Ngày 7/8, Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp phối hợp với các bên liên quan tổ chức “Diễn đàn đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam”.
GIẢI PHÁP ĐỐI MỚI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
Tại Diễn đàn, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã chỉ ra bức tranh tổng quan chung về các mô hình tăng trưởng tại Việt Nam và giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam.
Ông Tuấn cho biết, hiện nay đóng góp của vốn và vốn con người có xu hướng gia tăng. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) và đóng góp của lao động vào tăng trưởng GDP có xu hướng giảm theo thời gian. Do đó, đầu tư vẫn là nhân tố chủ yếu dẫn dắt tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy bởi vốn con người hơn là tích lũy yếu tố đầu vào lao động.
Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Quang Tuấn cho rằng, mô hình tăng trưởng vẫn dựa vào lao động giá rẻ, tồn tại nền kinh tế nhị nguyên (nước ngoài và trong nước), lan tỏa của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế, nhất là năng lực công nghệ. Đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng còn ít. Chưa cải thiện nhiều về năng suất lao động 2016 - 2020 tăng bình quân 5,8%/năm, 2011 - 2015 tăng 4,3%, vẫn chậm…
Ngoài ra, mô hình tăng trưởng chưa xanh, chưa đóng góp nhiều cho phát triển bền vững (ví dụ năng lượng tái tạo, ô nhiễm môi trường (đặc biệt rác thải nhựa), phát thải khí nhà kính…). Tăng trưởng xanh hầu như chưa thực hiện được bao nhiêu. Kinh tế tuần hoàn còn mới manh nha, chưa phát triển. Kinh tế biển xanh còn đang ở dạng tiềm năng là chính…
Theo phân tích của vị chuyên gia này, việc đổi mới mô hình tăng trưởng có nhiều cơ hội. Đó là xu hướng công nghệ mới (CM4.0), xanh và số trở thành khách quan; phong trào đổi mới sáng tạo; phong trào khởi nghiệp; cơ cấu dân số trẻ, tiếp cận công nghệ tốt; sản xuất, phân phối, tiêu dùng thông minh hơn…
Để đổi mới mô hình tăng trưởng, PGS.TS Bùi Quang Tuấn đề xuất một loạt giải pháp như đột phá ở khâu khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng và gắn kết với đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra năng suất lao động cao hơn, đi nhanh, đi thông minh.
Tìm cách tiếp cận hệ sinh thái xanh, hệ sinh thái số, đổi mới sáng tạo. Tạo ra mối liên kết chủ thể trong hệ sinh thái đảm bảo các điều kiện của hệ sinh thái. Hoàn thiện thể chế, chính sách, có thí điểm, đặc thù, đột phá... Sáng tạo trong huy động nguồn lực, đặc biệt ngoài nhà nước...
Cùng với đó, đầu tư cho kết cấu hạ tầng trong đó có hạ tầng số, nền tảng số, ứng dụng số như AI, blockchain… để tạo ra những sản phẩm số thương hiệu của Việt Nam. Có cơ chế khuyến khích đầu tư cho khoa học công nghệ và R&D ở các doanh nghiệp, trang trại... Chia sẻ và kết nối cơ sở dữ liệu và tài nguyên số, ứng dụng trong quản trị, điều hành. Liên kết vùng, liên kết chuỗi, cụm ngành...
Ngoài ra, ông Tuấn lưu ý tới nhiều cạnh xã hội như yếu tố gap trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và môi trường như quản lý tài nguyên và ô nhiễm, phát thải... Thể chế thí điểm, đặc thù cho chuyển đổi kép (xây dựng và thí điểm các mô hình trên thực tiễn như ngân hàng số, fintech, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn,...) Tạo lập nền tảng văn hoá sáng tạo cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi kép, tiêu dùng bền vững, văn hóa sống xanh...
9 NGUYÊN NHÂN KHIẾN NHIỀU STARTUP THẤT BẠI
Trong khuôn khổ Diễn đàn, ông Phạm Anh Cường, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Hệ sinh thái Khởi nghiệp BestB đã có những phát biểu về vai trò của khởi nghiệp sáng tạo trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Cường đánh giá, hiện nay có rất nhiều mô hình, dự án khởi nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ thất bại không hề nhỏ, do những nguyên nhân chính: Hết tiền/ không huy động được vốn mới (chiếm 38%); Không có nhu cầu thị trường (chiếm 35%); Vượt quá khả năng của doanh nghiệp (chiếm 20%); Sai mô hình kinh doanh (chiếm 19%); Các thay đổi về quy định/pháp lý (chiếm 18%); Các vấn đề về giá cả/chi phí (chiếm 15%); Các vấn đề về team/nhóm (chiếm 14%); Sản phẩm được sử dụng sai (chiếm 10%); Sản phẩm kém (chiếm 8%).
Nói về vai trò của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ông Cường cho hay, bối cảnh kinh tế - xã hội toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng và phức tạp với nhiều thách thức; các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giúp tạo ra môi trường khuyến khích kiến tạo những giải pháp mới, công cụ mới; Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia, giải quyết những khó khăn, thách thức mang tính khu vực, toàn cầu; Thúc đẩy sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia nói riêng và của toàn thế giới nói chung.
Đánh giá về thực trạng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, theo ông Phạm Anh Cường, tỷ lệ doanh nghiệp mới gia nhập thị trường ở Việt Nam cao hơn hầu hết các quốc gia OECD. Tuy nhiên, những năm gần đây tỷ lệ này có phần chững lại nhưng tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại được lại tăng lên.
Thiếu vốn là trở ngại với các doanh nghiệp khởi nghiệp giai đoạn đầu, đặc biệt là những doanh nghiệp dựa vào tri thức và bằng sáng chế. Các nhà đầu tư có vai trò quan trọng trong cấp vốn giai đoạn ban đầu khi mô hình doanh nghiệp còn chưa được chuyên nghiệp hóa. Các quỹ và các nhà đầu tư trong nước còn phải đối mặt với nhiều hạn chế, trong đó, khung pháp lý chưa tạo động lực để nhiều quỹ đăng ký, dẫn đến tổng đầu tư còn nhỏ.
Chính vì vậy, các vườn ươm, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo giúp doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ trong việc hoàn thiện ý tưởng, dịch vụ, mô hình kinh doanh và hỗ trợ kết nối đầu tư.
Hiện nay, số lượng quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam là 108, trong đó có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam.
Chia sẻ về vườn ươm doanh nghiệp, ông Phạm Anh Cường nhấn mạnh, vườn ươm doanh nghiệp được xem là công cụ kinh tế quan trọng và cơ bản để thúc đẩy các doanh nghiệp mới khởi sự hình thành và phát triển, tạo việc làm, thúc đẩy môi trường kinh doanh ở địa phương, thương mại hoá ý tưởng kinh doanh, xây dựng và thúc đẩy sự phát triển của các cụm công nghiệp.
"Ở một hệ sinh thái còn khá trẻ như hệ sinh thái khởi nghiệp tạo tác động xã hội ở Việt Nam, các tổ chức này: tiếp thêm can đảm cho những người muốn trở thành khởi nghiệp nhưng còn thiếu kiến thức và mối quan hệ; Cung cấp cho họ những khung làm việc có sẵn và những người cố vấn dày dặn kinh nghiệm; Cung cấp cả các chương trình đào tạo cho starup để nâng cao nguồn vốn con người… Có thể nói các tổ chức thúc đẩy kinh doanh có thể được coi là nơi “tiếp nhiên liệu” ngay từ bước đầu để một startup cất cánh", ông Cường nói.