và Ninh Thuận (tổng diện tích hơn 1.000 ha) và được phê duyệt nghiên cứu quy hoạch tại huyện Ân Thi (tỉnh Hưng Yên, 450 ha) và huyện Bến Lức (tỉnh Long An, 265 ha). Từ năm 2024, HDG kỳ vọng sẽ bắt đầu đẩy mạnh đầu tư mảng này, đặc biệt tại các tỉnh phía Bắc như tại tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định và Quảng Ninh.
Đầu năm 2024, công ty đã trình Sở Công Thương Ninh Thuận đề xuất chấp thuận đầu tư vào cụm công nghiệp Phước Nam 1 và Phước Nam 2 (mỗi cụm khoảng 50 ha).
Đối với mảng điện, SSI cho rằng thời tiết không thuận lợi sẽ ảnh hưởng đến sản lượng năm 2024. Dự báo sản lượng thủy điện sẽ giảm nhẹ so với cùng kỳ do tình trạng El Nino và mức giảm 26% so với cùng kỳ đối với nhà máy 7A.
Dự án năng lượng mặt trời Infra 1 đã được phê duyệt mức giá bán điện (FIT) không phù hợp. Ngày 31/8/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP, cho phép một số dự án năng lượng mặt trời có tổng công suất 2.000 MW tại tỉnh Ninh Thuận được áp dụng mức giá FIT 0,0935 USD/kWh theo Cơ chế giá điện mặt trời đã hết hạn năm 2017 (Quyết định 11/2017 /QĐ-TTg).
Cụ thể, Bộ Công Thương được ủy quyền phê duyệt các dự án có công suất dưới 50 MW nhưng mở rộng danh sách dự án được áp dụng không đúng quy định, dẫn đến 14 dự án không được hưởng chính sách giá FIT 0,0935 USD/kWh, trong đó có Infra 1 (50 MWp).
Vì thế, giá FIT của Infra 1 khó có thể được điều chỉnh do trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương (theo Thông báo 3116/TBTTCP của Thanh tra Chính phủ), nên Infra 1 sẽ tiếp tục hoạt động với mức giá FIT là 0,0935 USD/kWh.
Còn về dự án năng lượng mặt trời Hồng Phong 4 vẫn đang lo ngại về vấn đề pháp lý phát sinh từ vị trí của dự án. Nhà máy năng lượng mặt trời Hồng Phong 4 được xây dựng trên khu đất có diện tích khoảng 58 ha, nằm trong khu dự trữ titan quốc gia. Chưa được sự chấp thuận của Thủ tướng, Công ty TNHH Hà Đô Bình Thuận (Hà Đô Bình Thuận), công ty con của HDG và là chủ sở hữu dự án năng lượng mặt trời này, quyết định xây dựng (từ đầu năm 2019) sau đó khánh thành vào giữa năm 2019.
Bên cạnh các nhà máy đang triển khai, HDG còn sở hữu 9 dự án liên quan đến thủy điện và điện gió. Đối với thủy điện, HDG dự kiến dự án thủy điện Sơn Linh và Sơn Nham sẽ đi vào hoạt động trong năm 2025 - 2026. Đối với 8 dự án điện gió vẫn cần phải chờ cơ chế giá mới cho năng lượng tái tạo.
Trong năm 2024, HDG đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 2.900 tỷ đồng tăng 0,2% và 972 tỷ đồng tăng 12,2% so với cùng kỳ. Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, công ty dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 là 500 đồng/cổ phiếu và chia cổ tức 10% bằng cổ phiếu.
Về tình hình kinh doanh quý 1/2024 của Hà Đô, doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt đạt 848 tỷ đồng và 264 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp này đã hoàn thành 29% doanh thu và gần 26% lợi nhuận sau thuế so với kế hoạch đề ra.