Với người Việt xa xứ, có những ngày trong năm khiến lòng người chùng lại, bồi hồi nhớ về quê hương, đất nước, gia đình, người thân… đó chính là ngày Tết.
TẾT TRỜI TÂY - CHƯA NĂM NÀO VƠI NIỀM NHỚ
Mấy chục năm trước, chúng tôi có đến 4 cái Tết liền xa nhà ở Liên bang Nga. Hồi ấy, tiếng là đi học việc, lao động kiếm tiền “cứu nước cứu nhà” nhưng so với các lao động Việt Nam tới một số nước hiện nay thì lao động thời đó ở Liên Xô và các nước Đông Âu sướng hơn rất nhiều.
Bối cảnh thời đó của đất nước vô cùng khắc nghiệt: Đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh chống Mỹ tàn khốc, sức người sức của phải nói là kiệt quệ, lại thêm cuộc chiến biên giới phía Tây Nam, phía Bắc cũng vô cùng gian nan, ác liệt và không kém phần đau thương.
Nó như nhát dao đâm vào một cơ thể với chi chít những vết thương còn đang nhức nhối. Và cả dân tộc lại gồng mình, dồn sức để chiến đấu và chiến thắng. Chưa hết, những lệnh cấm vận triệt để do Mỹ tiến hành đối với Việt Nam giống như cái thòng lọng bóp nghẹt nền kinh tế khiến đời sống của người dân sau chiến tranh đã khốn khó lại càng vô cùng khốn khó.
Vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước ấy, các Hiệp định hợp tác lao động giữa Việt Nam và các nước Liên Xô, Cộng hoà Dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Bungaria như một cứu cánh cho những gia đình Việt.
Hàng trăm ngàn nam thanh nữ tú đã lên đường đến chân trời quen và lạ. Quen vì người dân ở các nước trong khối xã hội chủ nghĩa đã từng giúp Việt Nam sức của sức người rất nhiều, dành nhiều ưu ái cho Việt Nam chống lại quân xâm lược. Con người, văn hóa của các dân tộc đó rất gần gũi với Việt Nam.
Lạ vì “đội quân” thanh niên hùng hậu từ Việt Nam lần đầu thẳng tiến đến các nhà máy, xí nghiệp của các nước bạn, ở những xứ sở của tuyết trắng, của những câu chuyện cổ tích chỉ được biết đến qua sách báo hay phim ảnh. Trong số đó có không ít quân nhân xuất ngũ, sinh viên bỏ ngang để đi lao động kiếm tiền, cả những văn nghệ sĩ cũng tạm thời gác lại khát vọng cống hiến nghệ thuật để tự cứu mình trong thời buổi đói kém.
Nhà máy Dệt sợi bông hỗn hợp thành phố Barnaul, nơi tôi làm việc có chính sách chăm lo cho người Việt Nam rất tốt. Kể ra ở đây, chắc chắn sẽ có nhiều người phải ghen tỵ. Một Phó Giám đốc được cử chuyên trách mảng lao động Việt Nam (chừng 400 công nhân).
Bà tên là Babinxkaia, một phụ nữ cực kỳ nhân hậu, thương người Việt có khi còn hơn cả thương thân, luôn quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, công nhân Việt Nam.
Không một ngày lễ, Tết nào của người Việt mà bà không cố gắng để tạo cho anh chị em có được bữa tiệc đầm ấm tại hội trường ký túc xá; những sự kiện lớn, chương trình văn nghệ tại rạp hát của nhà máy… để mọi người vơi bớt nỗi nhớ nhà.
Chúng tôi đi làm với mức lương trung bình 250 rúp (hồi đó 7 rúp 1 cái bàn là dùng cả nửa thế kỷ không hỏng, 200 rúp 1 cái tủ lạnh Xaratop, 1 rúp 10 quả trứng…), chi phí cho khoản ở trong ký túc xá bao gồm phòng ở 3 giường, điện, nước, gas, phòng tắm hoa sen, phòng giặt, phòng sấy quần áo, bảo vệ, dọn vệ sinh khu vực ngoài phòng ở... tất tần tật chỉ có 2 rúp.
Ngày ấy, một cánh thư đi phải tới cả tháng trời mới đến tay người nhận. Các cửa hàng thì chỉ có đồ Âu chứ đồ Việt thì gần như vắng bóng. Người ta đựng gạo vào ngăn kéo để bán chứ không bao lớn bao bé như ở Việt Nam, vì dân họ ăn bánh mì nên chỉ mua tý gạo để nấu cháo mà thôi. Khi có người Việt Nam đến, mỗi người chỉ gọi mua 5-10 kg gạo là cả cửa hàng rối lên, “báo động” cho toàn hệ thống để có gạo cung cấp cho những cái dạ dày quen ăn cơm.
