Dân số Trung Quốc đang ngày càng già hóa, đặt ra một thách thức đối với tăng trưởng kinh tế và hệ thống xã hội. Chính phủ Trung Quốc hiện đang tìm cách biến thách thức này thành cơ hội và ngày càng hướng sự tập trung vào nền “kinh tế bạc".
Theo Cục Thống kê Quốc gia nước này, vào năm 2022, số người trên 60 tuổi ở Trung Quốc là 297 triệu người, tương đương 21,1% tổng dân số. Nhưng chỉ 10 năm tới, con số này sẽ nhanh chóng tăng lên khoảng 30%.
THÚC ĐẨY ĐỔI MỚI
Vào tháng 1/2024, chính phủ Trung Quốc đã công bố một loạt các biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế bạc. Các biện pháp này kêu gọi cả các công ty nhà nước và tư nhân điều chỉnh và thay đổi để đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi. Các lĩnh vực được kêu gọi đầu tư bao gồm: hỗ trợ đi lại, chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số, bảo hiểm, y tế, mỹ phẩm và hoạt động giải trí.
Bên cạnh đó, các chính quyền địa phương dự kiến sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt để hỗ trợ phát triển kinh tế bạc. Các ngân hàng được khuyến khích cho cơ sở chăm sóc người cao tuổi và các công ty hỗ trợ vay vốn dễ dàng hơn. Ngoài ra, 10 khu công nghiệp dành riêng cho nền kinh tế bạc sẽ được xây dựng trên khắp đất nước, bao gồm cả vùng đô thị Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc và vùng đô thị Quảng Đông-Hồng Kông-Macao.
Thị trường thương mại điện tử dành cho người cao tuổi cũng đang “bùng nổ”. Theo ước tính của một viện nghiên cứu Trung Quốc, quy mô của "kinh tế bạc" của nước này có thể lên tới khoảng 4,2 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới và chiếm 10% tổng sản phẩm kinh tế của Trung Quốc vào năm 2035. Hiện con số này mới vào khoảng 6%.
Theo báo cáo của McKinsey, sự tham gia của người cao tuổi trên các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc đang tăng vọt. Số người dùng trung bình trên 50 tuổi hàng tháng tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn khoảng 30% so với các nhóm nhân khẩu học khác vào năm. Để đáp ứng nhu cầu này, các ông lớn công nghệ Trung Quốc như Baidu, Didi, Taobao và JD đã tung ra các ứng dụng dành riêng cho người cao tuổi.
Bắc Kinh mong muốn, nền kinh tế bạc thúc đẩy tiêu dùng nội địa, tạo ra việc làm và thúc đẩy các sáng tạo, mô hình kinh doanh mới có thể thu hút được cả các xã hội đang già hóa ở nhiều quốc gia khác.
THÁO GỠ KHÓ KHĂN
Mặc dù kinh tế bạc được kỳ vọng sẽ bùng nổ, nhưng trên thực tế Trung Quốc vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết trước mắt.
Theo báo cáo của đài truyền hình nhà nước CCTV, khoảng 90% người cao tuổi Trung Quốc dành thời gian nghỉ hưu ở nhà. Do chính sách một con trong quá khứ nên thông thường mỗi hộ gia đình chỉ có một người con chăm sóc.
Đây là một thách thức lớn đối với lực lượng lao động, trong khi số lượng viện dưỡng lão hiện tại chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu. Cho đến nay, chỉ có 3% người cao tuổi dành những năm tháng cuối đời trong các cơ sở này. Sống ở nhà dưỡng lão vẫn bị coi là điều xấu hổ ở nhiều nơi.
Như hãng thông tấn nhà nước Xinhua đã đưa tin, Trung Quốc cần hơn 6 triệu nhân viên chăm sóc người cao tuổi tính đến tháng 4/2024. Bởi, tỷ lệ hiện tại chỉ vào khoảng 1 nhân viên chăm sóc chính thức cho mỗi 100 người cao tuổi, trong khi khuyến nghị là cần tối thiểu 4 nhân viên.
Ngoài ra, do không có các tiêu chuẩn chính thức về bằng cấp, nhiều gia đình đành tuyển dụng người lao động thời vụ, người lao động tự do để chăm sóc người cao tuổi, ngay cả những người ốm bệnh. Trường hợp này có thể thấy rõ nhất ở các thị trấn nhỏ và vùng nông thôn. Thậm chí, kể từ năm 2019, công việc này còn không yêu cầu bằng tốt nghiệp trung học phổ thông - vốn được coi là điều kiện tiên quyết trước đây. Bởi lẽ, khi nhu cầu tăng cao và nguồn lao động thiếu hụt, các tiêu chuẩn sẽ phải hạ bớt.