Thế mà Tết đến, chưa năm nào chúng tôi thiếu hoa đào, bánh chưng, nem, chả, măng…Hoa đào thì đơn giản thôi, chỉ cần chặt một cành táo cành lê trên phố, mang về phòng, cắm vào lọ nước ấm là chục ngày sau cành đã nhú ra những mầm xanh non rồi những cánh hoa màu hồng nhạt bắt đầu hé nụ. Những ngón tay con gái gấp cánh hoa đào, gắn lên những cành lá xanh tươi, thế là có cành đào đón Tết.
Các cô gái Việt, nhất là gái Hà Nội thường rất khéo tay. Dưới sự dẫn dắt của mấy cô nữ công gia chánh giỏi nhất, chúng tôi có thể làm miến; bánh phồng tôm từ bột khoai tây; bánh phở, bánh đa nem từ bột gạo, làm mứt cà rốt, khoai tây…
Khi lên đường đi tây, ai cũng cố mang vài kg măng khô và do điều kiện khí hậu nên măng giữ được chất lượng rất lâu. Thế là cùng với cành đào, mâm cỗ ngày Tết đủ cả bánh chưng, hành củ muối, nem rán, miến, măng, chè con ong… luôn gây ra sự bất ngờ lớn với phía bạn.
Với các chàng trai, cô gái trẻ, trong những ngày Tết, tuy có những lúc khóc lóc vì nhớ nhà nhưng khi khách đến, họ vẫn có thể tạm quên đi nỗi nhớ để vui cùng bè bạn. Với các anh chị cán bộ phụ trách - hầu hết đều đã có gia đình, có con nhỏ ở Việt Nam, ngày Tết luôn khiến họ buồn nhớ nhất.
Họ cũng cố gắng sửa soạn mâm cơm truyền thống nhiều màu sắc để thết đãi bạn bè, nhưng không ít lần, khi cuộc vui bắt đầu, vừa mới “tuyên bố lý do” là các chị ôm nhau khóc…Các đấng mày râu người Việt buồn ngơ ngác còn khách mời phía bạn chỉ biết ngồi im… đợi cho những xúc động của các chị qua đi.
TẾT CỔ TRUYỀN VIỆT NAM - BỐN PHƯƠNG HỘI TỤ
Trong dòng người Việt ở khắp nơi trên thế giới vội vã trở về quê hương ăn Tết có biết bao nhiêu cảnh đời, số phận. Phần lớn mọi người đều có ý thức chắt bóp tiền bạc của một năm lao động để dành tiền về với gia đình. Có thể nói đó là niềm vui lớn nhất trong năm của họ. Có ai sống ở nơi xa, vô tình thấy một cánh chim bay ngang qua thời gian cũng cuộn lên nỗi nhớ quê nhà mới hiểu được nỗi buồn xa xứ ấy.
Một chị tôi quen thân hiện đang sống ở Mỹ. Chị từng có một gia đình hạnh phúc - chồng giỏi, con ngoan. Bỗng một ngày, chị nghe tin sét đánh khi anh có con với một người phụ nữ khác ở Sài Gòn… Không thể hóa giải mọi mâu thuẫn từ sự phản bội của anh, gia đình chị chia đôi ngả.
Ở Việt Nam, bố mẹ chồng, mẹ đẻ chị đã già yếu, chị không thể để họ buồn lòng khi thấy gia đình chị ở trời Tây bị xé đôi. Thế là mỗi dịp Tết đến, chị để lại “gia đình nhỏ của những đứa con”, lặng lẽ về Việt Nam ăn Tết. Mấy ngày trước Tết, chị về quê chồng làm phận sự của một người con dâu.
Ngày 30 Tết, chị về với mẹ. Mẹ chị - một người đàn bà gần trăm tuổi còn minh mẫn và dĩ nhiên là mang nặng tư tưởng truyền thống. Bà nói với chị: “Con ơi, sống làm dâu nhà người, chết làm ma nhà người. Ngày Tết là ngày thiêng liêng nhất, con về nhà chồng con đi, đừng ở đây”. Về nhà chồng thì có sự hiện diện của người mới của chồng chị, làm sao chị có thể… Thế là chị xách va ly ra khách sạn ở cho qua 3 ngày Tết rồi trở về với mẹ.
Nỗi niềm đắng cay đến cùng cực, chị chỉ có thể nuốt ngược vào trong để mẹ vui. Giờ đây mẹ chị đã tròn trăm tuổi và vẫn nhức lòng thương con rể (chồng chị) vất vả công việc mà không thể về nhưng vui vì có con gái từ Mỹ trở về ăn Tết, thay chồng làm phận sự của người con đối với cả hai nhà.
Với Lily Quỳnh Anh hiện đang sống ở Úc, về nhà với mẹ ngày Tết là một dịp để xả nỗi nhớ, được sà vào vòng tay mẹ như thuở nào, thả sức tìm lại những ngày vui tuổi thơ của cô. Nhất là khi cô đã có gia đình, đưa cả chồng và hai con về nhà vào đúng dịp Tết là niềm hãnh diện lớn của cô với “cả họ nhà chồng”.
Chồng cô, một “gã gà gô Úc gốc Hy Lạp” (như cách cô thường âu yếm gọi chồng) luôn à ồ vì quá nhiều sự thú vị (từ cách người bán hàng chở hoa, đồ mây tre, thực phẩm trên xe máy đến những chợ hoa bạt ngàn, đông đúc kẻ bán người mua..). Hai đứa trẻ thì tung tăng tận hưởng niềm vui.
Cái cảm giác lâng lâng hạnh phúc khi cùng chồng con hòa mình vào không khí Tết, mua một cây đào Nhật Tân, một chậu quất, một lọ hoa rất truyền thống gồm violet, thược dược, hoa bướm và đôi khi thêm mấy cành lay-ơn còn lan mãi cho đến tận Tết năm sau, khi cả nhà lại chuẩn bị về quê hương ăn Tết.
Do tính chất công việc, tôi có dịp đến nhiều nước và được cảm nhận về những “tâm hồn tụ hội” về quê cha đất Tổ trong ngày Tết cổ truyền. Bản thân tôi cũng đã có những cái Tết xa nhà nên càng ngấm nỗi nhớ quê hương. Nỗi nhớ trở thành nhạy cảm đến nỗi, nghe một bản nhạc về Hà Nội, nhìn thấy cảnh chợ hoa Hà Nội trên phim ảnh, lòng đã chùng xuống với bao nỗi niềm.
Có một Tết, tôi làm cơm mời các cháu sinh viên trường Giorgan College ở thành Phố Barrie – Bang Ontario – Canada đến ăn Tết. Khi các cháu ùa đến, tôi còn đang dở tay trên bếp, cứ ríu rít trò chuyện với chúng. Sau, có một cháu nói: “Con nhìn cô nấu ăn, con nhớ mẹ con quá”.
Một cháu khác hỏi: “Cô ơi, cô có biết hát ru không?”. Ôi, khoản này thì “đánh” trúng vào niềm đam mê của tôi vì tôi vốn rất thích hát và thuộc rất nhiều bài hát ru. Tôi cũng đã ru các con tôi bằng cơ man những bài ca dao, dân ca, thơ lục bát mà tôi thuộc. Thế là tôi vui vẻ cất lên lời ru “Cái cò mày đi ăn đêm/ Đậu phải cành mềm lăn cổ xuống ao…”. Khi tôi quay lại, mấy đứa con gái đã gục vào nhau mà khóc.
“Về nhà ăn Tết, Tết, Tết...
Vể đâu? Về nhà ăn Tết, Tết, Tết...
Ông về đâu? - Về Hà Nội này
Tết, Tết...Ông về đâu? - Tôi về quê chứ!..
… Tôi Vienamese chân chất
Ăn cơm Việt Nam rồi đón Tết Việt Nam, ở đây người ta gọi là nhất…”
Những năm gần đây, bài hát “Về nhà ăn Tết” được giới trẻ đặc biệt ưa thích, nhất là với những người trẻ đang sống và làm việc ở nước ngoài. Nghe bài hát này vang lên trên những cung đường trắng xóa tuyết ở xứ lá phong hay những con đường ngập nắng ở thành phố Brisbane – Úc trong những ngày Tết cổ truyền quê hương, tôi luôn có một cảm giác ấm áp lạ thường.
Có đi xa tới đâu thì quê hương vẫn luôn là một nơi nhớ về. Và, càng đi xa, nỗi nhớ lại càng tha thiết, cháy bỏng hơn.