Đây là lý do tại sao chính phủ Trung Quốc có kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào việc đào tạo và tuyển dụng điều dưỡng viên chăm sóc người cao tuổi. Trong đó, chính phủ cam kết sẽ hỗ trợ học phí, chi trả sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo, đảm bảo việc làm và cấp các khoản trợ cấp hưu trí cho điều dưỡng. Bằng cách này, Bắc Kinh cũng muốn tạo cơ hội giải quyết tình trạng thất nghiệp tràn lan của giới trẻ hiện nay.
Ở một khía cạnh khác, cũng có nhiều ý kiến thúc giục chính phủ đẩy mạnh tuyển dụng điều dưỡng viên nước ngoài. Năm 2018, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận với Philippines để tiếp nhận 300.000 lao động Philippines, bao gồm cả nhân viên chăm sóc và y tá. Dù vậy, những nỗ lực này vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Về lâu dài, Trung Quốc không thể tránh khỏi việc cải cách chính sách nhập cư của mình, chẳng hạn như cung cấp các thị thực dài hạn cho nhân viên y tế có chứng nhận hành nghề.
CƠ HỘI MỚI CHO DOANH NGHIỆP NƯỚC NGOÀI
Áp lực nhân khẩu học cũng mang lại cơ hội cho một số doanh nghiệp nước ngoài muốn thâm nhập vào Trung Quốc.
Trích dẫn sách trắng có tựa đề "Ý kiến của Văn phòng Trung ương Hội đồng Nhà nước về Phát triển Kinh tế Bạc để Cải thiện Sức khỏe của Người cao tuổi”, chính phủ Trung Quốc đang đẩy mạnh các chương trình toàn diện để tăng cường hệ thống hỗ trợ, dịch vụ và cơ sở hạ tầng cho người cao tuổi, đồng thời khuyến khích nghiên cứu các sản phẩm, kênh tiêu dùng tiềm năng, ví dụ như thiết bị theo dõi thông minh giám sát sức khoẻ, khung xương ngoài hỗ trợ vận động hàng ngày, các thiết bị phục hồi chức năng, tập luyện và gia dụng thông minh, cũng như nhiều giải pháp telemedicine (y tế từ xa) cho người dân vùng nông thôn.
Từ năm 2016, chính phủ nước này tuyên bố sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường chăm sóc người cao tuổi cho đầu tư nước ngoài vào cuối năm 2020. Các cơ sở chăm sóc người cao tuổi sẽ nhận được lợi ích về thuế giống như các công ty nội địa trong vẫn có thể hoàn toàn thuộc sở hữu nước ngoài.
Một ví dụ điển hình là công ty Columbia Pacific của Mỹ, đã thành lập liên doanh Columbia China với sự hỗ trợ của quỹ đầu tư Temasek của Singapore, tập trung phát triển trong lĩnh vực dưỡng lão và chăm sóc sức khoẻ.
Mức tiêu thụ trong tiêu dùng và giải trí của người cao tuổi Trung Quốc dự kiến sẽ tăng theo cấp số nhân, với chi tiêu cho riêng quần áo dự kiến đạt 18,7 tỷ USD vào năm 2050.
Thị trường thiết bị y tế và mỹ phẩm cũng là một mảnh đất “màu mỡ” mà các công ty nước ngoài chú ý tới. Khi tuổi thọ trung bình ngày càng được nâng cao, nhận thức về hình ảnh bản thân cũng như hành vi tiêu dùng cũng dần thay đổi. Giống như phương Tây, người cao tuổi ngày càng hào phóng hơn hơn trong việc chăm sóc sắc đẹp để trông trẻ trung hơn, đồng thời tập trung chăm sóc và duy trì lối sống khoẻ mạnh khi bước vào độ tuổi xế chiều.
Nhiều thương hiệu lớn như Philips đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, mang đến cho người tiêu dùng một loạt hệ thống giám sát từ xa cho phép việc theo dõi và đánh giá sức khỏe thuận tiện hơn.
Công ty Sonova của Thụy Sĩ cũng đang nỗ lực mở rộng tại thị trường Trung Quốc với thiết bị máy trợ thính tiên tiến khi mà theo một nghiên cứu thị trường từ năm 2023 cho thấy, 4,2% dân số Trung Quốc hiện bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất thính lực, nhưng chỉ dưới 1/10 số người đó sử dụng máy hỗ trợ.